Hạn chế đánh bắt mùa sinh sản
Theo tìm hiểu, mùa các loài cá trên biển sinh sản thường vào độ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, trước đây, vào những ngày tại các khu buôn bán hải sản, chúng ta thường xuyên bắt gặp những con cá mẹ bụng căng đầy trứng nằm tăm tắp, đầy ụ trên những khay, chậu,... chờ khách hàng mua thì hiện nay tình trạng này đã được cải thiện.
Có bước tiến bộ này trong bảo vệ nguồn lợi hải sản tại Vịnh Bắc bộ là cả một quá trình vào cuộc nghiên cứu đánh giá với những công trình khoa học thiết thực của Viện Nghiên cứu Hải sản, là sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền và từ ý thức trách nhiệm của ngư dân liên quan đến kế sinh nhai.
Ở góc độ chính quyền, địa phương tiên phong thực hiện hạn chế đánh bắt hải sản tận diệt ở miền Bắc chính là Quảng Ninh, đây là tỉnh tiên phong trong việc bảo vệ nguồn lợi biển. Những năm qua, bằng nhiều biện pháp từ giáo dục, tuyên truyền đến những quy định cụ thể về việc cấm đánh bắt bằng các phương tiện gây nguy hại sinh vật biển cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Một trong những hành động quyết liệt của Quảng Ninh về vấn đề này là năm 2016, theo đó để bảo vệ loài sá sùng có nguy cơ bị khai thác quá mức, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành quyết định số 318 về việc quy định danh mục các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm và thời gian cấm khai thác sá sùng trên toàn tỉnh.
Đặc biệt, trong thời điểm sá sùng vào mùa sinh sản, cấm tất cả các hình thức, phương pháp khai thác sá sùng tự nhiên, bao gồm các phương pháp khai thác thủ công truyền thống.
Tiếp đó, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18 với nội dung “Tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản", qua đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, đã góp phần hạn chế được các hoạt động đánh bắt hải sản tận diệt, nhất là vào mùa sinh sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững.
Cũng như Quảng Ninh, các tỉnh, thành ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng,... cũng có những hành động cụ thể để tuyên truyền, hạn chế người dân khai thác tận diệt các loài thủy sản, trong đó có đánh bắt hải sản vào mùa sinh sản. Qua đó, ý thức ngư dân đã được cải thiện, từ tự phát đến tự giác.
Ngư dân Tô Chính Bình, chủ tàu vỏ gỗ HP-90958TS, làm nghề lưới chụp ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các tỉnh ven biển phía Bắc, những ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới đã có quy ước hạn chế đánh bắt thủy, hải sản vào mùa sinh sản, nếu đánh bắt được cá mẹ đang thời kỳ mang trứng đều thả trở lại biển.
“Chúng tôi thường hạn chế đánh bắt những loài hải sản đang vào mùa sinh sản, trường hợp bắt được nhiều người đã thả trở về đại dương. Trước đây nhiều người không để ý vì hải sản nhiều, ngày nay sản lượng càng lúc càng ít, được tuyên truyền nên ngư dân đã có ý thức bảo vệ nguồn lợi hải sản, trước mắt là để phục vụ cho chính mình, sau này là để đời con cháu còn có cái mà sinh sinh nhai”, anh Bình bộc bạch.
Hướng vươn khơi bền vững
Khai thác hải sản hiện nay đang theo 2 hình thức khai thác gần bờ và xa bờ. Tuy nhiên cả 2 hình thức này đang gặp những tồn tại nhất định. Khai thác hải sản sản gần bờ tuy đã có sự chuyển đổi mạnh cơ cấu tàu thuyền nghề ra xa bờ nhưng đến nay vẫn còn khoảng 80% số lượng thuyền nghề khai thác ven bờ bằng vỏ gỗ, không có hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đa phần bảo quản bằng đá lạnh, muối hoặc phơi khô; thực hiện chuyến biển trong ngày.
Khai thác hải sản xa bờ hiện tại ở các tỉnh phía Bắc chỉ chiếm gần 20% tổng số tàu khai thác hải sản nhưng đang gặp khó khăn về kỹ thuật khai thác, cũng như bảo quản sau thu hoạch. Cùng với hạn chế về đội tàu, nguồn nhân lực cho khai thác hải sản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa.
Theo thống kê, hiện nay chỉ có 30% số thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo nghề còn lại hoạt động nghề theo “cha truyền con nối” và phần lớn ngư dân có trình độ thấp và chưa được đào tạo tay nghề.
Tại các tỉnh ven biển Bắc bộ, hầu hết ngư dân chưa được đào tạo bản bản qua trường lớp. Số lao động chủ yếu làm việc dựa vào kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế sản xuất. Đây cũng là lý do khiến giá trị thu được từ các sản phẩm đánh bắt xa bờ chưa cao.
Đơn cử như đánh bắt cá ngừ, ngư dân thường sử dụng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng, cá ăn câu ở độ sâu lớn, khi thu câu nhanh, bị thay đổi áp suất đột ngột cộng với quẫy mạnh do bị làm chết bằng chầy gỗ đập vào đầu nên chất lượng thịt không cao. Cá lại chỉ được bảo quản bằng đá lạnh dài ngày nên hầu như chỉ đạt tiêu chuẩn làm cá hộp.
Khắc phục những hạn chế này, những năm qua, các tỉnh, thành ven biển phía Bắc đã có những hành động cụ thể để khuyến khích và định hướng ngư dân phát triển nghề cá, hướng đến đánh bắt xa bờ hiệu quả, bền vững.
Tại Thái Bình, địa phương này có những giải pháp cụ thể như: Nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất máy lớn, vươn khơi khai thác xa bờ… Một trong những việc làm rõ nét của địa phương này trong việc định hướng ngư dân đánh bắt xa bờ bền vững chính là hoàn thiện và ban hành đề án “Phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển”.
Đây là đề án quan trọng nhằm khuyến khích đầu tư hỗ trợ đóng mới, cải hoán các phương tiện có tổng công suất máy chính từ 300 CV trở lên và hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho tàu từ 90 CV trở lên.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng quan tâm phát triển cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đặt ra và đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ khai thác hải sản cùng như tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Hàng năm, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã tiến hành thả bổ sung giống một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị khoa học vào các vùng nước tự nhiên nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực.
Còn tại Hải Phòng, đây là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải Bắc Bộ. Để quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải sản đảm bảo phát triển bền vững, thành phố Hải Phòng đã có những định hướng phát triển, những quy hoạch điều chỉnh phù hợp, địa phương này đã có chủ trương giảm bớt số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, thuyền thủ công để giảm bớt áp lực khai thác ở vùng lộng và thực hiện nghiêm việc cấm sử dụng chất nổ, hóa chất để đánh bắt hải sản.
Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học để có đánh giá đầy đủ về nguồn lợi hải sản của địa phương, trên cơ sở đó xác định cơ cấu nghề nghiệp và số lượng tàu thuyền khai thác phù hợp đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi hải sản.
Mặt khác, cơ quan chức năng đã có những cách tuyên truyền sáng tạo, thường xuyên, dễ hiểu để người dân ý thức được khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, đặc biệt là nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ.
Cùng với đó, đã tổ chức tập huấn cho ngư dân về các phương pháp tổ chức, quản lý theo mô mình quản lý cộng đồng. Chuyển giao công nghệ mới khai thác hải đặc sản, đặc biệt là trong khai thác hải sản xa bờ cũng như trao đổi kinh nghiệm khai thác hải sản để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
“Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hải Phòng cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan nghiên cứu tiến hành điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, xác định các bãi đẻ, mùa vụ sinh sản làm căn cứ cho việc quản lý và sử dụng nguồn lợi có hiệu quả mà không ảnh hưởng đến nguồn lợi”, ông Lê Trung Kiên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phi Toàn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, qua nghiên cứu cho thấy, các nghề khai thác nghiên cứu đều có tác động xâm hại đến các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế trong quá trình hoạt động. Nghề lưới chụp có tác động xâm hại lớn nhất đến nguồn lợi với tỷ lệ 94,4%, nghề lưới kéo với tỷ lệ 87,0%, nghề lưới rê với tỷ lệ 74,2% và nghề lồng xếp là 72,0%.
Các nghề khai thác có tác động xâm hại đến nguồn lợi khác nhau giữa các mùa gió: Nghề lưới kéo và nghề lưới rê có tác động xâm hại trong mùa gió Tây Nam lớn hơn so với mùa gió Đông Bắc. Ngược lại, nghề lưới chụp và nghề lồng xếp có tác động xâm hại trong mùa gió Đông Bắc lớn hơn so với mùa gió Tây Nam.
Do vậy, UBND các tỉnh, thành ven biển cần xem xét bổ sung quy định kích thước khai thác tối thiểu của nhiều đối tượng thủy sản kinh tế đặc thù ở địa phương còn thiếu so với Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xem xét ban hành quy định về cấm khai thác có thời hạn (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6 dương lịch) ở một số khu vực tập trung bãi đẻ, bãi giống của các loài hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng, nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi.