| Hotline: 0983.970.780

Tâm lý găm hàng khiến giá thịt lợn tăng cao

Thứ Tư 25/12/2019 , 08:55 (GMT+7)

Dù dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn nhưng Thanh Hóa hiện vẫn còn trên 0,9 triệu con lợn. Nhiều doanh nghiệp, trang trại đủ điều kiện đang tập trung tái đàn.

Điều này mang đến hi vọng sẽ góp phần bình ổn giá thịt dịp tết.
 

Các sạp thịt vắng người mua

Bà Lê Thị Duyến, một tiểu thương tại chợ Vạn Hà, thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cho biết, từ vài tháng nay, các cửa hàng thịt lợn tại chợ vắng hẳn khách. Giá lợn hơi tăng khiến giá thịt cao, người tiêu dùng chuyển sang ăn cá, thịt gà, thịt vịt, thịt bò…

10-03-47_1
Các sạp thịt tại chợ Vạn Hà vắng khách do giá thịt tăng cao.

“Chúng tôi đang mua giá lợn hơi ở mức trên 90 nghìn đồng/kg, cao hơn 2 lần so với bình thường. Vì thế, giá thịt bán ra cũng phải tăng, thịt nạc ở mức 160 nghìn đồng/kg, các loại thịt khác dao động từ 130 - 150 nghìn đồng/kg... Lượng thịt bán ra cũng sụt 50 - 60% so với thời điểm trước do người mua giảm hẳn”.

Bà Vũ Thị Ngát, trú tại xã Thiệu Phúc cho biết, bình thường mỗi tuần gia đình bà ăn 3 - 4 bữa thịt lợn thì nay chỉ ăn 1 - 2 bữa. Cơ cấu bữa ăn gia đình bà bắt đầu thay đổi.

Không chỉ các sạp thịt bị ảnh hưởng, các cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng gặp khó khăn khi giá thịt tăng cao. Bà Tống Thị Liêm, chủ cửa hàng Susu nướng tại xã Thiệu Nguyên, cho biết, việc tăng giá thịt lợn ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của cửa hàng. Từ thời điểm thịt lợn lên, cửa hàng vắng khách hơn trước, khách vào gọi món ăn cũng dè dặt hơn.

Tại TP Thanh Hóa, theo khảo sát tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn đã tăng ở mức từ 30 - 40%. Theo các tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn ở chợ Đầu mối Rau quả thực phẩm Đông Hương (phường Đông Hương) giá thịt lợn tại chợ tăng cao khiến khách mua giảm, lượng hàng bán ra của các tiểu thương sụt giảm mạnh.

10-03-47_2
Người dân chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác như cá, thịt gà, thịt vịt.

Nếu trong những tháng trước, giá thịt ba chỉ chỉ có 70.000 đồng/kg thì nay tăng đến 100 - 120 nghìn đồng/kg; thịt nạc vai tăng từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/kg. Các loại xương và thịt khác cũng tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg...
 

Cung đủ cầu nhưng giá vẫn tăng

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa, trước khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xuất hiện, toàn tỉnh có trên dưới 1 triệu con lợn. Để hạn chế thiệt hại do DTLCP gây ra, UBND tỉnh Thanh Hóa và ngành nông nghiệp đã có nhiều động thái như bắt buộc các hộ chăn nuôi, trang trại, doanh nghiệp muốn tái đàn phải đủ các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học; có xác nhận của UBND cấp xã trước khi tái đàn.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật và thú y cộng đồng - Chi cục Chăn nuôi Thú y Thanh Hóa cho hay, ngày cao điểm, Thanh Hóa phải tiêu hủy 2 - 2,5 nghìn con lợn.

Để bình ổn, kiểm soát thị trường, Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các sở, ngành tăng cường tuyên truyền giảm sử dụng thịt lợn trong bữa ăn, thay thế bằng các thực phẩm khác. Thời điểm này, toàn tỉnh có 21 triệu con gia cầm, cao hơn cùng kỳ 2018 khoảng 2 triệu con; đàn trâu bò tương đối ổn định về số lượng... UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch chỉ đạo tăng cường quản lý ATVSTP; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm tránh đưa những sản phẩm thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn để đưa vào tiêu thụ.

Tuy nhiên, đến nay, dịch đã lắng xuống và đang tiếp tục có xu hướng giảm. Có ngày, toàn tỉnh chỉ tiêu hủy 15 con lợn. Điều này giúp nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp tự tin tái đàn.

Dù quy định tái đàn nghiêm ngặt nhưng với tình hình dịch đang dần nằm trong tầm kiểm soát, người nuôi tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đến nay, tổng đàn lợn của Thanh Hóa đang ở mức trên 900 nghìn con.

“Thống kê từ ngày 21/10 đến 25/11, toàn tỉnh đã có 29 trang trại tái đàn nuôi với tổng số trên 10 nghìn con lợn còn người chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu chuyển sang các đối tượng nuôi khác.

Nhiều doanh nghiệp như CP, CJ, Mavin nhập cả lợn nái hậu bị. Đặc biệt, từ ngày 25/10 đến 22/12, tốc độ tái đàn tăng nhanh, các doanh nghiệp như CP, CJ, MaVin đã nhập về trên 17,5 nghìn con lợn nuôi thương phẩm và nái hậu bị.

Tất nhiên, con số tái đàn này ít hơn thời điểm trước khi DTLCP xuất hiện nhưng nó cũng giúp địa phương duy trì đàn lợn; nếu chỉ cung cấp cho nội tỉnh thì đủ và không đến mức tăng giá như bây giờ”.

Cũng theo ông Cường, hiện nay, trung bình mỗi ngày Thanh Hóa xuất khoảng 350 - 450 con lợn thương phẩm ra ngoại tỉnh, gần bằng số lợn xuất thời điểm trước DTCLP.

Trả lời câu hỏi vì sao tổng đàn lợn hiện không giảm nhiều so với thời điểm trước DTLCP nhưng giá vẫn tăng cao, ông Mai Thế Sang, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện vẫn còn tâm lý găm hàng chờ giá lên của người chăn nuôi.

“Lợn bây giờ chủ yếu chỉ còn ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi. Với 945 nghìn con lợn, nếu chỉ tiêu dùng nội tỉnh thì vẫn đủ nhưng vẫn còn tâm lý găm hàng. Lượng lợn xuất khỏi địa bàn vẫn ở mức cao… Những yếu tố trên khiến giá lợn hơi tăng cao”, ông Sang cho hay.

10-03-47_3
Tổng đàn gia cầm của Thanh Hóa tăng từ 19 - 21 triệu con nhằm thay thế nguồn thịt lợn đắt đỏ.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm