Chiều 19/4, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) và công ty Chế Biến Thực Phẩm Công Nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm: “Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men”.
Thông qua buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, doanh nghiệp… đã đưa ra nhiều thông tin về dưỡng chất từ cà pháo, nhất là cà pháo lên men. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu thêm về một trong những món ăn truyền thống từ bao đời nay với người Việt trên khắp các vùng miền.
Việt Nam có không ít loại thực phẩm lên men đã trở thành món ăn được nhiều người nhớ mãi, từ hương vị, cách làm, cách chế biến, như cà pháo muối, củ kiệu muối, dưa chua muối, ngó sen muối, giá đỗ muối… Khi xã hội phát triển, dù có nhiều món ngon, vật lạ, nhưng những món muối từ các nông sản, thực phẩm trên vẫn hiện diện trong không ít trên mâm cơm mỗi gia đình người Việt.
Thực tế, ngày nay, dưới sự đầu tư, nghiên cứu, các doanh nghiệp đã phát triển những sản phẩm muối chua trên lên một tầm cao mới, có thể sản xuất nhiều hơn, đa chủng loại hơn, đảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì được các chất có lợi cho cơ thể.
Là một trong những đơn vị có công trình nghiên cứu về cà pháo, PSG.TS Trịnh Khánh Sơn, Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, cà pháo và nhiều nông sản khác khi lên men mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.
Theo PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn, cà pháo là món ăn có nhiều ý kiến trái chiều khi ăn, người nói tốt, người nói không, là người làm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tốt hay không tốt, phải có nghiên, phải có số liệu, phải dựa trên sự lâu đời sản phẩm.
PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn cho rằng, trên phương diện truyền thống, sản phẩm nào lâu đời thường sản phẩm đó tốt nhiều hơn xấu, vì tốt nên lâu đời, mà cà pháo và những sản phẩm lên men đã có từ xa xưa. Mặt khác, với những thống kê nghiên cứu khoa học chính thống, cà pháo có những dưỡng chất tốt và cà lên men giúp loại bỏ những chất không tốt trên cà pháo thông qua việc lên men, giúp sản phẩm cà lên men trở thành sản phẩm có lợi cho người sử dụng.
“Giống như hạt đậu nành, khi ăn sống không tốt, nhưng nấu chín và lấy sữa hay lên men làm khuôn đậu non lại rất tốt”, PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn nói.
Là một trong những doanh nghiệp HVNCLC chuyên sản xuất những món đặc sản gia truyền, Sông Hương Foods đã có nhiều sản phẩm từ lên men như mắm cà pháo, mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc Huế, mắm tôm bắc, mắm cá lóc, mắm nêm pha sẵn, dưa mắm... cho đến các món ngâm như củ kiệu, dưa món, ớt xay...
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Sông Hương Foods cho biết, hiện nay, riêng cà pháo, đội ngũ của Sông Hương Foods đã nghiên cứu, chế biến và sản xuất được 6 dòng sản phẩm, cà pháo muối, mắm cà pháo, mắm cà pháo chay, cà pháo mắm nêm, tôm chua cà pháo và cà pháo chua cay. Đây là những món được lên men tự nhiên, bằng quy trình lên men truyền thống cải tiến, với thời gian lên đến 21 ngày để đảm bảo tạo ra sản phẩm cà pháo an toàn, ngon vị, có độ chua, ngọt, giòn đậm đà từ gia vị thiên nhiên.
Chia sẻ thêm, ông Tuấn cho biết, từ khi đại dịch bùng phát năm 2020 đến năm 2021, lượng hàng tiêu thụ cà pháo của công ty tăng vọt so với ngày thường, do sự tiện lợi, an toàn, dễ ăn.
Để hướng đến nâng tầm cho sản phẩm cà pháo, Sông Hương Foods đã quyết tâm đầu tư nhà máy chuyên sản xuất và chế biến những món liên quan đến cà pháo, nhà máy này đang chuẩn bị khởi công xây dựng ở tỉnh An Giang. "Chúng tôi đang chuẩn bị có một đơn hàng xuất khẩu cà pháo đi Mỹ trong thời gian tới", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, hũ cà pháo truyền thống của Sông Hương Foods còn có trong đó nhiều loại nông sản, gia vị khác để có thêm hương vị đặc trưng, đó là ớt, tỏi, gừng, riềng… Với việc phát triển mạnh món cà pháo trong thời gian qua, ông Tuấn cho biết, Sông Hương Foods đã tạo ra cho người dân trồng cà ở Tây Ninh thêm đầu ra cho sản phẩm. Và cả những người nông dân trồng ớt, tỏi, gừng, riềng cũng vui lây…