Tàu vỏ thép của gia đình ông Dương Văn Tập, khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên được hạ thủy |
Huyện đảo Cô Tô có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thủy sản, nhất là khai thác xa bờ. Cô Tô cách vùng khai thác cá chung chỉ khoảng 20km, gần hơn từ 5-7 lần so với các địa phương khác trong tỉnh, càng gần hơn so với các tỉnh khác. Do đó, các tàu khai thác của Cô Tô có thể đến ngư trường sớm hơn để đón được các đàn cá lớn và cũng trở về sớm hơn để bảo quản sản phẩm tươi ngon, bán được giá.
Tuy nhiên, trước đây hoạt động khai thác thủy sản Cô Tô chưa được phát huy đúng mức. Trước thời điểm có tàu đóng theo Nghị định số 67, huyện có khoảng 120 tàu khai thác thủy sản; trong đó có trên 100 tàu công suất dưới 60CV chỉ có thể khai thác gần bờ, 14 tàu công suất trên 90CV có khả năng khai thác ở ngư trường xa, song đều không tham gia khai thác thủy sản, mà chỉ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá.
Bởi vậy, mặc dù phát triển kinh tế thủy sản, trọng tâm là khai thác thủy sản xa bờ, là một trong những định hướng phát triển kinh tế của Cô Tô, song một thời gian dài huyện đều không đạt mục tiêu về sản lượng, giá trị thủy sản.
Nghị định 67 chính là đòn bẩy giúp ngành thủy sản của Cô Tô phát triển mạnh. Năm 2015, 2 tàu lớn của huyện là tàu vỏ gỗ 600CV, giá trị đầu tư 11 tỷ đồng của ông Phạm Văn Lai và tàu vỏ thép 822CV, giá trị đầu tư 18 tỷ đồng của ông Nguyễn Xuân Chiến (đều trú tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) được đóng mới, hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Đến thời điểm này, 2 con tàu trên không chỉ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho chủ tàu, việc làm cho một số lao động địa phương, mà còn thúc đẩy ngành khai thác thủy sản xa bờ của huyện, ngư dân yên tâm bám biển.
Theo phản ánh của 2 chủ tàu trên, tàu vận hành trên biển rất chắc chắn, mức tiêu hao nhiên liệu (xăng, dầu, điện, nước) thấp, công suất khai thác đạt cao. Ngay trong những tháng đầu năm 2017, mỗi tàu ra khơi 6-8 chuyến, tổng sản lượng khai thác trên 15 tấn cá, tổng doanh thu trên 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi tàu lãi gần 900 triệu đồng.
“Gắn bó với nghề khai thác thủy sản nhiều năm nay, tôi thấy rằng phương tiện được hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67 thực sự rất có hiệu quả; còn giúp chúng tôi chuyển biến nhận thức từ làm ăn nhỏ lẻ, ven bờ, quyết tâm vươn ra làm chủ biển khơi...”, ông Phạm Văn Lai cho hay.
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị định 67 đã và đang khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo nên phong trào khai thác thủy sản xa bờ trên địa bàn huyện Cô Tô. Ngư dân Cô Tô được đánh giá rất có kinh nghiệm đi biển, đánh bắt thủy hải sản; có tiềm lực về kinh tế, hoàn toàn có khả năng đối ứng các dự án đóng mới các phương tiện khai thác vỏ gỗ, vỏ sắt có giá trị đầu tư lớn từ 10-20 tỷ đồng. Phát huy thế mạnh này, Cô Tô đang tiếp tục đồng hành hỗ trợ ngư dân xây dựng và triển khai thêm 3 phương án xin đóng mới tàu khai thác thủy sản theo Nghị định số 67/2017/NĐ-CP.
Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương được đánh giá là triển khai tích cực Nghị định 67 theo đúng các quy định và hướng dẫn của tỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy trình. Đợt 1 (năm 2015), trên địa bàn huyện có 7 tàu đóng mới và 10 tàu nâng cấp, cải hoán được UBND tỉnh phê duyệt. Đợt II (năm 2016), có 8 trường hợp đóng mới và 3 trường hợp cải hoán.
Sau khi có quyết định phê duyệt, các chủ đầu tư đã chủ động thuê đơn vị thiết kế và phê duyệt theo quy định; khảo sát, lựa chọn đơn vị đóng tàu phù hợp để thoả thuận ký kết hợp đồng, hoàn thiện hồ sơ thiết kế mẫu tàu, nộp hồ sơ về ngân hàng để hoàn tất các thủ tục vay vốn.
Tích cực triển khai Nghị định 67, UBND TX Quảng Yên cũng đã tổ chức thành công 5 hội nghị tuyên truyền, với sự tham gia của các đoàn thể, phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã, nghiệp đoàn nghề cá, cơ sở đóng tàu, ngân hàng... Tính đến thời điểm này, thị xã đã có 2 chủ tàu được ngân hàng chấp thuận dự án ký hợp đồng tín dụng đóng 2 tàu cá vỏ thép công suất trên 800CV, với số vốn cam kết là 16,5 tỷ đồng/tàu. Hiện cả 2 tàu đã thực hiện những chuyến vươn khơi đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 góp phần quan trọng hỗ trợ ngư dân có được nguồn vốn đóng mới cũng như nâng cấp tàu cá để có phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ tốt hơn, góp phần giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.