Tạp chí Văn Hóa Nghệ An ra đời năm 2005 và nhanh chóng lan tỏa ra khỏi phạm vi địa phương. Tạp chí Văn Hóa Nghệ An ngoài báo giấy còn có trang điện tử thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Tạp chí Văn Hóa Nghệ An trong 15 năm với 425 số báo, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả.
Trên số báo cuối cùng vừa phát hành ngày 25/11, nhà báo Phan Văn Thắng - nguyên Tổng Biên tập tạp chí Văn Hóa Nghệ An, viết: “Có người nói tạp chí Văn Hóa Nghệ An đã hoàn thành sứ mạng của nó. Tôi không nghĩ như vậy. Văn hóa là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng khi còn nhân loại. Sự nghiệp văn hóa cũng như vậy, sẽ dài lâu và không có điểm dừng để tạo ra những giá trị mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Nghiên cứu, truyền thông về văn hóa là công việc đương nhiên, thường xuyên của bất cứ thiết chế xã hội nào. Việc tồn tại của các cơ quan nghiên cứu, truyền thông văn hóa ra đời và tồn tại là vì vậy.
Vẫn biết thời nay mọi việc đều có thể xảy ra ngoài ý muốn, thậm chí phi quy luật, ngoài sức tưởng tượng, nhưng sự chấm dứt hoạt động của tạp chí Văn hóa Nghệ An, với tôi, vẫn là bất ngờ lớn”.
Trong giai đoạn nở rộ các ấn phẩm báo chí, nhiều tỉnh, thành năng động đã có tờ báo ngành tồn tại song hành với báo Đảng địa phương. Tuy nhiên, tạp chí Văn Hóa Nghệ An là ấn phẩm duy nhất chuyên biệt về văn hóa trực thuộc cấp Sở quản lý. Đó là sự độc đáo không thể phủ nhận.
Ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai… có thể xây dựng được tờ báo của ngành công an hoặc ngành công đoàn, nhưng chưa thể thiết lập được tờ báo của ngành văn hóa, như tạp chí Văn Hóa Nghệ An. Thậm chí, tạp chí Văn Hóa Nghệ An còn khiến những người làm văn hóa ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TPHCM cũng phải bái phục.
Trong vài năm gần đây, tạp chí Văn Hóa Nghệ An còn có đại diện ở Hà Nội, TPHCM và Nha Trang để phục vụ công tác phát hành và gắn kết cộng tác viên. Vì sao tạp chí Văn Hóa Nghệ An có thể phát triển ngoạn mục như vậy? Có hai nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất là cái tài, cái tâm của những người thực hiện tạp chí. Thứ hai là vùng đất Nghệ An có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều nét đặc trưng để khám phá và để bảo tồn.
Bây giờ tạp chí Văn Hóa Nghệ An phải chấm dứt hoạt động, theo quy hoạch báo chí toàn quốc, khiến bao người tiếc nuối ngẩn ngơ. Nhà báo Chu Thị Xuyến - người đang giữ quyền Tổng Biên tập tạp chí Văn Hóa Nghệ An chia sẻ: “Bản thân tôi nghỉ hưu, còn các nhân sự khác thì chia về hai đơn vị. Phóng viên, biên tập viên thì về tạp chí Sông Lam của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, còn nhân viên hành chính thì về Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An”.
Giải quyết bài toán nhân sự không khó, nhưng làm sao giải quyết bài toán "thương hiệu" Văn Hóa Nghệ An là điều khó tránh khỏi băn khoăn. Trong bối cảnh thử thách cả đời sống báo chí lẫn đời sống văn hóa hiện nay, có được một ấn phẩm như tạp chí Văn Hóa Nghệ An không phải chuyện đơn giản.
Là người làm Tổng Biên tập tạp chí Văn Hóa Nghệ An suốt 13 năm, từ khi thành lập đến năm 2018, nhà báo Phan Văn Thắng ngậm ngùi: “Để thúc đẩy phát triển văn hóa thì hô hào suông là không đủ mà phải hành động, phải sáng tạo mới hi vọng có được các giá trị. Muốn có sáng tạo thì phải có tri thức, có tài năng, và có phương tiện. Liệu tạp chí văn hóa có phải là một thiết chế, một phương tiện để cộng đồng bồi bổ tri thức làm nền tảng cho quá trình sáng tạo?
Hãy xem nó là một công cụ truyền dẫn cho cộng đồng trong quá trình tiếp nhận văn hóa từ các nguồn khác nhau, từ truyền thống, từ thời đại… Và là một phương tiện, một kênh truyền thông quảng bá văn hóa Xứ Nghệ với thiên hạ. Nếu điều đó là đúng thì rất đáng để cho nó một cơ hội tồn tại và phát triển”.