Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang chịu tác động của các đợt không khí lạnh, thời tiết trời mây thay đổi, ngày nắng nhẹ, đêm và sáng sớm trời rét, có mưa rải rác. Đồng thời, các loại cây trồng chính trong vùng như: lúa, ngô, cà phê, hồ tiêu, điều, sầu riêng, thanh long, sắn (mì)…đang ở giai đoạn xung yếu là điều kiện cho các đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bộc phát.
Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 ở thời điểm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu (2021), đoàn công tác của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh cùng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ kiểm tra tình hình sinh vật gây hại trên các trà lúa, đặc biệt là lúa chân 3 vụ (Bình Định) cùng một số loại cây trồng chính trong vùng.
Sau chuyến thực địa và làm việc, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đề nghị Chi cục TT & BVTV các tỉnh và Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đăk Nông cần triển khai thực hiện các nội dung công tác sau:
Thứ nhất: Nắm bắt tình hình sản xuất thực tế ở địa phương (thời vụ, cơ cấu giống) và theo dõi các tác động bất lợi của thời tiết ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại để chủ động trong chỉ đạo bảo vệ sản xuất.
Thứ hai: Phân công cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt bố trí cán bộ trực trong dịp Tết âm lịch để nắm chắc diễn biến của sinh vật gây hại, tham mưu và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương nhằm tuyên truyền và hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát cao.
Thứ ba: Chú ý một số đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng chính sau:
- Cây lúa: Lúa Đông Xuân trà sớm giai đoạn đứng cái - làm đòng, đại trà và trà muộn giai đoạn mạ - đẻ nhánh cần chú ý bệnh đạo ôn, chuột; sâu năn ở vùng trũng; ốc bươu vàng ở lúa sạ muộn; rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa chân 3 vụ
- Cây sắn (mì): Đặc biệt chú ý bệnh khảm lá virus. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 5957/CT-BNN-BVTV ngày 06/8/2018 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn.
- Cây ngô: Giai đoạn cây con - PTTL là giai đoạn xung yếu cần chú ý đối tượng sâu keo mùa thu. Hướng dẫn nông dân thực hiện theo Quy trình kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu do Cục Bảo vệ thực vật ban hành.
- Cây hồ tiêu: Giai đoạn chắc quả - chín bói cần hướng dẫn nông dân thực hiện Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu.
- Cây điều: Giai đoạn ra đọt non - ra hoa - đậu quả chú ý bọ xít muỗi và bệnh thán thư. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều.
- Cây cà phê: Giai đoạn chăm sóc sau thu hoạch cần theo dõi bọ xít muỗi hại cà phê chè (Lâm Đồng), rệp sáp, rệp vảy và bệnh khô cành.
- Cây sầu riêng: Giai đoạn chăm sóc chú ý bệnh nứt thân, xì mủ gây hại. Cần tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh Phytopthora hại cây sầu riêng do Cục Bảo vệ thực vật ban hành.
- Cây thanh long: Giai đoạn chăm sóc - thu hoạch cần theo dõi bệnh đốm nâu. Tuyên truyền, khuyến cáo nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long của Cục Bảo vệ thực vật.
Đề nghị Chi cục các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung để chỉ đạo bảo vệ tốt sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021.