Những ngày này, gia đình bà Lưu Thị Nhâm ở xã Bạch Hà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đang thuê thêm nhân công để thụ phấn cho vườn bưởi nhà mình. Những đôi tay thoăn thoắt như những cánh ong, cánh bướm nhẹ nhàng chấm lên từng bông hoa bưởi. Hoa bưởi chỉ nở rộ từ 10 - 20 ngày nên bà con phải hết sức tranh thủ, khẩn trương vừa thụ phấn cho hoa, vừa chăm sóc, bón phân cho cây khỏe, đậu nhiều quả.
Theo bà Nhâm, gia đình có hơn 2ha bưởi có tuổi đời hơn 40 năm, diện tích rộng, thời gian ra hoa ngắn, vì vậy để kịp thời vụ bà phải thuê thêm người từ những địa phương lân cận đến hỗ trợ thụ phấn cho hoa. Việc thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi không khó nhưng phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Thường việc thụ phấn phải chọn những ngày nắng ráo, nếu làm vào ngày mưa hoa sẽ bị thối, còn trời gió mạnh phấn hoa sẽ không dính được vào đầu nhụy.
Từ lâu, xã Đại Minh (huyện Yên Bình) nổi tiếng với đặc sản bưởi tiến vua. Quả bưởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều vitamin và khoáng chất ở dạng vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Quả bưởi Đại Minh có vị ngọt mát, hàm lượng axit thấp, mùi vị đặc trưng, vỏ mỏng, khi chín màu vàng nhạt, mỗi quả bưởi chỉ nặng từ 0,8 - 1,2kg, sau thu hoạch có thể bảo quản để được vài tháng nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Dương Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, cả xã hiện có trên 400ha bưởi, năm 2023 cây bưởi mang lại thu nhập hơn 50 tỷ đồng cho người dân nơi đây. Trước đây, do không có kỹ thuật nên người dân để bưởi ra hoa, thụ phấn tự nhiên, tỷ lệ đậu quả thấp, múi bưởi khô, kém mọng nước, làm giảm năng suất và chất lượng. Khoảng chục năm trở lại đây, nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên bà con đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo bổ sung giúp cây bưởi đậu quả nhiều hơn, chất lượng quả thơm ngon hơn trước.
Chính kỹ thuật thụ phấn chéo đã góp phần giúp hồi sinh vùng bưởi quý. Phương pháp này đơn giản nhưng phải tỉ mỉ, hoa bưởi để thụ phấn phải lấy từ cây bưởi khác dòng như bưởi chua, bưởi hạt, bưởi Diễn… sau đó chấm vào từng đài của hoa cái cây bưởi Đại Minh. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ ràng qua từng năm, quả bưởi mọng hơn, vị ngọt mát, thơm ngon nên bà con chăm chút đầu tư và coi đây là cây làm giàu.
Hiện nay, sản phẩm bưởi Đại Minh đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Yên Bình. Toàn huyện hiện có trên 1.000ha bưởi, tập trung chủ yếu ở xã Đại Minh và Hán Đà. Năng suất bưởi đặc sản này đạt hơn 9 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 10.000 tấn, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng/năm.
Bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, hiện ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thụ phấn đến lựa chọn cây giống chất lượng cao, sạch bệnh để nhân ra diện rộng.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân.