| Hotline: 0983.970.780

Tan tác làng tôm

Thứ Ba 07/06/2011 , 10:56 (GMT+7)

Ở khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai), chỉ sau vài vụ thất bại khiến nhiều hộ dân đã trắng tay phải chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”, vì càng nuôi càng lỗ…

Bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư thuê đất đào ao nuôi tôm công nghiệp ở khu vực huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai), thế nhưng chỉ sau vài vụ thất bại khiến nhiều hộ dân đã trắng tay phải chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”, vì càng nuôi càng lỗ…

TÔM CHẾT, HẾT VỐN

Khác với không khí nhộn nhịp trước đây, dọc con đường đất đỏ chạy vào đồng Mô Rùa, đồng Ông Trúc là khu nuôi tôm công nghiệp và quảng canh với quy mô lớn của ấp Bà Trường, xã Phước An (Nhơn Trạch) im lìm, vắng teo. Dù mới khoảng 8 giờ sáng, trời nắng chang chang oi bức, mùi hôi tanh từ những ao nuôi càng bốc lên nồng nặc lan tỏa khắp vùng. Hàng loạt ao nuôi tôm đang bỏ hoang phơi nứt đáy, chòi canh trống hoác, rách nát, xiêu vẹo, máy bơm và những dàn quạt tạo oxy cũng vứt chỏng chơ quanh ao, chẳng một bóng người.

Anh Nguyễn Văn Sáu, quê Quảng Ngãi, ngồi lặng lẽ trong chòi lá, buồn bã than vãn: “Đáng ra giờ này bà con chúng tôi đã chuẩn bị thu hoạch tôm, nhưng mấy vụ rồi như có con nước lạ ập đến cuốn mất ráo cả chì lẫn chài khiến nhiều người nuôi trắng tay, kiệt vốn nên đã phải bỏ về quê rồi!”. Năm 2002, anh Sáu vào ấp Bà Trường thuê đất đào ao nuôi tôm công nghiệp với giá 30 triệu đồng/ha/năm, lúc đầu nuôi trúng lắm, nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, thả mấy đợt tôm liền đều thất bại, khiến chủ cho thuê đất thương tình giảm giá thuê xuống còn 10 triệu đồng/ha/năm, vậy mà các hộ nuôi cũng không bù được lỗ.

Theo anh Sáu, nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng chính là thủ phạm làm cho tôm chết hàng loạt. Đến nay, trong số nhiều người từ Quảng Ngãi vào đây tìm thuê đất đào ao nuôi tôm ở đồng Ông Trúc này chỉ còn mình anh Sáu vẫn ráng trụ lại để muốn thử thêm “canh bạc” cuối cùng với vụ tôm mới.

Dẫn chúng tôi ra thăm ao tôm theo mô hình công nghiệp được đầu tư khá bài bản, ông Trần Văn Đực, ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch có thâm niên mấy chục năm trong nghiệp tôm tâm sự: “Trước đây tôi đầu tư nuôi tôm công nghiệp, nếu trúng thì lời bộn, nhưng mất mấy vụ rồi tôm chết trắng ao, bị lỗ nặng “gãy” hết vốn liếng khiến tôi phải chuyển sang nuôi quảng canh, để nuôi tự nhiên, ít chăm sóc”. Theo ông Đực, mấy năm gần đây tôm chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong ao tăng quá cao như luộc tôm khiến chẳng con nào sống nổi.

THIẾU QUY HOẠCH

Theo thống kê ở xã Long Thọ (Nhơn Trạch) có trên 50 ha ao nuôi tôm công nghiệp phải bỏ hoang và xã Long Phước (Long Thành) cũng có hơn 200 ha ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Thời gian qua, người dân chuyển qua nuôi cua, cá, nhưng do nguồn nước ở khu vực này bị ô nhiễm nặng nên ngay cả các loại cá dễ sống như rô phi cũng không chịu nổi. Vì chưa tìm ra mô hình phù hợp để nuôi tiếp nên các hộ nuôi tôm ở đây đành phơi ao.

Nghề nuôi tôm từng phất lên nhanh chóng, không ít hộ đánh liều vác cả sổ đỏ nhà, đất đem thế chấp để vay vốn đầu tư hàng tỷ đồng vào cải tạo ao nuôi, mua sắm thêm máy móc chuyển nuôi công nghiệp. Vậy nhưng “thời hoàng kim” của con tôm công nghiệp cũng chỉ diễn ra trong vòng mấy năm (từ năm 2005 – 2009), sau đó tôm bắt đầu có hiện tượng chết rải rác và chết hàng loạt. Càng đổ tôm giống xuống càng bệnh nhiều khiến người nuôi trắng tay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay diện tích ngưng nuôi tôm đang phơi ao ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch có khoảng trên 300 ha, trong đó đa số là các ao nuôi công nghiệp. Chỉ riêng ở ấp Bà Trường có 300 hộ nuôi tôm (chủ yếu là người Quảng Ngãi vào thuê đất), nay 90% hộ đã phơi ao và 50% số người thuê đất đã không nuôi tôm nữa. Trong năm 2010 và quý I/2011, sau ba, bốn vụ tôm mất trắng, khiến nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, chưa biết khi nào mới trả hết.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch HND xã Phước An cho biết: Mặc dù nghề nuôi thủy sản vẫn được xác định là kinh tế mũi nhọn của địa phương với 1.070 ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp nhưng đến nay do có nhiều khu công nghiệp mọc lên, các loại chất thải công nghiệp tuồn xuống kênh rạch, ao hồ đã giết chết dần môi trường và hệ sinh thái. Hơn nữa, vấn đề quy hoạch vùng nuôi thủy sản cho đến nay cũng chưa rõ ràng, đa số là nuôi tự phát, khiến người dân thấp thỏm, không dám đầu tư mạnh vào nghề nuôi. Đồng thời, cũng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người dân bỏ hoang hàng loạt ao nuôi tôm như hiện nay.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm