Cú “hích” cho doanh nghiệp xuất khẩu
Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để đồng hành, chia sẻ và tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế, phí, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thực hiện gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, giúp ngành nông nghiệp giữ vững vị thế trụ đỡ của nền kinh tế. Thời hạn triển khai từ tháng 7/2023 đến 6/2024 và chương trình này đã nhanh chóng hoàn thành trước thời hạn, hiệu quả ngoài mong đợi so với mục tiêu đề ra.
Là một trong 6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi, ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa cho biết, trong 4 năm qua doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hứng chịu tác động của đại dịch Covid-19, rồi các cuộc xung đột trên thế giới dẫn đến thị trường biến động.
Công ty có sản phẩm hàng hóa chủ yếu để xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu, khi việc hai thị trường này gặp biến động lớn về suy thoái kinh tế đã khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng cao, công tác sản xuất và bán hàng gặp nhiều khó khăn.
“Hiện tại, nguồn vốn doanh nghiệp đặc biệt là vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng. Vì vậy, tác động của chính sách về tín dụng đối với công ty có ảnh hưởng rất lớn. Chúng tôi thật sự may mắn khi được Nhà nước quan tâm. Nhờ vậy mà chúng tôi có thể duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, liên tục”, ông Lê Quý Việt cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, vào thời điểm này 1 năm trước, tình hình lạm phát toàn cầu và xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ của nhiều nước.
Sau khi Chính phủ vào cuộc và chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, đầu tiên là 3 lần giảm lãi suất điều hành, sau đó là gói tín dụng 15 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực lâm, thủy sản. Điều này đã tạo điểm nhấn tích cực, hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của ngành hàng trong thời gian qua và gói tín dụng đã tạo tâm lý rất tốt cho ngành hàng.
Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá kỹ lưỡng đưa vào thực tiễn và thành công, không chỉ có vấn đề thời gian mà còn hiệu quả thực tế. Gói 15 nghìn tỉ đồng thực sự là cú hích trong rất nhiều gói Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ.
“Ít nhất trong 1 năm qua, bối cảnh kinh tế và ngành hàng nhiều khó khăn, lãi suất đã giảm đáng kể, giảm áp lực rất nhiều cho sản xuất - kinh doanh, ít thấy có gói tín dụng nào được giải ngân một cách nhanh chóng, hiệu quả như gói 15 nghìn tỉ đồng, mà trong đó đến 74% là tín dụng cho ngành thủy sản”, ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, thị trường hiện nay đang có tín hiệu tích cực hơn, khi những bất ổn của năm 2023 đang giảm dần, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tồn kho tại các thị trường đang ít đi, giá xuất khẩu tăng dần trở lại cùng với những biến động địa chính trị khác cũng mang lại cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam.
Do đó, các chương trình hạ lãi suất và gói tín dụng cho ngành thủy sản, lâm sản trong thời điểm này là cần thiết và kịp thời nhằm thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông ngư dân quay vòng vốn đầu tư sẵn sàng cho sản xuất khởi sắc trở lại.
“Qua khảo sát sơ bộ của hiệp hội, ngành hàng gồm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, các cơ sở nuôi, bảo quản,… mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp - phù hợp, cũng như được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này. Chúng tôi mong các ngân hàng xem xét tăng tỉ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% trong gói 15.000 tỉ đồng vừa qua”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ thêm.
Tăng gói tín dụng lên 30 nghìn tỷ
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng lĩnh vực này.
Sau khi gói tín dụng 15 nghìn tỷ được giải ngân xong, để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, ngày 20/2/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô lên thành gói 30 nghìn tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại.
Đến nay các ngân hàng đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17,5 nghìn tỉ đồng với trên 6,5 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn ở đối tượng khách hàng là doanh nghiệp với gần 83% tổng doanh số cho vay.
“Việc triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc giúp 2 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm gạo, hàng rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ”, bà Giang chia sẻ.
Về vấn đề này, theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gói tín dụng hỗ trợ lâm sản, thủy sản là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay. Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tham gia và doanh nghiệp đã nhìn nhận, đánh giá những vấn đề, vướng mắc thực tiễn cụ thể đối với ngành nông - lâm - thuỷ sản sau khi hoàn thành xong mục tiêu gói tín dụng 15 nghìn tỷ.
Trong gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ lĩnh vực lâm - thủy sản, các ngân hàng tham gia thực hiện các chính sách cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước phải có thông báo cụ thể, hướng dẫn các điều kiện cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng tăng thêm hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp, về tài sản thế chấp trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với ngân hàng trước những nỗi lo về khả năng mất vốn,... để giải quyết câu chuyện về tài sản thế chấp.
“Cần quan tâm hơn nữa về lĩnh vực xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản. Thế mạnh của chúng ta là một đất nước nông nghiệp, thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển hơn nữa lĩnh vực này. Lĩnh vực đang là thế mạnh của chúng ta, phải phát huy thế mạnh, tăng cường tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Nếu hết 30 nghìn tỉ đồng, tôi sẵn sàng đề suất 45 nghìn tỉ đồng thậm chí 50 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay”, theo ông Tú.
Tại hội thảo "Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” vừa tổ chức tại TP Hải Phòng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết: "Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản về việc tiếp tục triển khai chương này với quy mô cho vay được nâng lên 30 nghìn tỉ đồng, Agribank đã đăng ký với NHNN và dự kiến tăng quy mô giải ngân theo chương trình cho vay lâm sản, thủy sản lên 8 nghìn tỉ đồng. Đến nay, doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5,5 nghìn nghìn tỉ đồng, dư nợ đạt gần 5 nghìn tỉ đồng với hơn 3,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn".