| Hotline: 0983.970.780

Tăng tốc tái đàn chăn nuôi, đón thị trường cuối năm

Thứ Ba 02/11/2021 , 10:30 (GMT+7)

Các tỉnh ĐBSCL đang tăng tốc tái đàn chăn nuôi cho thị trường cuối năm. Tuy nhiên, lo ngại nhất vẫn là nguy cơ dịch bệnh, nhất là dịch tả heo Châu Phi bùng phát.

Dịch tả heo Châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao

Trong tháng 10/2021, người chăn nuôi ở các tỉnh ĐBSCL bước vào đợt đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm để đón thị trường tiêu dùng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán có sức mua tăng mạnh nhất.

Trong hơn 3 tháng vừa qua, do dịch bệnh Covid-19, hoạt động chăn nuôi, nhất là đối tượng nông hộ chăn nuôi quy mô gia đình, nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề khi phải đối mặt cùng lúc 3 khó khăn lớn: Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ chậm, giá thấp và ẩn họa dịch bệnh chực chờ đe dọa.

Nguy cơ dịch tả heo Châu Phi là mối lo lớn nhất của người chăn nuôi ĐBSCL từ nay tới cuối năm. Ảnh: HĐ.

Nguy cơ dịch tả heo Châu Phi là mối lo lớn nhất của người chăn nuôi ĐBSCL từ nay tới cuối năm. Ảnh: HĐ.

Dù vậy tới tháng 10/2021, theo báo cáo của các tỉnh/thành phố trong vùng, hoạt động chăn nuôi của các trang trại quy mô lớn và hộ chăn nuôi nhỏ vẫn cố cố gắng duy trì. Sản phẩm cung cấp ra thị trường đều đặn, góp phần cân đối cung - cầu, bình ổn giá.

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm ở ĐBSCL có trên 510.400 con trâu, bò (trong đó 14.000 con trâu và hơn 496.500 con bò), hơn 1,4 triệu con heo và trên 51,7 triệu con gia cầm. So với cùng kỳ năm 2020, tổng đàn trâu, bò tăng hơn 4,6%, tổng đàn lợn tăng trên 14,4% và tổng đàn gia cầm tăng 0,9%.

Hiện nay, hoạt động chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã có phần bớt khó khăn, tuy nhiên nỗi lo và rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến dịch bệnh động vật còn phức tạp, một số địa phương vẫn còn xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ.

Theo Chi cục Thú y vùng VII, bệnh dịch tả heo Châu Phi nửa cuối tháng 10/2021 vẫn còn xảy ra tại 74 xã, 32 huyện thuộc 7  tỉnh, thành phố ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ.

Hiện trong vùng đã có 28 xã, 17 huyện, 9 tỉnh, thành đã qua 21 ngày không có báo cáo phát sinh thêm ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2020, bệnh dịch tả heo Châu Phi trong 10 tháng đầu năm 2021 tăng về số xã có dịch hơn gấp 2 lần.

Đối với gia cầm, hiện toàn vùng không có phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) H5N1. Bệnh CGC trong 10 tháng qua giảm về số xã có dịch trên 78,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bệnh lở mồm long móng (LMLM-Type O), bệnh tai xanh không có phát sinh dịch bệnh. Tuy vậy, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò đang xảy ra tại 107 xã, 22 huyện, 6 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long với tổng số trên 3.600 con bò mắc bệnh, tổng số chết và hủy 412 con chưa qua 21 ngày.

Chuyển mạnh sang chăn nuôi có kiểm soát dịch bệnh

Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nhất là dịch tả heo Châu Phi vẫn xẩy ra nhưng nhìn chung, đàn heo ở các tỉnh ĐBSCL vẫn trụ được và có dấu hiệu phục hồi. Ở các tỉnh có thể mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm như Tiền Giang,  Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre và TP Cần Thơ…, đang có sự chuyển hướng. Xu hướng mới chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp có kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP).

Chăn nuôi các tỉnh ĐBSCL đang chuyển mạnh sang quy mô tập trung, có kiểm soát tốt về dịch bệnh. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi các tỉnh ĐBSCL đang chuyển mạnh sang quy mô tập trung, có kiểm soát tốt về dịch bệnh. Ảnh: HĐ.

Chuyển biến mới tại một số địa phương, hộ chăn chăn nuôi heo nhỏ giảm. Trại heo nuôi quy mô từ trên 300 con đang phục hồi và phát triển, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Một số trại chăn nuôi gia cầm, phát triển chăn nuôi gia cầm đẻ trứng theo mô hình công nghệ cao, với dây chuyền tự động hóa.

Riêng Sóc Trăng là một trong những tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tỉnh triển khai dự án quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ môi trường và Dự án phát triển đàn bò (bò thịt, bò sữa) trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, nhờ các dự án Nông nghiệp cacbon thấp, tỉnh đã đề xuất chính sách hỗ trợ vốn, có chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ... Đồng thời, củng cố, hỗ trợ và tiếp tục nâng cao hoạt động của HTX Nông nghiệp Evergrowth góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là trong đồng bào Khmer; tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi gà trang trại, công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Dựa trên nền tảng phát triển ngành chăn nuôi gia súc của tỉnh Sóc Trăng, các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn tập trung, số lượng đàn heo nuôi lớn, chiếm 65% trong tổng đàn heo toàn tỉnh. Đa số các trang trại đảm bảo điều kiện vệ sinh phòng dịch an toàn, tự chủ sản xuất tạo nguồn cung heo giống.

Hiện các trại chăn nuôi heo tại Sóc Trăng đã có kế hoạch sản xuất đến cuối năm, đảm bảo nguồn cung heo ra thị trường Tết nếu nhu cầu tăng cao.

Cần Thơ cần nguồn cung từ các tỉnh ngoài

Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động chăn nuôi của Thành phố vẫn duy trì tổng đàn heo trên 128.880 con, đạt hơn 99% so với kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020...

Trong 10 tháng, tổng sản lượng thịt gia súc đạt trên 27.400 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ, thịt gia cầm tăng trên 9.300 tấn, giảm 17,7% so với cùng kỳ và sản lượng trứng trên 79,1 triệu quả, tăng 1,1% so cùng kỳ. Hiện nay, sản lượng chăn nuôi cung ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường của Thành phố, phần thiếu hụt được cân đối nhập từ các tỉnh, thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng.

Các tỉnh ĐBSCL đang tăng tốc tái đàn lợn phục vụ thị trường dịp cuối năm. Ảnh: TL.

Các tỉnh ĐBSCL đang tăng tốc tái đàn lợn phục vụ thị trường dịp cuối năm. Ảnh: TL.

Theo dự kiến, nhu cầu thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022 khoảng 8.400 tấn thịt gia súc, gia cầm, trong đó thịt trâu, bò 150 tấn, thịt heo 6.200 tấn, thịt gia cầm 2.050 tấn; trứng gia cầm 15 triệu quả. Trong đó, cân đối khả năng cung ứng của Thành phố khoảng 4.450 tấn sản phẩm gia súc...

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nhâm dần 2022, Cần Thơ cần nhập khoảng 1.900 tấn sản phẩm gia súc (chiếm khoảng 30%) và 450 tấn thịt gia cầm (chiếm khoảng 22%), 3 triệu quả  trứng (chiếm khoảng 20%). Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu được nhập từ các tỉnh như tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang.

Những năm qua, Cần Thơ đã tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, tái cấu trúc ngành chăn nuôi, dịch chuyển dần từ các quận về các huyện và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Sở NN-PTNT Cần Thơ đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 4 mô hình chăn nuôi (3 mô hình chăn nuôi heo và 1 mô hình chăn nuôi vịt) để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn.

Hiện Cần Thơ có 3 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm (1 chuỗi liên kết sản xuất sữa bò tươi, sản lượng 2.000 tấn/năm, 1 chuỗi liên kết sản xuất thịt heo, sản lượng 50 tấn/tháng, 1 chuỗi cung ứng trứng vịt muối phục vụ cho xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ 9,6 - 9,8 triệu quả/năm).

Riêng về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tại địa phương, thành phố hiện có 2 cơ sở sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, chủ yếu là xuất khẩu trứng vịt muối và lòng đỏ trứng vịt muối, sản lượng xuất khẩu khoảng 15 - 20 triệu quả/năm sang thị trường Hồng Kông, Singapore...

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.