Sáng 18/7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cho cán bộ các đơn vị trực thuộc, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng gói, chế biến xuất khẩu sầu riêng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Đây là một trong những hoạt động của chương trình triển khai thực hiện Quy định của Nghị định thư “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc” được Bộ NN-PTNT ký kết với Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc vừa qua.
Hội nghị sẽ diễn ra 3 ngày, các học viên sẽ được triển khai các nội dung về: Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; quy định chung về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng tại vùng trồng; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng xuất khẩu; sử dụng phân bón tại vùng trồng; yêu cầu đối với cán bộ kỹ thuật tại cơ sở đóng gói sầu riêng; hướng dẫn giám định sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói; quy trình cấp mã số và ghi chép tại vùng trồng, cơ sở đóng gói; Hướng dẫn sử dụng nhật ký điện tử Farmdairy…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, địa phương là một trong những tỉnh có diện tích sầu riêng lớn của cả nước, góp phần quan trọng trong việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Do đó, Sở đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật nhanh chóng xúc tiến các thủ tục và triển khai các nội dung của Nghị định thư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, chế biến sầu riêng nắm rõ nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho những lô hàng sầu riêng Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục bảo vệ thực vật cho biết, thị trường Trung Quốc hiện nay không còn là thị trường dễ tính nữa. Thay vào đó, quốc gia này hiện nay có những yêu cầu, quy định rất khắt khe đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu. Nhất là chính sách Zero Covid trong quản lý dịch bệnh trong suốt thời gian qua.
Để sầu riêng sau khi mở cửa thị trường tiếp tục có sự phát triển bền vững, các tỉnh trồng sầu riêng cần chủ động quan tâm đến quy định để đáp ứng được yêu cầu phía nước nhập khẩu đặt ra.
“Sầu riêng hay bất kỳ loại nông sản nào muốn có một sự phát triển bền vững thì chúng ta phải chung tay thực hiện tuân thủ các quy định cũng như các cam kết, để từ đây phát triển một ngành hàng tiềm năng sau khi được ký nghị định thư sẽ vươn xa và phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc”, ông Hiếu nói.