| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu kinh tế còn chậm

Chủ Nhật 02/11/2014 , 08:30 (GMT+7)

Ngày 1/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận đánh giá kết quả tái cơ cấu nền kinh tế. 

Đa số các ĐBQH đều cho rằng, tình hình tái cơ cấu còn chậm và chưa có định hình rõ nét.  

Cắt giảm 1.550 dự án

Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH đã trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng (NH) giai đoạn 2011-2015.

Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, duy trì tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người tăng. Về tái cơ cấu đầu tư công, QH đánh giá vốn đầu tư khu vực Nhà nước vẫn giữ tỉ trọng cao trong tổng đầu tư xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng của đất nước.

Từ 2011 đến nay cả nước đã cắt giảm được 1.550 dự án và có 272 DNNN được tái cơ cấu, sắp xếp lại. 9 tháng của năm 2014, sắp xếp 92 DN, trong đó cổ phần hóa được 71 DN. Trong giai đoạn 2011-2013, đã thoái vốn được 3.940 tỉ đồng và 7 tháng của năm 2014 đã thoái vốn 2.975 tỉ đồng. Đồng thời, Chính phủ cũng đã cơ cấu lại 8/9 NH yếu kém.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của nước ta ước thực hiện bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 5,78%, không đạt mục tiêu QH đề ra (6,5-7%). Mặt khác, xuất siêu thiếu bền vững vì có yếu tố DN trong nước gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên giảm nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm, năng suất lao động thấp và còn chưa đáp ứng được yêu cầu số lượng, chất lượng.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách vẫn ở mức cao, chỉ số nghĩa vụ trả nợ công vượt mức 25% so tổng thu ngân sách năm 2014. Đầu tư vào công nghệ, những ngành có khả năng dẫn dắt chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại chưa đáp ứng nhu cầu. Đầu tư dàn trải, chưa đúng tiến độ, chất lượng công trình thấp, không hiệu quả còn chưa được xử lý triệt để.

Báo cáo của QH cho biết, tổng số nợ xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ cả nước tính đến ngày 30/6/2014 là 44.594 tỉ đồng của 18.376 dự án.

Loại bỏ đi ông chủ hờ

Là người bấm nút đầu tiên để thảo luận nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đánh giá, tiến độ thực hiện tái cơ cấu kinh tế, các tập đoàn, DNNN và việc thoái vốn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong công nghiệp còn lạc hậu. Trong cơ cấu các thành phần kinh tế bất ổn, chưa phát huy tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân. Trong kinh tế lao động, hiệu xuất, năng suất lao động Việt Nam thấp hơn với năng suất lao động các nước trong khu vực

Theo ĐB Khá một số DN vẫn còn mang dáng dấp thời bao cấp, thừa thầy thiếu thợ, cắt giảm biên chế thì không biết cắt giảm ai vì đụng đến con anh A, cháu chị B.

Từ thực tế đặt ra, ĐB Nguyễn Thị Khá kiến nghị: “Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích, nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ sử dụng vốn. Phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn tăng tính chủ động tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn nhà nước phải là ông chủ thực sự khác với ông chủ hờ, thụ động chờ đợi đi xin kế hoạch, xin vốn và xin cả biên chế. Việc tái cơ cấu phải thật sự là bình mới và rượu cũng mới”.  

Đồng quan điểm, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), cũng có ý kiến với việc tái cơ cấu tập đoàn, DNNN thì các bộ ngành dứt khoát phải không còn làm chủ quản DNNN nào, địa phương chỉ chủ quản DN công ích.

Báo cáo của Chính phủ nhận định: "Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý không nghiêm, nên không những gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài mà còn gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản". Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu: "Công tác kiểm tra, đôn đốc, quy trách nhiệm và xử lý chưa được thường xuyên và nghiêm túc". Thực trạng nêu trên, dẫn đến hệ quả là nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế được phát hiện nhưng chậm xử lý.

Thừa nhận việc giám sát, đánh giá kết quả tái cơ cấu còn rất khó khăn vì cho rằng mục tiêu tái cơ cấu trong đề án còn chung chung, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu quan điểm: “Với một lộ trình thực hiện quá dài (từ 2011 đến năm 2020) trong khi đó thiếu sự lượng hóa, mục tiêu, chỉ tiêu cho từng giai đoạn. Đến nay, quá trình tái cơ cấu đã đi được 1/3 đoạn đường nhưng vẫn không thấy rõ những mục tiêu gì đã làm được”.

Kiến nghị với Nhà nước cần có tư duy đổi mới mạnh mẽ, huy động vốn từ tư nhân, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng: “Nhà nước cần xây dựng cơ chế cụ thể để chuyển dự án đầu tư Nhà nước sang tư nhân, coi phần Nhà nước đã đầu tư là phần góp vốn của Nhà nước.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bày tỏ lo ngại nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh cho rằng: “Trong nguy cơ, cao nhất, dễ xảy ra nhất là tình hình xử lý nợ xấu, nếu không xử lý tốt thì nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống là không thể tránh khỏi”..

Theo ĐB Phương, qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ, thấy chưa đồng tình cao với đánh giá về khó khăn, xử lý nợ xấu. Lẽ ra báo cáo cần đánh giá đầy đủ và minh bạch hơn.

“Những khó khăn được nêu trong báo cáo còn chung chung, chưa đưa ra cụ thể khó khăn đó nằm ở đâu, từ khâu nào. Chẳng hạn như trong báo cáo nêu thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu. Theo tôi, nếu dùng tài chính công để xử lý nợ xấu thì nguồn đó lấy từ đâu, có được đưa vào dự toán thu, chi ngân sách trước đó hay không” – ĐB Phương nêu câu hỏi.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho hay, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua còn lúng túng, chưa hiệu quả, thậm chí còn có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Xem thêm
Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.