| Hotline: 0983.970.780

Tạo sinh kế từ trồng sả xuất khẩu trên vùng cát trắng

Thứ Ba 21/02/2017 , 13:44 (GMT+7)

Quảng Trị mở hẳn một hội nghị tìm sinh kế cho người dân 16 xã vùng cát ven biển bị ảnh hưởng. Tại đây, ông Hồ Xuân Hiếu đưa ra sáng kiến xây dựng mô hình trồng cây sả...

Đau đáu trước nỗi khổ của người dân vùng biển Quảng Trị bị mất nghề đánh cá sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Fomosa gây ra, ông Hồ Xuân Hiếu, TGĐ TCty Thương mại Quảng Trị liền bắt tay vào triển khai mô hình trồng cây sả ở vùng cát để xuất khẩu, cải thiện sinh kế, tạo việc làm cho lao động biển.
 

Trồng trên đất cát trắng

Sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân lao động vùng biển Quảng Trị. Người dân thất nghiệp, thu nhập gần như mất hẳn. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Trị mở hẳn một hội nghị tìm sinh kế cho người dân 16 xã vùng cát ven biển bị ảnh hưởng. Tại đây, ông Hồ Xuân Hiếu đưa ra sáng kiến xây dựng mô hình trồng cây sả trên cát làm nguyên liệu xuất khẩu.

trong-s093447354
Người dân ven biển Quảng Trị lần đầu trồng cây sả thương phẩm trên đất cát trắng
 

Cả hội trường lặng im nghe ông Hiếu trình bày ý tưởng trồng sả, những kinh nghiệm từ các địa phương miền Nam. Rồi tiếng vỗ tay không ngớt của hội nghị khi ông Hiếu kết thúc phát biểu của mình. Kể lại câu chuyện để thấy, tìm ra mô hình phát triển sinh kế cho người dân ven biển trong lúc ngư dân không đi đánh cá được vì biển đang ô nhiễm, là bài toán không dễ, gây đau đầu cho tất cả 4 tỉnh miền Trung. Nghe ông Hiếu làm, ai cũng kỳ vọng.

Sau hội nghị, ông Hiếu liền bắt tay vào triển khai mô hình trồng cây sả ở vùng cát ven biển. Tại vùng đất Quảng Trị, sả vốn là một loại cây dược liệu quen thuộc, được người dân trồng nhiều, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu không lớn của các gia đình.

Song trồng cây sả quy mô lớn ở vùng cát là việc làm hoàn toàn mới. Vì vậy, TCty Thương mại Quảng Trị phải đứng ra tổ chức mọi khâu. Từ làm đất, bón phân, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ. Sau mấy tháng triển khai thực hiện, đến nay TCty Thương mại Quảng Trị đã giúp dân triển khai được 4 mô hình trồng sả trên cát ở ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong, mỗi mô hình có diện tích 1 ha. Cán bộ kỹ thuật của TCty hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sả đạt hiệu quả tốt nhất.

Người dân chỉ tốn công trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn và thu hoạch. Với nhiều ưu điểm là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết, lâu nay nghề chính của bà con là đi biển. Sau sự cố môi trường biển, bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, TCty Thương mại Quảng Trị đã về hướng dẫn trồng cây sả xuất khẩu nên bà con ngư dân rất mừng. Cây sả hiện được người dân triển khai trồng trên các vùng đất cát trước đây trồng các loại hoa màu khác kém hiệu quả và đất cát trắng bỏ hoang.

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, để trồng mỗi ha sả cần đầu tư 7 tấn phân bón, 2,4 tấn giống. Sau 6 tháng cây sả cho thu hoạch với năng suất 10 tấn/ha/vụ, mỗi năm thu 2 vụ được 20 tấn. Hiện TCty thu mua sả với giá 3 triệu đồng/tấn. Như vậy mỗi ha sả cho thu nhập 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, TCty còn thu mua thêm phụ phẩm như lá sả cho bà con với giá 600 ngàn đồng/tấn. Mỗi ha sả có sản lượng 5 tấn lá. Làm một pháp tính kinh tế thì ít nhất mỗi ha trồng sả người dân ven biển Quảng Trị thu về tất cả 63 triệu đồng/năm.
 

Sả dưới tán keo

Ông Hồ Xuân Hiếu cho biết TCty Thương mại Quảng Trị đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm cây sả cho bà con với giá 3 triệu đồng/tấn nên họ yên tâm sản xuất. Hiện tại TCty đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài với nhiều sản phẩm như sả tươi, sả bột, sả xay và tinh dầu sả… Cây sả có ưu trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều năm như thu hoạch theo tẽ hoặc cắt ngang cây sau đó bón phân chăm sóc tiếp tục thu lứa khác.

Tiến sĩ Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, địa phương tham gia thực hiện mô hình trồng sả, phân tích cho thấy từ đất cát trắng chua mặn, không trồng và chăn nuôi được cây trồng vật nuôi nào. Nay TCty Thương mại Quảng Trị hướng dẫn giúp người dân trồng sả trên đất cát trắng nhiễm nặm rồi thu mua sản phẩm giúp dân đã mang lại một nguồn sinh kế rất đáng kể cho bà con ngư dân ven biển. Trồng sả vừa có thu nhập, vừa giải quyết được việc làm cho một lượng lao động rất lớn ở nông thôn, góp phần ổn định xã hội.

Không chỉ đơn thuần là trồng sả. Ông Hồ Xuân Hiếu cho biết trên diện tích đất trồng sả, TCty sẽ giúp bà con trồng rừng keo lưỡi liềm theo tiêu chuẩn FSC với mật độ 4 x 3m/cây. Sau 7 năm, TCty sẽ thu mua toàn bộ số gỗ keo lưỡi liềm ấy với giá cao hơn thị trường từ 15 - 20%.

Như vậy, bài toán kinh tế ở đây không chỉ trồng cây ngắn ngày là cây sả trên đất cát nhiễm mặn, hoang hóa, mà còn kết hợp với trồng cây dài ngày trên một diện tích đất để tăng giá trị của đất, góp phần phát triển bền vững. Ông Hiếu cho biết, về lâu dài, TCty sẽ nhân rộng mô hình trồng sả ra toàn bộ 16 xã vùng biển bãi ngang của tỉnh Quảng Trị với diện tích 1.000ha để góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình trồng sả trên đất cát góp phần quan trọng thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho người dân vùng ven biển.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, qua nghiên cứu, theo dõi và đánh giá thực tế, chúng tôi thấy việc giúp dân trồng sả xuất khẩu của TCty Thương mại Quảng Trị vừa kinh tế, vừa rất có ý nghĩa. Quảng Trị hiện còn diện tích đất cát trắng hoang hóa rất lớn. Vì vậy, có thể tập trung đưa cây sả trở thành cây dược liệu chủ lực, hiệu quả cao. Cần khuyến khích mở rộng diện tích trồng sả trên đất khô hạn, nhiễm mặn nhằm giúp nông dân vùng thường xuyên chịu đựng thiên tai ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

 

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.