| Hotline: 0983.970.780

Tạo lá chắn bảo vệ đàn vật nuôi

Thứ Sáu 13/10/2023 , 08:04 (GMT+7)

Khắc phục khó khăn, lực lượng thú y Quảng Bình đẩy mạnh công tác tiêm phòng vacxin, chủ động tạo lá chắn bảo vệ đàn vật nuôi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn giống gia cầm trước lúc đưa vào chuồng nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn giống gia cầm trước lúc đưa vào chuồng nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Làm tốt công tác này đàn vật nuôi sẽ sung sức vượt qua dịch bệnh

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đối mặt với những dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và gánh chịu những thiệt hại lớn.

Theo ông Trần Công Tám, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, để bảo vệ đàn vật nuôi và giảm thiểu thiệt hại, nhiệm vụ quan trọng nhất phải đẩy mạnh công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi.

“Làm tốt công tác này, đàn vật nuôi sẽ sung sức vượt qua dịch bệnh. Người chăn nuôi yên tâm hơn trong đầu tư phát triển chăn nuôi”, ông Tám nói.

Nhìn lại năm qua, dịch bệnh trên địa bàn Quảng Bình đã làm thiệt hại không nhỏ đến đàn vật nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn đã làm cho trên 2.000 con gia súc và 7.000 con gia cầm mắc bệnh. Trong đó, trên 8.000 con gia súc, gia cầm đã buộc phải tiêu hủy…

Dịch tả lợn Châu Phi dù đã được khống chế, ngăn chặn từ cuối năm ngoái, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay đã bùng phát trở lại tại một số địa phương ở huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã phải thực hiện tiêu hủy trên 200 con lợn mắc bệnh, với tổng trọng lượng gần 8.000kg.

Theo ông Trần Công Tám, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh ở các địa phương chủ yếu do lợn giống mua từ các thương lái ở địa bàn khác về để chăn nuôi nhưng không cách ly, theo dõi. Các cơ sở chăn nuôi chưa kiểm soát được các nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh…

“Từ thực tế này cho thấy, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh rất lớn. Hai ổ dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao dịch trở lại. Bệnh cúm gia cầm đang xảy ra trong vùng Bắc Trung bộ, có nguy cơ lây nhiễm và gây bệnh cho người”, ông Tám nhìn nhận.

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật (PCDBĐV) tỉnh Quảng Bình đã đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai trên diện rộng.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban chỉ đạo PCDBĐV nhấn mạnh, những nhiệm vụ cụ thể như nâng cao chất lượng con giống và công tác tiêm phòng vacxin. Tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

“Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác khai báo  khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”, ông Hiệp cho hay.

Ban Chỉ đạo PCDBĐV tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp với  chính quyền địa phương các cấp tăng cường nhiệm vụ tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đã có trên 1,4 triệu liều vacxin phòng các loại bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng trâu, bò, tụ huyết trùng trâu, bò, cúm gia cầm dịch tả, tam liên lợn đã được tiêm cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ chưa cao so với kế hoạch, chưa đủ đáp ứng miễn dịch.

Cán bộ thú y đang thực hiện tiêm vacxin trên đàn lợn tại huyện Bố Trạch. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y đang thực hiện tiêm vacxin trên đàn lợn tại huyện Bố Trạch. Ảnh: T. Phùng.

Nói về nguyên nhân, ông Trần Công Tám cũng cho biết, chính quyền một số địa phương triển khai chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt và đang có suy nghĩ giao hẳn nhiệm vụ này cho lực lượng thú y.

“Trong khi đó, hệ thống thú y cấp huyện không còn nên hạn chế trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát tiêm phòng, Ngoài ra, một số cơ sở chăn nuôi còn trong chờ, ỷ lại sự hỗ trợ vacxin của Nhà nước nên công tác tiêm phòng đạt thấp”, ông Tám nói thêm.

Ý thức tự giác người chăn nuôi ngày một cao

Trước nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh thời gian tới là rất lớn. Nhận thức được mối nguy hại này, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động phối hộ với lực lượng thú y thực hiện tiêm phòng vacxin, ngăn ngừa dịch bệnh để tăng hiệu quả sản xuất, chăn nuôi.

Chúng tôi cùng cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch đến trang trại chăn nuôi lợn của ông Hồ Thanh Hải (xã Cự Nẫm, Bố Trạch). Theo ông Hải cho biết, trang trại luôn  duy trì thường xuyên 200 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt. Bình quân mỗi năm bán gần 5.000 con lợn thịt thương phẩm.

Trước khi vào trang trại, tất cả chúng tôi đều phải thực hiện quy trình tiêu độc, khử trùng, khử khuẩn và cách ly 2 tiếng trước khi vào trang trại. Các phương tiện, người đến mua lợn, cung cấp thức ăn hàng ngày, trang trại đều phải thực hiện đúng quy trình này.

Trang trại nuôi lợn của gia đình ông Hải được đầu tư xây dựng từ năm 2015. Hệ thống chuồng trại được đầu tư với 4 dãy theo thiết kế và công nghệ nuôi lợn của Thái Lan với máy làm mát, máng uống tự động, máng ăn bán tự động, hầm biogas và bảo đảm vệ sinh môi trường. Mấy năm gần đây, dù nằm gần với vùng dịch nhưng trang trại vẫn đảm bảo hoạt động tốt.

Ông Hải cho hay: “Việc tiêm phòng vacxin các loại bệnh của lợn phải được thực hiện đúng và đủ đàn lợn mới được khỏe. Trên cơ sở đó, công tác phòng chống dịch bệnh không được lơ là. Việc kiểm soát người ra vào trang trại, phun tiêu độc khử trùng phải chú trọng và luôn luôn kịp thời”.

Để từng ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch đã triển khai tiêm vacxin trên đàn lợn. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, đã có 8 hộ dân phối hợp  tiêm thử nghiệm trên tổng đàn lợn 80 con. Sau khi tiêm vacxin phòng tả lợn Châu Phi, đàn lợn đã có những biểu hiện tốt.

Ông Nguyễn Cẩm Long cũng đánh giá: “Ngoài những hộ đầu tư lớn, trang trại áp dụng công nghệ cao làm tốt việc phòng chống dịch thì các hộ nuôi nhỏ lẻ thực hiện tốt tiêm phòng vacxin cũng là giải pháp cứu cánh để ổn định đàn vật nuôi. Chúng tôi cũng đang tiếp tục vận động bà con ở những vùng đã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tiêm phòng vacxin này để có thể hạn chế dịch bùng phát trở lại”.

Người dân đã quan tâm đến  công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để tránh rủi ro có thể xảy ra. Ảnh: T. Phùng.

Người dân đã quan tâm đến  công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để tránh rủi ro có thể xảy ra. Ảnh: T. Phùng.

Tại trang trại chăn nuôi của ông Tạ Công Ngọc (xã Thanh Thủy, Lệ Thủy) có quy mô rộng 9ha. Trước đây gia đình ông Ngọc nuôi lợn, nhưng sau đó, giá lợn thất thường cùng với chi phí tăng cao nên đã chuyển sang nuôi nuôi gà, vịt, ngan. 

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nhất là vấn đề dịch bệnh, năm 2022, gia đình ông Ngọc đầu tư xây dựng lại chuồng trại khép kín, có làm giàn mát, hệ thống thức ăn và nước uống tự động cho đàn gia cầm. Đến nay, trang trại của ông đã có hơn 20.000 con gà, vịt, ngan, mỗi năm cho lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Sản phẩm của trang trại làm ra được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh lân cận.

Để đảm bảo cho chăn nuôi được thành công và có hiệu quả, ông Ngọc đặc biệt quan tấm đến công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi theo đúng khuyến cáo của ngành thú y. “Không chỉ chú trọng đến việc tiêm phòng vacxin cho đàn gà vịt thì hàng tuần,  trang trại cũng tiến hành tiêu độc khử trùng thường xuyên và hạn chế người ra vào”, ông Ngọc cho hay.

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Tạ Công Ngọc có 4 chuồng nuôi gà, vịt được đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Mỗi chuồng có diện tích hơn 500m2 với chi phí đầu tư gần 400 triệu đồng. Vào đầu năm nay, trang trại tiếp trục đưa vào nuôi lứa vịt với số lượng gần 5.000 con. Việc chọn con giống ở trang trại được cân nhắc rất kỹ lưỡng, giống phải được lấy từ những đơn vị có uy tín.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.