Đợt tập huấn giúp các địa phương chủ động nhận diện, thực hiện các biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả đối với loài sâu gây hại này.
Hình dạng sâu keo mùa thu |
Sâu keo mùa thu (tên tiếng anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperd) xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Nghệ An vào khoảng đầu tháng 3/2019, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Đây là loại sâu hại mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ngô.
Ngay sau khi xác nhận sâu keo xâm nhập vào Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã ra văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành Trồng trọt và BVTV các tỉnh điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác, báo cáo về Cục BVTV trước ngày 10/5 để tổng hợp, báo cáo Bộ; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng dẫn của cục BVTV để hạn chế thiệt hại.
Theo Cục BVTV, cả nước có khoảng 1 triệu ha ngô, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc (khoảng 600.000ha). Đến thời điểm này, dù chỉ sau một thời gian ngắn xâm nhập nhưng hầu hết các tỉnh phía Bắc (xấp xỉ khoảng 30 tỉnh, TP) bị sâu keo mùa thu tấn công. Vùng phía Nam mới chỉ có TPHCM xác nhận có sâu keo, còn vùng ĐBSCL chưa có thông tin về loài sâu này. Vùng Tây Nguyên có 1 tỉnh xuất hiện sâu keo.
Tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện nay cây ngô đã thu hoạch xong và sâu keo mùa thu chưa xuất hiện nhiều nên việc công bố các đặc điểm nhận diện loại sâu này đến từ Chi cục và người dân trực tiếp canh tác, SX là vô cùng cần thiết nhằm có biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó trong vụ SX tiếp theo.
Ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Cục BVTV cho biết, đợt tập huấn này nhằm đánh giá xem diện tích ngô của từng địa phương ở từng độ tuổi là bao nhiêu. Nếu cây ngô đã lớn trên 50 ngày tuổi thì không phòng trừ nữa vì không hiệu quả. Lứa ngô dưới 50 ngày tuổi có bao nhiêu, bị mức độ như thế nào thì mới quyết định có thực hiện phòng trừ hay không, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả nhất.
“Sau đợt tập huấn, yêu cầu các tỉnh phải nắm được triệu chứng của sâu keo mùa thu. Thứ 2 là phải tập huấn ngay cho bà con nông dân, bản thân Chi cục khi nắm được thì thông báo chỉ đạo phòng trừ trên cơ sở những vết gây hại của sâu trên lá, kết hợp với mật độ sâu để hướng dẫn bà con phòng trừ ngay từ giai đoạn ngô được 5-7 lá. Các tỉnh sau khi tập huấn sẽ có kinh nghiệm trong việc tổ chức chỉ đạo như trên cây lúa. Quan trọng nhất là phải sát với đồng ruộng”, ông Dương nói.
Sâu keo mùa thu gây hại nặng trên cây trồng đặc biệt là cây ngô |
Về phòng chống sâu keo mùa thu, Cục BVTV khuyến cáo thực hiện các biện pháp như canh tác: Làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Biện pháp thủ công: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
Ngoài ra còn có các biện pháp khác như biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, …), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ...
Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc đăng ký để phòng trừ sâu keo mùa thu. Do đó, Cục BVTV đề nghị Sở NN-PTNT địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sử dụng tạm thời các loại thuốc BVTV để phòng trừ, cụ thể: Bacillus thuringiensis (300-500g a.i/ha), Spinetoram (30-36ga.i/ha),Indoxacarb (75g a.i/ha), Lufenuron (30g a.i/ha). |