| Hotline: 0983.970.780

Tạo 'đường bơi' cho cá cảnh: [Bài 1] Phục hồi sau đại dịch

Chủ Nhật 14/08/2022 , 08:14 (GMT+7)

Bị thiệt hại nặng do đại dịch Covid-19, ngành cá cảnh TP.HCM đang từng bước hồi phục trở lại, từ sản xuất, đến thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các cơ sở nuôi cá cảnh ở TP.HCM đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covd-19. Ảnh: Thanh Sơn.

Các cơ sở nuôi cá cảnh ở TP.HCM đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covd-19. Ảnh: Thanh Sơn.

Thiệt hại không nhỏ

Đến thời điểm này, những người nuôi cá cảnh ở huyện Củ Chi (TP.HCM) vẫn chưa quên quãng thời gian có thể nói là khốn đốn nhất của nghề nuôi cá cảnh khi toàn TP.HCM phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 một năm về trước.

Khi ấy, hầu hết các cơ sở nuôi cá cảnh đều không thể bán được cá, dù là bán cho thị trường nội địa hay xuất khẩu ra nước ngoài, trong khi vẫn phải cho cá ăn hàng ngày.

Anh Nguyễn Hoài Thanh, chủ cơ sở nuôi cá cảnh ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi tháng, anh vẫn phải bỏ ra 30-40 triệu đồng để trả lương công nhân và cho cá ăn, nhưng gần như không thể bán được cá ra ngoài thị trường.

Trong bối cảnh người dân bị hạn chế đi ra ngoài, việc tìm kiếm thức ăn cho cá cảnh không hề dễ dàng, nhất là những loại thức ăn tươi như trùn chỉ, trùn quế… Ngay cả thức ăn công nghiệp cho cá cảnh cũng trở nên khan hiếm do các công ty chuyên sản xuất thức ăn cho cá phải thu hẹp sản xuất do nhiều công nhân bị Covid-19 hay gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất theo yêu cầu “3 tại chỗ” …

Không chỉ thức ăn, người nuôi cá cảnh cũng rất khó khăn trong việc tìm mua các loạt vật tư khác.

Trước tình hình đó, các cơ sở cá cảnh phải xoay xở bằng mọi cách để duy trì nguồn thức ăn cho cá. Các cơ sở đều phải ngưng cho cá đẻ, cố gắng duy trì đàn cá hiện có. Tuy nhiên, do thiếu thức ăn và các vật tư cần thiết, đàn cá ở nhiều cơ sở đã hao hụt ít nhiều.

Không cầm cự nổi, một số cơ sở nuôi cá cảnh ở Củ Chi đã phải bỏ nghề. Những cơ sở còn trụ lại được thì đều đã bị thiệt hại khá nhiều.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, xác nhận, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn tới ngành sản xuất cá cảnh của thành phố. Trong thời gian giãn cách xã hội, những cơ sở nuôi cá cảnh đều phải thu hẹp lại, chủ yếu là lưu giữ cá giống để sẵn sàng phục hồi lại đàn cá sau dịch bệnh.

Phục hồi được 50% 

Ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, bước vào giai đoạn bình thường mới vào đầu tháng 10/2021, các cơ sở cá cảnh còn trụ lại được trên địa bàn thành phố đã bắt tay vào hồi phục công việc sản xuất, kinh doanh như khôi phục các bể cá, nhân giống, thả nuôi…

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ cơ sở nuôi cá cảnh ở Tân Hiệp, Hóc Môn, cho hay, nhiều người nuôi cá cảnh đã chia sẻ nhau những con cá giống còn giữ lại được sau đại dịch, để cùng nhân giống, khôi phục đàn cá.

Khuyến nông TP.HCM tích cực hỗ trợ nghề nuôi cá cảnh phục hồi sau dịch Covid-19. Ảnh: Minh Sáng.

Khuyến nông TP.HCM tích cực hỗ trợ nghề nuôi cá cảnh phục hồi sau dịch Covid-19. Ảnh: Minh Sáng.

Ngành nông nghiệp và hệ thống khuyến nông thành phố cũng hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của ngành cá cảnh. Ông Dương Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi, cho biết, ngay sau đại dịch, Trạm đã tiếp tục triển khai chương trình cá cảnh của thành phố.

Theo đó, thông qua các hoạt động khuyến nông, Trạm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho những người nuôi cá cảnh mới vào nghề; tổ chức các hội thảo về cá cảnh, để những người nuôi cá cảnh gặp nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm thị trường. Trạm cũng tiến hành xây dựng các mô hình nuôi cá cảnh, trong đó, thành phố hỗ trợ 50% về vật tư, con giống, để giúp các hộ mới vào nghề có điều kiện tiếp cận con giống, kỹ thuật và phát triển nghề trong tương lai.

Ông Minh nhận định, nghề nuôi cá cảnh trên địa bàn đang dần được hồi phục sau dịch Covid-19. Việc tiêu thụ cá cảnh của các cơ sở đã bước đầu khả quan. Không chỉ bán được ở thị trường trong nước, nhiều cơ sở đã bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu trở lại.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, sau dịch, người nuôi cá cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá thức ăn, vật tư, thuốc thú y… tăng, xuất khẩu gặp khó khăn vì các chuyến bay thương mại quốc tế còn hạn chế, cước phí vận chuyển tăng gấp mấy lần.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh đã nỗ lực kết nối lại với các khách hàng truyền thống nhằm khôi phục thị trường, từ đó khôi phục ngành sản xuất cá cảnh, đưa sản xuất, kinh doanh cá cảnh vào trạng thái bình thường. Đến thời điểm này, sản lượng cá cảnh trên địa bàn thành phố hiện đã hồi phục được bằng khoảng 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.