| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp thực phẩm chay, thực phẩm thay thế thịt

Thứ Ba 01/03/2022 , 17:07 (GMT+7)

Xu hướng sử dụng thực phẩm thay thế thịt, thực phẩm chay được nhiều người chọn cho thực đơn hàng ngày. Đây là cơ hội cho Việt Nam với lợi thế nông sản nhiệt đới.

Buổi Tọa đàm 'Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế' do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 1/3. Ảnh: Trần Quỳnh.

Buổi Tọa đàm “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 1/3. Ảnh: Trần Quỳnh.

Tại buổi Tọa đàm “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” ngày 1/3, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, dưới góc độ nghiên cứu thị trường có 4 lý do dẫn tới thực trạng số lượng người ăn chay càng ngày càng đông, không chỉ ở châu Á mà cả các nước phương Tây. Đó là sức khỏe, đạo đức, tôn giáo và môi trường.

Ngoài ra, theo bà Hạnh, từ phong trào ăn chay của thế giới đang phát triển, mở ra cơ hội kinh doanh cho Việt Nam bởi một nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều loại nông sản đa dạng, cũng như sự đa dạng trong chế biến các sản phẩm chay.

“Chúng ta có lợi thế trồng trọt, có nhiều phụ phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp có thể chế biến sản phẩm chay như dừa, sen, đặc biệt là mít non - là một nguyên liệu làm thực phẩm chay đa dạng, thông dụng như gỏi mít non, mít non chay kho. Hiện nay, thay vì kêu mít không tiêu thụ được, thì những trái mít non, hộp mít luộc… có thể là nguyên liệu tốt cho dòng sản phẩm đồ hộp chay.

Đây chính là cơ hội kinh doanh lớn từ chế biến nông sản nhiệt đới thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm chay cho Việt Nam từ việc nghiên cứu chế biến các sản phẩm chay, sản phẩm thay thế thịt…”, bà Hạnh phân tích.

Theo bà Hạnh, kim chi Hàn Quốc đã tăng doanh số xuất khẩu 50% trong thời gian Covid-19 nhờ truyền thông, marketing tốt về các sản phẩm lên men có thể hỗ trợ miễn dịch. Trong khi đó, Việt Nam là thiên đường của các sản phẩm lên men như dưa cà, cà pháo, cải chua, giá chua… nhưng lâu nay vẫn chưa được quảng bá tốt, chưa phát triển xứng tầm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, tỉ lệ của người sử dụng sản phẩm thay thế thịt ngày càng tăng trên thế giới, đây là xu thế không chỉ cho người tiêu dùng, mà tạo cơ hội cho các doanh nghiệp. Các sản phẩm thay thế thịt hiện nay đã được nhiều hãng lớn trên thế giới phát triển. Việt Nam có lợi thế từ nguồn tài nguyên sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu thị trường cần gì. “Đầu tiên, tìm hiểu các xu thế đang thịnh hành trên thế giới, để đáp ứng nó, sau đó tìm kiếm các sản phẩm khác để tập quen cho thị trường, người tiêu dùng”, bà Mai nói.

Sản phẩm thay thế thịt được làm bằng rất nhiều thứ khác nhau, từ thực vật, hệ vi sinh, vi nấm… Hiện một số loại thay thế thịt giá còn cao do kỹ thuật chế biến khó cũng như do số lượng sản xuất nhỏ, tương lai khi kỹ thuật chế biến được phổ biến, sản xuất đại trà thì giá thành sẽ hạ, người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.

Đơn cử, ở Anh họ sử dụng nấm để sản xuất ra thịt gà hay thịt bò nuôi từ tế bào. Ngoài ra, đối với các thực phẩm chay, thực phẩm thay thế thịt, điều quan trọng không chỉ ở mùi vị mà hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm phải tương đương.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm thay thế thịt, sản phẩm chay thì tất cả các khâu đều phải đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn từ nguyên liệu đầu vào, nuôi trồng, thu hoạch, cho đến quá trình chế biến, nhà xưởng và con người…

Đứng ở góc độ doanh nghiệp sản xuất các dòng sản phẩm gia truyền truyền thống, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết, thị trường ăn chay là rất lớn, cùng với xu hướng phát triển của con người là muốn tiện lợi, không phải chế biến nhiều, do đó Sông Hương Foods đặt mục tiêu phát triển dòng sản phẩm cà pháo các loại có thể ăn liền.

“Dịp Tết vừa rồi, riêng mặt hàng cà pháo, công ty vẫn sản xuất không đủ bán. Với mong muốn cà pháo trở thành một sản phẩm như là một món gia vị ăn kèm, hiện Sông Hương Foods đang xúc tiến xây dựng nhà máy mới tại An Giang với tổng vốn đầu tư 65 tỉ đồng, công suất gần 2.000-3.000 tấn/năm vừa kết hợp giữa truyền thống với công nghệ hiện đại, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay để “Biến giấc mơ món cà pháo Việt Nam như kim chi Hàn Quốc”. Khi đó, công ty sẽ có đủ nguồn hàng đảm bảo các tiêu chí để sản phẩm có thể cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu”, Tổng giám đốc Sông Hương Foods Nguyễn Lê Quốc Tuấn nói.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.