| Hotline: 0983.970.780

Đòn 'thanh lọc' giúp chấn hưng ngành thịt lợn 118 tỷ USD của Trung Quốc

Thứ Sáu 25/10/2019 , 07:01 (GMT+7)

Các trang trại lợn quy mô lớn ở Trung Quốc vượt qua được dịch tả lợn châu Phi đang tái đàn và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra lực đẩy có thể giúp phục hồi ngành thịt lợn của nước này sớm nhất là năm 2020.

Quá trình tái đàn tại các trang trại quy mô công nghiệp lớn sẽ tạo ra thay đổi trong ngành sản xuất thịt lợn của Trung Quốc, Qiu Huaji, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm ở lợn, Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, nói tại hội nghị về dịch tả lợn châu Phi tổ chức tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.

Hội nghị diễn ra cuối tuần trước với khoảng 5.000 người tham dự.

“Dịch tả lợn châu Phi khiến cả ngành thịt lợn Trung Quốc phải thay đổi, buộc người chăn nuôi tăng cường an toàn sinh học và mở rộng các trang trại quy mô lớn”, theo Qiu. Lợn nhiễm bệnh sẽ chết trong vòng hai tuần nhưng virus tả lợn châu Phi không gây hại cho con người.

Dịch khiến Trung Quốc mất đi nửa tổng đàn lợn kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên hồi tháng 8/2018, công ty dịch vụ tài chính Rabobank của Hà Lan cho biết. Hệ quả, Trung Quốc bị thiếu nghiêm trọng nguồn cung thịt lợn, đẩy giá bán trong nước tăng hơn hai lần, ảnh hưởng đến cả giá thịt lợn thế giới.

“Nhiều nhà sản xuất đã rời bỏ ngành. Số khác hạn chế tái đàn do dịch bệnh chưa kết thúc”, theo báo cáo ngày 10/10 từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Dù vậy, kỳ vọng lợi nhuận có thể cao kỷ lục vẫn là động lực để người chăn nuôi Trung Quốc tái đàn, tăng sản xuất.

Bloomberg ngày 23/10 đưa tin công ty Muyuan Foodstuff, chuyên nuôi lợn và cung cấp thức ăn chăn nuôi, kỳ vọng có 1,3 triệu lợn nái vào cuối năm 2019 sau khi tái đàn và mở rộng hoạt động chăn nuôi, giết mổ. Thu nhập ròng của công ty tăng hơn ba lần lên 1,54 tỷ nhân dân tệ (217 triệu USD) trong quý III.

Muyuan Foodstuff, trụ sở ở thành phố Nam Dương, Hà Nam, đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu nguy cơ, chủ tịch công ty Qin Yinglin nói nhưng không nêu cụ thể. “Chúng tôi tự tin rằng virus tả lợn châu Phi có thể bị diệt trừ tại các trang trại lớn ở Trung Quốc và vắc xin là không cần thiết”.

Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thôn Trung Quốc tháng 9 ra văn bản hướng dẫn tái đàn tại những trang trại bị ảnh hưởng bởi dịch. Chính phủ Trung Quốc coi mở rộng là ưu tiên, khuyến khích nhà chức trách các tỉnh và địa phương đặt mục tiêu sản xuất và bổ sung quỹ đất cho chăn nuôi lợn, USDA cho biết.

New Hope Liuhe, chuyên nuôi lợn và cung ứng 15 triệu tấn thức ăn chăn nuôi cho 250.000 khách hàng mỗi năm, đang cố đáp ứng đồng thời nhu cầu tăng nguồn cung thịt lợn và bảo vệ môi trường. Công ty, trụ sở ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, muốn đủ năng lực nuôi 25 triệu con lợn trong năm 2022, chủ tịch Liu Yonghao khẳng định hồi tháng 9.

Nỗ lực mở rộng của New Hope Liuhe còn bao gồm xử lý chất thải động vật, theo phó chủ tịch Ji Chongxing.

“Các công ty lớn đang làm hết sức để tăng đàn lợn nái”, Lin Goufa, nhà phân tích cấp cao tại Bric Agriculture Group, nhận định. “Những công ty nhỏ đang dần bị loại khỏi cuộc chơi nhiều người đã cạn vốn vì dịch tả lợn châu Phi”. Ông ước tính số trang trại nuôi hơn 5.000 con lợn mỗi năm sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Trung Quốc có khoảng 26 triệu trang trại chăn nuôi ít hơn 500 con lợn/năm. Năm 2017, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc lên kế hoạch để nhóm trang trại nuôi ít nhất 500 con lợn/năm sẽ chiếm 52% nguồn cung nội địa vào năm 2020, so với mức 42% năm 2014.

“Với các trang trại lớn, tốc độ phục hồi rất nhanh” khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được triển khai, theo Bao Hongxing, chủ tịch Twins Group, một trong những công ty thức ăn chăn nuôi lớn của Trung Quốc.

Những trang trại nuôi ít hơn 3.000 con lợn/năm thiếu tự tin tái đàn. Những cơ sở thiếu an toàn sinh học cần thiết để phòng dịch rất khó được ngân hàng chấp thuận cho vay vốn, Bao nói. Twins Group đang tích cực mua lại nhóm trang trại nêu trên để mở rộng.

Lợn nái, có thể sinh 20 hoặc nhiều hơn lợn con một năm, là yếu tố then chốt để tăng nguồn cung lợn nội địa Trung Quốc. Số lợn nái trong tháng 9 thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng có thể tăng về mức trước dịch tả lợn châu Phi vào năm 2020, theo giám đốc điều hành của Muyuan và New Hope Liuhe.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo được kết quả trên, Qiu nói. “Tả lợn châu Phi giống một kẻ địch sẵn sàng xông vào nhà bạn bất cứ lúc nào”.

Ngay cả khi sản xuất thịt lợn phục hồi, nhu cầu tiêu thụ khả năng cao chưa thể bắt kịp, John Deen, giáo sư về thú y tại Đại học Minnesota, Mỹ, nhận định.

“Người tiêu dùng quá sốc khi giá thịt lợn tăng cao và nhu cầu có thể không bao giờ quay trở lại mức cao như trước”.

Một nghiên cứu cho thấy sức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc đã giảm 40 – 50%. Tờ SCMP ngày 22/10 đưa tin xu hướng chuyển sang tiêu thụ thịt thỏ, thịt chó để thay thế thịt lợn đã xuất hiện tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất