| Hotline: 0983.970.780

Tam sơn tứ hải nhất đẳng điền

Thứ Hai 20/01/2020 , 09:50 (GMT+7)

Đất nước ta ba phần là núi, bốn phần là biển và chỉ có một phần là ruộng nhưng lại có hơn 80% dân số là nông dân.

Ảnh minh họa.

Người nông dân cần ruộng như cá cần nước, như chim cần trời xanh bao la. Khi người nông dân không còn ruộng nữa thì họ biết làm gì để sống. Và còn chúng ta, sẽ sống nhờ vào hạt thóc của ai đây?

Hàng ngày phải chứng kiến những bờ xôi ruộng mật đang bị “sa mạc hóa”, tôi không khỏi đau lòng xót xa. Những dự án này nọ được vẽ ra trên giấy rất là đẹp, với những luận chứng kinh tế vô cùng khả quan. Những dự án được “vẽ ra” nhiều đến mức có hẳn các chuyên gia giỏi chuyên viết dự án.

Dự án được duyệt chủ đầu tư làm ngay việc đền bù cho dân rồi sau đó là đổ cát lên những thửa ruộng. Nhiều dự án đền bù xong cho dân thì hết tiền và có nhiều dự án chờ để sang tên đổi chủ lấy tiền chênh lệch. Thế là những thửa ruộng đất pha cát cứ nằm phơi ềnh ềnh ra đấy. Người nông dân sau khi nhận tiền đền bù thì vội vàng xây lại nhà cửa.

Quê tôi xưa là một vùng đất thuần nông, bao đời chỉ sống nhờ hạt thóc củ khoai. Mấy năm trước bỗng dưng đổ xuống một dự án xây dựng khu công nghiệp. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay được cắm mốc dự án.

Phương án đền bù, mỗi sào ruộng được trả 45 triệu đồng và 36m2 đất ở khu đất đã được qui hoạch cho dân xây nhà làm dịch vụ. Và để ngăn chặn việc dân "bán lúa non" 36m2 đất kia, UBND xã tích cực tuyên truyền cho dân và không chứng nhận cho bất kỳ việc mua bán đất ruộng nào. Nhưng bất chấp việc xã tuyên truyền và không chứng nhận cho việc mua bán đất ruộng thì việc mua bán vẫn diễn ra tấp lập. Giá cả được đẩy lên chóng mặt.

Ban đầu khi rục rịch có dự án chỉ có 80 triệu đồng một sào, khi tấm biển tên dự án được cắm lên ở đầu làng thì giá cả tăng tốc, 150 triệu, 200 triệu và 250 triệu. Xã không chứng nhận cũng không sao, giấy viết tay kèm với quay phim chụp ảnh làm bằng chứng. Giáp tết thì người dân được nhận tiền đền bù.

Ra Giêng khởi công xây nhà. Xây được nếp nhà khang trang là mơ ước cả đời của người dân, nhưng với người dân quê tôi thì đầy tâm trạng lo âu. Xây nhà trong cơn bão giá này là chết rồi, mà không xây để tiền đấy lại càng mất giá.

Chỉ tính viên gạch so với cùng kỳ năm ngoái cũng tăng gấp rưỡi. Xây xong được cái nhà thì hết tiền. Nhiều nhà còn phải vay mượn. Vả lại đầu óc của người nông dân chỉ quen việc đồng áng, không phải thiên tài gì mà trong chốc nhát lại biết làm thợ thủ công, biết buôn bán, biết làm dịch vụ để chuyển đổi cuộc sống.

Vậy là người trẻ thì lên thành phố đứng ở chợ người, hoặc đi vào những nơi còn ruộng nương để cầy thuê cuốc mướn. Người già ở nhà quanh qoéo bữa no bữa đói.

Một năm, hai năm, rồi ba năm, dự án vẫn cứ án binh bất động. Có nhiều người không đừng được nữa ra cấy lúa trên thửa ruộng đất pha cát của dự án dang dở kia. Cây lúa mọc loi thoi.

Thương ôi những thửa ruộng bờ xôi ruộng mật khi đã đổ cát vào rồi có lọc hết cát đi thì cây lúa cũng còn lên được nữa hay không? Có một người đàn bà tên là Gái. Bà Gái ở cuối làng chỉ có căn nhà nhỏ tí, không được chia ruộng. Bà Gái là người ở đẩu đâu chứ không phải người làng tôi.

Vì sao bà lại đến làng tôi thì nhiều người cũng mơ hồ đoán già đoán non mà thôi. Bà chăm chỉ trồng cấy. Quanh làng xóm có chỗ đất thừa nào là thấy bà cuốc cuốc xới xới rồi giồng cấy trên đó.

Chỉ vài ngày sau, đám rau đã lên mơn mởn. Dạo người dân làng tôi tiếc của giời ra cấy lúa trên ruộng đất pha cát, bà Gái cũng theo ra đồng. Bà xí một mảnh ruộng ở tít góc xa. Chỗ đó hình như cát đổ còn mỏng. Hàng ngày bà cặm cụi trên mảnh ruộng xí phần đó. Đầu tiên bà cuốc đất để đắp bờ ngăn không cho cát tràn sang. Sau, bà cần mẫn ngồi hớt từng lớp cát trên bề mặt ruộng.

Ngày nắng bà dùng thuổng đào từng mảng đất to rồi vật lên trên bờ phơi ải. Khi những hạt cát dính trên đất đã khô bà lấy cái bàn chải to dùng để giặt chiếu đánh hết những hạt cát đính trên mảng đất ruộng, như người đãi cát tìm vàng.

Đất không phụ công người, mảnh ruộng của bà Gái lúa tốt bời bời. Bà gặt lúa về nhà, thuê máy tuốt làng bên, đánh một đống rơm trước cửa nhà. Mấy năm rồi làng tôi không còn mùi thơm rơm rạ. Cả xóm kéo nhau đến nhà bà Gái để xem tuốt lúa.

Có người đánh tiếng vừa đùa vừa thật:

- Có dư thóc không để cho tôi một tạ. Thèm cơm mới quá!

Bây giờ thì cái dự án đã xong rồi, nhà xưởng bê tông sắt thép đã phủ kín. Đường làng cũng đổ bê tông. Nhiều nhà đông con trai, chia đất làm nhà cho ở riêng, mỗi đứa cũng chỉ được hơn 40m2. Nhà ống đâu chỉ là đặc sản của người thành phố.

Bây giờ ở quê tôi không chỉ có nhà bà Gái mà nhiều bà Gái khác, cứ hở ra còn tí đất nạc nào là cuốc cuốc xới xới rồi giồng cây. Chỗ đám rau lang tốt um, chỗ đám vừng vừa trổ hoa. Lạ cái đám vừng này, cứ mé đường mà giồng thì tốt bời bời. Hoa vừng nở tung nhưng chẳng thấy có cô thôn nữ nào đến để chữa lẹo nữa. "Lẹo lẹo mày ghẹo hoa vừng\\Ghẹo đi ghẹo lại mày đừng ghẹo tao". Thôn nữ bây giờ chỉ điêu khắc lông mày và xẻ mí mắt thôi…

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm