| Hotline: 0983.970.780

Mùa 'se duyên' cho hoa bưởi

Thứ Sáu 23/02/2024 , 06:24 (GMT+7)

HÀ TĨNH Để cây bưởi thụ phấn tốt và tăng tỉ lệ đậu quả, người dân ở vùng trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) phải tự tay thụ phấn bổ sung cho hoa.

Nhiều người nói vui, họ đang “se duyên” cho hoa bưởi. Từ giữa tháng Giêng tới đầu tháng 2 (âm lịch), các vườn bưởi ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) hoa nở trắng muốt, hương bưởi thoảng nhẹ, vấn vương. Đó cũng là lúc người dân tất bật với công việc thụ phấn bổ sung cho hoa, giúp cây bưởi tăng tỷ lệ đậu quả.

Ngày trước, những vườn bưởi ở đây được người dân chăm bón, cho thụ phấn tự nhiên nhờ côn trùng như ong, bướm… Tuy nhiên, việc thụ phấn này không giúp cây bưởi có khả năng đậu quả ổn định, lúc nhiều, lúc ít. Để tăng khả năng đậu quả, người dân đã tiến hành giúp cây thụ phấn bổ sung bằng cách lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa bưởi đường.

Việc thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi đòi hỏi phải rất tỉ mẩn, kiên trì. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Việc thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi đòi hỏi phải rất tỉ mẩn, kiên trì. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đang bận rộn thụ phấn cho hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình, bà Thái Thị Lý ở thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch (huyện Hương Khê) cho biết: "Công việc thụ phấn thủ công giúp bưởi Phúc Trạch tăng khả năng đậu quả. Nếu không thụ phấn, tỉ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 20 - 30%, sau khi thụ phấn cây bưởi Phúc Trạch cho tỉ lệ đậu quả cao gấp 2 - 3 lần. Nhờ phương pháp này mà hơn 300 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình tôi phát triển tốt, mùa bưởi năm 2023 đạt năng suất 1,5 vạn quả, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi bỏ túi gần 300 triệu đồng".

Theo bà Lý, dùng hoa bưởi chua để thụ phấn cho cây bưởi Phúc Trạch không chỉ giúp tỉ lệ đậu quả tăng cao, mà chất lượng quả bưởi cũng tốt hơn. Nhờ các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của huyện, của tỉnh nên người dân nắm vững được kiến thức, từ đó thực hiện tốt việc thụ phấn chéo giúp cây bưởi Phúc Trạch tăng tỉ lệ đậu quả.

"Công việc thụ phấn nhìn đơn giản nhưng cũng rất vất vả. Để kịp thời vụ, chúng tôi phải tranh thủ làm cả ngày. Trung bình mỗi ngày với 3 người làm, gia đình tôi thụ phấn được khoảng 20 cây. Năm nay hoa bưởi ra muộn hơn so với mọi năm. Các năm trước hoa bưởi nở sớm (trước Tết Nguyên đán) và đều hơn, năm nay gần hết tháng Giêng gia đình tôi mới bắt đầu công việc thụ phấn cho hoa bưởi", bà Lú cho biết thêm.

Phấn hoa từ nhị của cây bưởi chua được quệt vào đầu nhụy của hoa bưởi Phúc Trạch. Hình thức thụ phấn chéo này giúp tăng tỉ lệ đậu quả và cải thiện chất lượng quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Phấn hoa từ nhị của cây bưởi chua được quệt vào đầu nhụy của hoa bưởi Phúc Trạch. Hình thức thụ phấn chéo này giúp tăng tỉ lệ đậu quả và cải thiện chất lượng quả. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Gia đình ông Trần Kim Đồng tại xã Hương Trạch (huyện Hương Khê) có hơn 200 gốc bưởi, thời điểm này gia đình ông cũng đang tất bật thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi nhằm tăng năng suất, chất lượng bưởi. “Việc thụ phấn sẽ quyết định năng suất của cả mùa vụ, trong khi cây bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực, mang hiệu quả kinh tế lớn nhất của nông dân ở đây nên chúng tôi rất chú trọng đầu tư, chăm bón. Tùy theo thời tiết từng năm mà cây bưởi ra hoa sớm hay muộn. Thời điểm này bưởi bắt đầu ra hoa, thời gian ra hoa kéo dài trong khoảng 1 tháng. Vì vậy gia đình tôi tranh thủ thụ phấn thêm cho hoa để đạt tỷ lệ đậu quả cao nhất”, ông Đồng cho biết.

Để thụ phấn bổ sung cho hoa bưởi, người dân lấy phấn của cây bưởi chua (trồng bằng hạt) quét lên nhụy hoa của cây bưởi đường (cây ghép cành hoặc chiết). Công việc này đòi hỏi phải cẩn thận và tỉ mỉ với khối lượng công việc nhiều. Đối với những cây và cành thấp, người dân trực tiếp dùng tay cầm hoa bưởi chua chấm lên đầu nhụy của hoa bưởi đường. Đối với những cây và cành cao, phải dùng cây sào hoặc que nứa găm trực tiếp hoa bưởi chua vào đầu que để thụ phấn hoặc quét phấn hoa vào đầu que có chổi lông rồi bôi lên nhụy hoa cần thụ phấn.

Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung, những năm qua, năng suất và chất lượng bưởi Phúc Trạch đã được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung, những năm qua, năng suất và chất lượng bưởi Phúc Trạch đã được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để phục vụ việc thụ phấn bổ sung cho bưởi, cứ mỗi vườn bưởi đường bà con phải trồng thêm một cây bưởi chua để lấy hoa thụ phấn bổ sung cho cả vườn. Hoa được chọn phải đều, cánh mịn, khi chấm thử vào lòng bàn tay phấn hoa màu vàng sẽ rời ra thì khả năng đậu quả khi cho thụ phấn sẽ cao hơn.

Việc thụ phấn phải làm liên tục giữa lúc hoa nở rộ, có lúc phải làm xuyên trưa để cây kịp đậu quả. Việc thụ phấn sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót, quả đậu nhiều hơn. Dù không quá phức tạp nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì của nông dân khi hoa bưởi rất nhỏ và nhiều.

Ông Phan Anh Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: Hiện toàn xã có 453ha bưởi Phúc Trạch (trong đó diện tích cho quả trên 400ha), sản lượng hơn 5.000 tấn/năm. Bưởi Phúc Trạch là cây ăn quả chủ lực của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế vùng nông thôn. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con thụ phấn cho cây bưởi, đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn bà con trong việc thụ phấn cũng như chăm sóc cây.

Các nhà vườn phải tranh thủ tối đa thời gian ở giai đoạn hoa bưởi nở để thụ phấn bổ sung. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Các nhà vườn phải tranh thủ tối đa thời gian ở giai đoạn hoa bưởi nở để thụ phấn bổ sung. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Nguyễn Xuân Toàn, Trại trưởng Trại Giống cây ăn quả Truông Bát (thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) cho biết, thụ phấn bổ sung là kỹ thuật cơ bản giúp cây bưởi Phúc Trách tăng tỉ lệ đậu quả, tăng năng suất, cải thiện chất lượng quả bưởi. Thời gian thời, dự báo thời tiết có thể diễn biến bất lợi do mưa rét. Vì vậy để việc thụ phấn bổ sung cho cây bưởi Phúc Trạch đạt hiệu quả cao, người dân nên hái hoa bưởi chua sớm và dùng bóng đèn sấy khô để hoa tung phấn, từ đó việc thụ phấn sẽ có hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Toàn, qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, người dân hiện nay đã biết cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây bưởi Phúc Trạch đúng cách, hạn chế được tình trạng bưởi chết do các loại sâu, nấm. Ở giai đoạn ra hoa, trong trường hợp gặp sâu, bệnh, người dân chỉ sử dụng các phương pháp phòng trừ sinh học. Đồng thời, bà con cũng tập trung theo dõi và khắc phục hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sương muối; chuẩn bị phân bón để bón thúc, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây bưởi…

Những năm qua, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai nhiều chương trình tập huấn, nhờ đó bà con trồng bưởi hiện đã rất thuần thục kỹ thuật thụ phấn bổ sung. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Những năm qua, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai nhiều chương trình tập huấn, nhờ đó bà con trồng bưởi hiện đã rất thuần thục kỹ thuật thụ phấn bổ sung. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 2.700ha bưởi Phúc Trạch, trong đó hơn 1.900ha đã cho quả, ước năng suất đạt khoảng 23.000 tấn/năm. Bưởi Phúc Trạch được trồng nhiều tại các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên... (huyện Hương Khê). Bưởi Phúc Trạch dễ trồng, thích hợp với khu vực đồi núi.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm