| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc: [Bài 2] Tạo 'vành đai xanh' cho vùng cây ăn quả ôn đới

Thứ Năm 08/08/2024 , 10:09 (GMT+7)

LÀO CAI Các giải pháp canh tác bền vững cho vùng cây ăn quả ôn đới đang được huyện Si Ma Cai đặc biệt chú trọng hướng dẫn bà con thực hiện.

Giữ chất đất để quả ngọt ngon

Gần 10 năm trước, huyện vùng cao Si Ma Cai bắt đầu đưa giống lê VH6 từ Trại rau quả Bắc Hà về trồng. Tại Si Ma Cai, nhờ ở độ cao thích hợp, khí hậu mát mẻ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tốt nên loại cây ăn quả ôn đới này cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét. 

Lê VH6 ở Si Ma Cai hiện đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai, nhờ đó quả lê ngày càng tiêu thụ tốt hơn. Huyện Si Ma Cai xác định các loại cây ăn quả ôn đới như lê, mận và một số vật nuôi như trâu, bò, lợn đen... là thế mạnh của địa phương. 

Cây lê mang lại đời sống ấm no hơn cho bà con dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Cây lê mang lại đời sống ấm no hơn cho bà con dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Bài liên quan

Ông Thền Mạnh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Si Ma Cai chia sẻ, xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, Si Ma Cai đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuyên truyền thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang tư duy kinh tế, nông nghiệp hàng hóa.

Khó khăn của địa phương là quỹ đất sản xuất ít, không tập trung, đồi núi dốc, địa hình chia cắt, do đó Si Ma Cai chọn hướng phát triển vùng cây ăn quả ôn đới theo hướng hữu cơ, bền vững, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa giữ được chất đất, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Từ nay đến tháng 10 - 11, các xã triển khai kế hoạch chăm sóc diện tích cây ăn quả ôn đới sau thu hoạch. Cùng với cắt tỉa cành, tạo tán, vít cành, làm cỏ... để cây sinh trưởng, phát triển tốt, chính quyền địa phương  còn vận động bà con tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, các loại cây cỏ ủ hoai mục để bón cho cây. 

"Đối với bà con trồng cây ăn quả trên đồi núi dốc như mận, lê, chúng tôi hướng dẫn bà con tạo luống theo vành đai, tạo bậc thang để vừa thuận tiện cho chăm sóc, bón phân, vừa hạn chế được xói mòn, rửa trôi đất. Khi đảm bảo được dinh dưỡng trong đất thì quả sẽ giữ được chất lượng, ngon ngọt hơn", ông Thền Văn Hùng cho hay. 

Lê Si Ma Cai được trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Đăng.

Lê Si Ma Cai được trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Đăng.

Mỗi năm thu gần 80 tỷ đồng từ cây ăn quả ôn đới

Từ nhiều năm trước, gia đình ông Giàng A Dế ở thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) đã bỏ công phát dọn cây cỏ, san tạo khu đất thành bậc thang rồi mua 200 cây giống lê VH6 về trồng. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, những cây lê phát triển rất nhanh, sang đến năm thứ 3 đã bói quả. Quả nào cũng to, căng mọng, vỏ mỏng, vị ngọt mát. Thấy được mùa, gia đình ông trồng thêm 400 gốc lê nữa. Ông Giàng A Dế cho hay, vụ rồi gia đình thu hoạch 2,5 tấn lê, bán được khoảng 80 triệu đồng. 

Thôn Mù Tráng Phìn có 130 hộ đều là đồng bào Mông, cùng với trồng ngô, trồng lúa, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ôn đới. Cả thôn hiện có khoảng 50ha lê, 30ha mận Tả Van. 

Ông Giàng A Sủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cán Cấu cho hay, hiện mỗi năm nguồn thu từ cây ăn quả ôn đới của thôn Mù Tráng Phìn đạt hơn 3 tỷ đồng, đời sống bà con được nâng lên. Hơn 20 hộ đã xây được nhà khang trang. Các hộ gia đình ở đây mỗi năm thu về khoảng 50 - 100 triệu đồng từ bán lê, nhiều hộ thoát nghèo.

Tại xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai) hiện có trên 300ha lê và mận, nhiều nhất huyện. Trong đó, thôn Seng Sui của xã này có 60ha cây ăn quả ôn đới.

Ông Hảng Seo Sình ở thôn Seng Sui cho hay, với 3ha mận, cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn. "Cán bộ chuyên môn luôn hướng dẫn bà con chăm sóc đất cho tốt, áp dụng kỹ thuật để cây ít sâu bệnh, phát triển tốt mà không phải dùng thuốc trừ sâu, hóa chất, phân bón hóa học… Ngoài ra, tận dụng phân xanh, chất thải động vật ủ bón cho cây", ông Sình cho biết.

Lê Si Ma Cai đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hải Đăng.

Lê Si Ma Cai đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hải Đăng.

Theo ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, xã có diện tích cây ăn quả lớn, nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập chưa cao. Do đó cấp ủy, chính quyền địa phương thời gian qua đã tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, cải tạo vườn và hướng đến sản xuất hữu cơ, bền vững. Khi làm được điều này, giá trị kinh tế từ cây ăn quả ôn đới sẽ cao hơn so với sản xuất thông thường.

Ông Thền Mạnh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Si Ma Cai cho hay, huyện đã thực hiện chuyển đổi trên 500ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ôn đới, trồng rừng. Diện tích cây ăn quả ôn đới toàn huyện đạt 1.496ha, trong đó gần 1/2 diện tích cho thu hoạch. Mỗi ha mận thu về khoảng 120 triệu đồng; một ha lê khoảng 240 triệu đồng. Cây ăn quả ôn đới mang lại thu nhập hằng năm gần 79 tỷ đồng cho người dân địa phương. 

Cần liên kết tiêu thụ chặt chẽ

Để đảm bảo đầu ra ổn định cho lượng lớn sản phẩm, huyện Si Ma Cai cùng Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã đưa sản phẩm quả lê lên các sàn giao dịch điện tử như Portmart và Shopee. Bên cạnh đó liên kết với các tư thương, doanh nghiệp, các điểm bán nông sản sạch giúp nhân dân tiêu thụ lê, mận. Một số đơn vị còn nghiên cứu cách chế biến sâu quả lê, mận thành các sản phẩm như rượu, mứt... thay vì bán tươi như hiện nay.  

Ngoài ra, Si Ma Cai cũng chú trọng quảng bá nông sản địa phương gắn với các lễ hội hoa lê, mận và dịp thu hoạch quả. Hỗ trợ, hướng dẫn một số hộ dân có diện tích trồng cây ăn quả lớn xây dựng mô hình điểm để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. 

Bà con ngày càng có ý thức canh tác thân thiện với môi trường, tăng cường bón phân hữu cơ cho cây ăn quả ôn đới. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con ngày càng có ý thức canh tác thân thiện với môi trường, tăng cường bón phân hữu cơ cho cây ăn quả ôn đới. Ảnh: Hải Đăng.

Từ nay đến năm 2025, huyện Si Ma Cai phấn đấu xây dựng 3 sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và nông nghiệp trải nghiệm. 

Tuy vậy, một số khó khăn trước mặt cũng cần được tháo gỡ. Theo bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc HTX Mản Thẩn (xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai), khi được giá bà con thường thu hoạch sớm nên quả không đảm bảo chất lượng. Vẫn còn trường hợp HTX hợp tác với bà con nhưng đến mùa, khi một số thương lái đẩy giá lên, bà con không bán cho HTX nữa mà bán ra ngoài cho thương lái nên gây rất nhiều khó khăn cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh của HTX.

"Khi đã ký hợp đồng với đối tác thì HTX có thể phải chịu phạt nếu không cung cấp đúng, đủ đơn hàng, đây là áp lực lớn cho HTX nếu bị bà con "bẻ kèo". Ngoài ra, giao thông đi lại khó khăn, trong khi HTX chưa có nguồn lực, do đó việc vận chuyển lê từ Si Ma Cai phải trung chuyển qua Bắc Hà mới tiện xe khác, làm đội chi phí”, bà Vũ Thị Nhung chia sẻ. 

Mặt khác, theo bà Nhung, khi lê chín thì lê Trung Quốc cũng có giá rất cạnh tranh, gây khó khăn cho tiêu thụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chưa phân biệt được đâu là lê trồng ở Si Ma Cai, đâu là lê trồng ở địa phương khác do hiện có nhiều địa phương lân cận cũng như tỉnh khác cũng đang mở rộng trồng cây ăn quả ôn đới… 

Vì vậy về lâu dài, khi diện tích và sản lượng cây ăn quả ôn đới của Si Ma Cai tăng lên, rất cần có những đầu mối, liên kết tiêu thụ bền vững sản phẩm cho bà con.

Ở Si Ma Cai, cây trồng hầu như phát triển thuận tự nhiên, chưa chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Do đó, Si Ma Cai có nhiều thuận lợi để sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ăn quả ôn đới nói riêng theo tiêu chuẩn hữu cơ, đó là tiền đề để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.