| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu nhằm tăng đàn lợn trang trại

Thứ Tư 12/02/2020 , 09:29 (GMT+7)

Sau “bão” dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ ở tỉnh Hà Tĩnh đã giảm từ 63% xuống 49%.

Số liệu tổng đàn lợn tăng - giảm hiện nay giữa cấp tỉnh và huyện đang bất nhất.

Số liệu tổng đàn lợn tăng - giảm hiện nay giữa cấp tỉnh và huyện đang bất nhất.

Bất nhất số liệu tăng – giảm tổng đàn

Ngày 17/5/2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) “điểm mặt chỉ tên” người chăn nuôi Hà Tĩnh. Thời điểm đó, tổng đàn lợn của địa phương đạt trên dưới 406 nghìn con. Tuy nhiên, đáng bàn là tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm đến 63%; quy mô trang trại chỉ 37%.

“Chăn nuôi nông hộ càng lớn, công tác phòng chống dịch càng khó khăn. Vì thế, tôi nghĩ ảnh hưởng của DTLCP phần nào tác động tích cực, góp phần giúp Hà Tĩnh xóa dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển mạnh quy mô trang trại”, ông Trần Hùng, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh nói.

Theo ông Hùng, không phải giảm đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tổng đàn toàn tỉnh sẽ lao dốc mà ngược lại nhiều thời điểm tổng đàn còn tăng hơn so với trước khi bị DTLCP. Cụ thể, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt 409 nghìn con, tăng gần 3.000 con so với trước DTLCP. Đáng mừng hơn, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ chỉ còn 49% và chăn nuôi trang trại tăng lên 51%.

Ông Hùng phân tích, khi DTLCP bùng phát, tổng đàn lợn ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước giảm hẳn, thậm chí nhiều địa phương mất gần một nửa tổng đàn bởi, quy mô chăn nuôi nái ở các địa phương đó ít.

Còn ở Hà Tĩnh, tuy giảm chăn nuôi nông hộ nhưng trên địa bàn có đến 37 cơ sở chăn nuôi trên 300 nái trở lên nên lợn con sinh ra các trại vẫn phải nuôi thương phẩm. Tổng đàn giảm không đáng kể rồi giữ ổn định và đang có xu hướng tăng lên là từ đó.

Đến thời điểm này 171/175 xã trên địa bàn Hà Tĩnh bị DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn ốm, chết, phải tiêu hủy. 4 xã, phường đang có dịch, gồm: Cẩm Dương, Cẩm Thịnh – huyện Cẩm Xuyên; Bùi La Nhân – Đức Thọ và Nam Hồng – thị xã Hồng Lĩnh, tuyệt đối không được tăng đàn, tái đàn.

Tuy nhiên, trái với số liệu Chi cục Chăn nuôi – Thú y cung cấp, ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Thạch Hà khẳng định: “Tổng đàn lợn hiện tại không thể tăng so với thời điểm trước dịch mà giảm rất nhiều”.

Cụ thể, trước dịch tổng đàn toàn huyện Thạch Hà là 59 nghìn con nhưng hiện tại chỉ còn 32 nghìn con. Ngoài giảm ở chăn nuôi nông hộ, số trang trại đang hoạt động cũng chỉ còn 7/23 trại (quy mô từ 300 – 500 con); riêng các trang trại nhỏ về cơ bản đều “trắng chuồng”.

“Ngoài việc mất đi hơn 10% tổng đàn do dịch bệnh, trong thời gian xảy ra dịch (từ tháng 7/2019 đến nay), để đảm bảo an toàn Thạch Hà khuyến cáo không tăng, tái đàn. Giải pháp này tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi cũng như tổng đàn. Vì vậy, chắc chắn không thể có chuyện tổng đàn hiện nay tăng hơn so với trước khi bị DTLCP”, ông Sáu nhấn mạnh.

Đồng ý kiến, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho hay, hiện tại tổng đàn lợn trong khối trang trại của huyện có tăng nhưng không đáng kể (khoảng 4 –  5%). Do đó, số lượng này không thể bù đắp được con số 25 nghìn con đã mất do ảnh hưởng của DTLCP.

Giám đốc một trang trại nái ở huyện Thạch Hà một lần nữa khẳng định: “Tổng đàn lợn của Hà Tĩnh chưa thể quay về mức ổn định như thời điểm trước DTLCP”.

Bởi, ngay trang trại của ông, dù phòng dịch bài bản, tự chủ động được nguồn giống nhưng thời điểm này tổng đàn nái của trại cũng chỉ còn 2.800 con (giảm 1.200 con so với thời điểm trước DTLCP). Còn lợn thương phẩm, trước dịch bình quân mỗi tháng trang trại xuất chuồng 4.500 – 5.000 con nhưng bây giờ chỉ xuất bán được 3.500 – 4.500 con.

Tập trung tái đàn ở trang trại lớn

Hiện nay DTLCP ở Hà Tĩnh mới chỉ ở mức tạm ổn nên việc tái đàn vẫn theo phương châm an toàn, thận trọng. Quy mô tái đàn được chỉ đạo từ cấp xã và tập trung ở các trang trại lớn, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

DTLCP ở Hà Tĩnh mới ở mức tạm ổn, do đó việc tăng đàn, tái đàn chủ yếu tập trung ở các trang trại lớn.

DTLCP ở Hà Tĩnh mới ở mức tạm ổn, do đó việc tăng đàn, tái đàn chủ yếu tập trung ở các trang trại lớn.

Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh thông tin, theo kế hoạch, năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu tăng tổng đàn lợn lên khoảng 2,5% so với thời điểm hiện nay. Tập trung vào các huyện có số lượng trang trại lớn như Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Vũ Quang…

Bên cạnh siết chặt quản lý an toàn dịch bệnh tại các trang trại, cơ quan chuyên môn còn phối hợp chính quyền địa phương phổ biến Luật Thú y đến người dân. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo thông tư 23 của Bộ NN-PTNT.

“Nếu nông hộ muốn tái đàn thì phải nuôi ít nhất từ 10 con lợn trở lên để dễ kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, khuyến khích bà con mua giống ở các trang trại nái trong tỉnh để đảm bảo rõ nguồn gốc, chọn được con giống khỏe mạnh”, ông Dương nói thêm.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất