| Hotline: 0983.970.780

Tâm tư một người Nam bộ kháng chiến

Thứ Ba 04/09/2018 , 08:15 (GMT+7)

Nhắc đến thời khắc Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 diễn ra tại miền Nam, có lẽ không thể không nhắc đến vai trò của giáo sư Trần Văn Giàu (6/9/1911 - 16/12/2010).

73 mùa thu đã trôi qua, vị Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam kỳ thuở nào cũng đã thành người thiên cổ. Thế nhưng, câu chuyện về cuộc đời trăm năm của ông và những tâm tư gửi gắm trong tác phẩm của ông vẫn còn nguyện vẹn, như nhắc nhở cho bao người Việt hôm nay và mai sau!

09-31-38_gio_su_trn_vn_giu
Giáo sư Trần Văn Giàu từng là linh hồn của Nam bộ những ngày kháng chiến

Trong cuốn hồi ký ghi trân trọng: “Tặng vợ tôi, bà Đỗ Thị Đạo, người vợ trung thành, người đàn bà theo đúng truyền thống Việt Nam và truyền thống gia đình”, Giáo sư Trần Văn Giàu hé lộ “khoảng thời gian 1940 - 1945 là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời” ít nhiều cho chúng ta biết ông rất tự hào về giai đoạn đấu tranh thoát khỏi lao tù của thực dân Pháp để cùng đồng bào đứng lên khởi nghĩa với tư cách Chủ tịch Ủy ban hành chính Nam bộ.

Ngày 25/8/1945, hàng triệu người đã đổ xuống đường hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập! Việt Minh muôn năm”, ông Trần Văn Giàu khi đó với tư cách Bí thư xứ uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Nam kỳ đã trịnh trọng tuyên bố qua làn sóng phát thanh: “Hỡi đồng bào! Bây giờ chủ quyền về tay ta rồi, nhưng còn phải chờ sức nỗ lực làm việc và phấn đấu của ta thì nó mới vũng bền và rực rỡ”. Đến này 23/9/1945, ông Trần Văn Giàu lại tiếp tục vai trò lịch sử của mình bằng lời hiệu triệu: “Hôm nay Uỷ ban kháng chiến Nam kỳ kêu gọi: Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Sài Gòn bị Pháp chiếm phải là một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng…”.

Sau năm 1945, ông Trần Văn Giàu được điều ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, và từ đó ông dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu lịch sử và sự nghiệp giáo dục. Có một sự kiện đáng nhớ: Năm 2001, giáo sư Trần Văn Giàu bán căn nhà của mình lấy 1.000 cây vàng để thành lập Giải thưởng Trần Văn Giàu, nhằm vinh danh những người dày công nghiên cứu sử học, mà ông quan niệm “việc phải có ngày tháng, người phải có tên tuổi”. Ông cho rằng: “Trong đào tạo con người, cổ điển như hiện đại, văn - sử - triết là những môn học rất cơ bản. Tôi rất lo lắng khi thấy tri thức lịch sử bị xem nhẹ!”.

Tất nhiên, ông Trần Văn Giàu đã dùng cả cuộc đời miệt mài để chứng minh giá trị kia. Về triết học, ngoài ba cuốn triết học nền tảng “Biện chứng pháp”, “Vũ trụ quan” và “Duy vật lịch sử”, ông còn có tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám” được in thành 3 tập. Về lịch sử, ông có hai công trình quan trọng là “Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam” và “Lịch sử cận đại Việt Nam”. Về văn học, không thể không kể hai tác phẩm nghiên cứu của ông là “Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19” và “Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: tư tưởng yêu nước”.

Giáo sư Trần Văn Giàu từng thổ lộ về hành trình tri thức của mình: “Hồi nhỏ, tôi nghe bài ca “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, không biết của người nào viết, nhưng ám ảnh hai câu “Chúng bây nọ! Có đầu thì giữ, chớ cậy anh tài. Chị em ơi! Ngoảnh mặt mà coi, thiệt là liệt nữ”. Khoảng 15 tuổi thì tôi tập tành cầm bút, muốn dùng văn chương để làm cách mạng! Sau này, khi đã là một nhà cộng sản, tôi càng thấm thía, văn học đích thực bao giờ cũng giúp con người thức tỉnh lòng yêu nước. Như năm 1945 đó, tôi và những người Nam bộ kháng chiến đứng lên giành chính quyền chỉ với thứ vũ khí tinh thần sắc bén là thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản. Và cả khi tôi học xong Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản về nước hoạt động, bị địch bắt giam ở nhiều lao ngục thì tôi lấy hai câu “Nghĩ thương con tạo sao dời đổi. Vắn vỏi đêm trường tiếng dế ngâm” của Bùi Hữu Nghĩa để động viên mình”.

Với phẩm chất khiêm nhường, giáo sư Trần Văn Giàu không mấy khi bộc bạch vui buồn cá nhân. Ông không có con, nhưng tác phẩm của ông chính là những đứa con tin cậy nhất để kể cho chúng ta nghe một cách chân thành nhất, thẳng thắn nhất và trang nghiêm nhất về vẻ đẹp thầm lặng của ông và về cống hiến bền bỉ của ông. Và qua những dòng bề bộn, qua những câu đau đáu, ai cũng dễ dàng nhận ra không lúc nào ông ngơi trăn trở cho vận mệnh đất nước.

Lời tựa tác phẩm “Chống xâm lăng” in lần đầu vào năm 1956, Trần Văn Giàu trình bày ưu tư: “Tôi tự đặt nhiệm vụ đứng về phía nhân dân, dùng phương pháp sử học của chủ nghĩa Mác - Lê, mô tả cái quá trình xâm lăng của thực dân Pháp, tìm mọi nguyên nhân xa và gần, trực tiếp và gián tiếp của cuộc xâm lăng ấy. Nhiệm vụ của tôi chủ yếu là làm sống lại cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta, cắt nghĩa vì sao ta mất nước. Nhiệm vụ của tôi, vì thế, cũng là cố tìm lại sự thật lịch sử, đả phá những xuyên tạc, bóp méo, cố tâm quên của các sử gia đế quốc”. Nửa thế kỷ sau, tại hội thảo quốc tế về Việt Nam học, ông mạnh mẽ khẳng định trong tham luận “Bản lĩnh Việt Nam” khúc chiết: “Người Việt học chữ Hán mà đọc bằng tiếng Hán Việt. Người Việt học giỏi chữ Hán đã dần dần dựa vào chữ Hán, sáng tạo ra chữ Nôm của riêng mình. Kết quả việc học chữ Hán, chữ Nho, tiếng Việt được phong phú thêm nhiều, rất nhiều, mà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thì không mất”.

Tác phẩm “Chống xâm lăng” nổi tiếng của Trần Văn Giàu

Là một bậc đại trí và đại chí, giáo sư Trần Văn Giàu chọn cách ứng xử khoan hòa giữa giá trị xã hội và giá trị thân phận. Là một người viết sử cự phách, nhưng ông lại dùng lời lẽ nhỏ nhẹ để nói về mình. Thái độ ấy đồng nghĩa với đức độ của một con người chân chính: “Trong lịch sử dù là lịch sử của một khoảng đời ngắn ngủi, mình chỉ là một tiếng của ngàn trùng ngọn sóng trên biển sôi động: ghi lại một tiếng, thật ra có nghĩa lý gì lớn lắm đâu, có thêm bớt gì lắm đâu? Nhiều lắm thì làm cho một số người mất thì giờ đọc, hay mất tiền mua. "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng"; tục ngữ thì như vậy. Song, da, dầu là da cọp, nhiều năm rồi sâu mọt đục cũng hết. Tiếng, trừ ra tiếng của một số ít vĩ nhân, làm sao mà còn mãi với thời gian? Năm trăm năm sau cách mạng tháng Tám, dân ta sẽ còn nhớ chỉ tên của một mình cụ Hồ, mình ông Giáp. Cho nên, viết hồi ký này, tôi chỉ mong cho cháu một đời sau mình biết được rằng ông nó đã gắng sức làm tròn trách nhiệm ở đời, đã sống có nhân cách. Thế là đủ!”

Tên tuổi Trần Văn Giàu lan tỏa trong thời đại chúng ta không chỉ bởi số ngày tháng ông hiện diện trên nhân gian, mà còn bởi những đóng góp của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp khoa học nhân văn. Nói cụ thể hơn, cộng lại tinh hoa tích lũy qua các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà nghiên cứu tư tưởng, Anh hùng Lao động... sẽ có một chân dung Trần Văn Giàu vừa là nhân vật lịch sử vừa là nhân vật văn hóa! Khi còn tại thế, tầm vóc của giáo sư Trần Văn Giàu đã giống như một tượng đài. Vì vậy, có lẽ cần một khoảng thời gian nữa chúng ta mới có thể khắc họa đầy đủ diện mạo, cốt cách và trắc ẩn của ông. Ngay cả chuyện liệt kê và tìm hiểu toàn bộ thành tích và tác phẩm của Trần Văn Giàu cũng chẳng phải một công việc đơn giản một sớm một chiều. Hàng vạn trang sách Trần Văn Giàu đã tận tụy viết ra cũng đáng được xem như một di sản đồ sộ đối với thế hệ sau.

Trong lời cuối “Tổng tập Trần Văn Giàu”, ông trình bày một thao thức đáng để chúng ta suy ngẫm: “Phải chăng, vì tạo hóa vô tri đặt để Việt Nam nhỏ bé và trù phú ở bên cạnh người Khổng Lồ, và ở trên ngã ba đường thông thương quốc tế Bắc Nam Đông Tây? Ở vị thế địa lý ấy, Việt Nam khác nào món thịt ngon phơi trước mồm hổ đói, tránh sao khỏi cấu xé, lắm phen bị giẫm đạp… Trong cảnh ngộ đó, Việt Nam hoặc phải bị nghiền nát như tương, hoặc phải trở nên rắn như thép. Quyết không bị nghiền nát như tương, mà quyết làm tất cả để trở nên rắn như thép, đó là bản lĩnh Việt Nam. Bản lĩnh này không phải dân tộc Việt Nam sinh ra đã có, mà được hình thành trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước!”. Có lẽ đấy không chỉ là thao thức cho chuyện ngàn năm đã qua!

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.