Những ngày này, nông dân Bình Phước đang vào vụ chính thu hoạch hồ tiêu. Năm nay do thời tiết bất thường khiến nhiều diện tích hồ tiêu giảm năng suất. Trong khi đó, giá hồ tiêu chỉ dao động từ 55.000-60.000 đồng/kg, giảm hơn 20% so với cùng kỳ.
Ghi nhận tại huyện Bù Đốp và Lộc Ninh, được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, theo người dân địa phương, vụ tiêu năm nay rơi vào thời điểm công nhân cao su bước và chu kỳ ngưng cạo, lao động hiện dồi dào nên giá nhân công cũng mềm hơn những năm trước. Tuy nhiên, hầu hết người trồng tiêu kém vui vì năng suất tiêu giảm, giá hồ tiêu ở mức thấp.
Gia đình ông Lý Thanh Tùng ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đang sở hữu 1,5 ha hồ tiêu. Những năm trước, do không tìm được nhân công, ông phải mua lưới về rải khắp vườn để hứng trái hồ tiêu rụng khi không kịp thu hoạch, thì năm nay ngay từ mùng 6 Tết ông đã huy động được hàng chục công nhân thu hoạch, giá nhân công ở mức chấp nhận được, dao động từ 170.000 – 190.000 đồng/7 tiếng/ngày. Tuy nhiên, năm nay thời tiết rất bất thường, những cơn mưa trái mùa thường xuyên xảy ra vào giai đoạn phân hóa mầm hoa khiến tỷ lệ đậu trái thấp ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn cây.
“Năm nay gia đình tôi ước tính chỉ thu được khoảng 2 tấn/ha, giảm nhiều so với năm trước. Mặc dù giá xuống thấp, sản lượng giảm nhưng tôi vẫn cố gắng giữ vườn”, ông Tùng nói.
Không riêng gì thủ phủ tiêu Lộc Ninh gặp khó, các vườn tiêu trên địa bàn huyện Bù Đốp năm nay cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng tiêu, năm nay hiện tượng mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm không khí thấp dẫn đến cây ít trái.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, toàn huyện hiện duy trì khoảng 4.000 ha hồ tiêu, những năm gần đây do dịch bệnh và giá tiêu liên tục xuống thấp, diện tích hồ tiêu tại địa phương hiện đã giảm hơn 50%. Vụ tiêu năm nay, năng suất hầu hết các vườn đều giảm so với năm 2022. Nguyên nhân do vài năm trở lại đây các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến năng suất tiêu không cao. Trước tình hình sản lượng và giá tiêu xuống thấp, ngành nông nghiệp địa phương cũng đưa ra khuyến cáo giúp người trồng tiêu ổn định sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết, cây hồ tiêu không giống như cây trồng khác, để giữ vườn thực sự ổn định, lâu dài đòi hỏi nhà nông phải có kiến thức trồng và yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Từ khi tiêu rớt giá, các hộ không chăm sóc, đầu tư, dẫn đến tăng số lượng cây tiêu bị chết. Cùng với đó, người trồng còn phá bỏ và thay thế bằng loại cây khác như mít, sầu riêng... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt chuyển qua loại cây trồng khác để tránh tình trạng được mùa mất giá, hoặc hết thời hoàng kim lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội”.
“Hồ tiêu là cây trồng rất “khó tính”, việc người dân bỏ qua khuyến cáo của các cơ quan chức năng, phát triển ồ ạt, dẫn đến nhiều hệ lụy. Muốn làm giàu từ cây tiêu thì người trồng phải tính toán thổ nhưỡng phù hợp, gần nguồn nước và giống tốt, kỹ thuật canh tác, đặc biệt phải “chung thủy” với cây tiêu. Bên cạnh đó, để sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững thì cần trợ lực của cơ quan chức năng trong việc tăng cường tập huấn và liên kết với đơn vị thu mua, bảo quản, chế biến, xuất khẩu để giúp người nông dân yên tâm canh tác”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2022, giá hồ tiêu giảm đã tác động tới đời sống người nông dân, nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang. Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc, giá nhân công tăng cao càng làm cho việc sản xuất của nông dân và doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Bước sang năm 2023, dự báo xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát và khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là ở khu vực châu Mỹ và châu Âu, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa tạm lắng. Tuy nhiên, việc thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn đã bước đầu mở cửa trở lại, sức tiêu dùng thị trường lớn với quy mô dân số toàn cầu đã đạt 8 tỷ, hàng tồn lưu kho tích luỹ tại các nước nhập khẩu từ những năm trước đã không còn nhiều giúp củng cố yếu tố hỗ trợ phục hồi thị trường trong năm 2023.
“Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 55% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới. Với năng lực chế biến đạt 140.000 tấn/năm như hiện nay, Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng cao hơn tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến (hiện tỷ lệ hàng chế biến chỉ đạt 30%). Việc gia tăng chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hoá sản phẩm, tăng chất lượng và giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị là một trong những giải pháp để vực dậy ngành hồ tiêu…”, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên chia sẻ.