| Hotline: 0983.970.780

Tây Hòa, điển hình về GTNT

Thứ Tư 04/06/2014 , 09:44 (GMT+7)

Làng xóm trù phú, đồng ruộng phì nhiêu, đường bê tông đan dày như “lưới cá”, là toàn cảnh bức tranh nông thôn mới sống động ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên).

Tỉnh hỗ trợ 100% xi măng

Về xã Hòa Đồng trong những ngày này, nơi đâu cũng bắt gặp những công trường rộn rã tiếng máy trộn bê tông hòa trong tiếng người cười, nói rôm rả thi đua làm đường giao thông  liên thôn, xã.

Toàn cảnh nông thôn xã Hòa Đồng hôm nay như được khoác lên mình tấm áo mới khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến kỳ diệu nơi vùng đất kiên trung, hào hùng, từng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ trong kháng chiến.

Xã Hòa Đồng có 4.200 hộ dân, gần 16.000 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo còn 5,76%. Mặc dù thu nhập còn thấp so với người dân thành phố (17 triệu đồng/người/năm), song nhờ tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM trên cơ sở được tỉnh hỗ trợ 100% xi măng làm đường bê tông, năm 2013, người dân trong xã đóng góp trên 5 tỉ đồng xây dựng được hơn 22,5 km đường bê tông thuộc 130 tuyến đường liên thôn.

Năm 2014, xã tiếp tục đăng ký bê tông hóa 63 tuyến đường với chiều dài 10,4 km, hiện đã hoàn thành 6 km thuộc 61 tuyến với kinh phí đóng góp từ sức dân gần 1,2 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm này, xã Hòa Đồng đã hoàn thành bê tông hóa hơn 75% tuyến đường liên thôn, xóm, trở thành một trong những địa phương có phong trào, tiến độ bê tông hóa GTNT đứng hàng đầu của tỉnh Phú Yên.

Người bán vé số góp 13 triệu đồng

Khi được hỏi vì sao phong trào làm đường bê tông tại đây lại trở thành “làn sóng”, ông Đinh Ngọc Sum, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, phấn khởi cho biết, cái chính là nhờ thành công trong việc tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng NTM”, mà cốt lõi là làm cho họ thấy được lợi ích của phong trào, từ đó phấn khởi tham gia.

Trong đó, yếu tố cơ bản nhất là người dân được quyền chọn và quyết định những con đường cần sớm để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu đi lại, SX của mình và làm đẹp thôn, xóm. “Những hộ có nhà ở thấp hơn mặt đường bê tông đều được lắp đặt cống thoát nước để tránh tình trạng ứ đọng khi có mưa, ảnh hưởng đến cuộc sống hộ gia đình và khu dân cư”, ông Sum cho biết.

Làm tốt phong trào bê tông hóa đường giao thông ở xã Hòa Đồng phải nói đến thôn Phú Mỹ. Do đặc thù dân cư thưa thớt, người dân sống theo cụm nên mỗi nhân khẩu ở địa bàn này phải đóng góp từ 2,5 đến hơn 2,6 triệu đồng, nhiều hộ còn tự nguyện phá tường rào, hiến đất để làm đường.

Điển hình như chị Võ Thị Trúc (trú ở xóm Trên, thôn Phú Mỹ) chuyên bán vé số kiến thiết đóng góp hơn 13 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với người dân vùng quê còn lắm khó khăn này.

“Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng vì sạch, đẹp đường làng, ngõ xóm, con cháu đi học thuận lợi, vận chuyển nông sản dễ dàng nên tôi rất vui vẻ tham gia đóng góp. Có đường đi qua, gia đình mới có thêm động lực, mạnh dạn bỏ tiền tu sửa lại ngôi nhà đàng hoàng hơn”, chị Trúc chia sẻ. 

Không chỉ hướng đến mục tiêu bê tông hóa 100% tuyến đường liên thôn, xóm vào năm 2015, đạt tiêu chí số 2 trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, xã Hòa Đồng còn đang lên phương án bê tông hóa gần 2 km đường liên xã nối với xã Hòa Phong có chiều rộng mặt đường 4 m, dày 22 cm.

Để làm được con đường này, ngoài xi măng của tỉnh cung cấp và kinh phí do huyện, xã hỗ trợ, dự kiến Hòa Đồng sẽ vận động nhân dân đóng góp hơn 500 triệu đồng.

DÂN TỰ BÀN BẠC, QUYẾT ĐỊNH

Ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: Bài học lớn nhất rút ra từ việc làm đường bê tông nông thôn chính là phải xây dựng và củng cố được sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng khu dân cư.
Điều cốt lõi nhất là để cho người dân tự bàn bạc quyết định mức đóng góp của mình, đưa ra biện pháp thi công, giám sát trên cơ sở quản lý, hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời chính quyền các cấp, hội, đoàn thể phải nhiệt tâm, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, đặc biệt là những vùng khó khăn.

Ngoài việc thực hiện tốt bê tông hóa GTNT, đến nay xã Hòa Đồng còn cứng hóa giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương được hơn 10 km. Đồng thời mở nhiều mô hình phát triển SX như mô hình tập thể hợp tác xã SX lúa giống và mô hình hộ gia đình nuôi bò, gà thương phẩm, gà chọi, chim bồ câu, cá và luân canh cây trồng… phục vụ tốt nhu cầu SX, phát triển kinh tế của nhân dân; chủ động tranh thủ các nguồn vốn, kêu gọi đóng góp đầu tư nâng cấp trường học, trạm y tế, các công trình công cộng, dân sinh…

Nhờ vậy mà hiện nay, xã Hòa Đồng đã hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng NTM, gồm quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức SX, giáo dục, y tế, môi trường và an ninh trật tự xã hội.

Lan tỏa

Xuất phát từ quan điểm GTNT là huyết mạch, nhu cầu hết sức cần thiết để thúc đẩy địa phương phát triển; động lực hàng đầu để xây dựng làng xóm khang trang, sạch, đẹp, tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân.

 Vì vậy, từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Tây Hòa xem việc nhận thức về trách nhiệm, tự nguyện đóng góp công sức của người dân trên tinh thần dân chủ bàn bạc, công khai minh bạch, không ỷ lại vào Nhà nước là yếu tố quyết định cho sự thành công.

Cụ thể hóa chủ trương này, Tây Hòa đã chọn mỗi xã xây dựng từ một đến hai tuyến đường để làm điểm, tạo “làn sóng”, sức lan tỏa ra khắp các địa bàn trong huyện.

Ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết, qua huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là trong dân nên đến nay huyện đã xây dựng, hoàn thành gần 168 km đường bê tông nông thôn, kinh phí trên 33 tỉ đồng, nhân dân phấn khởi, tự nguyện hiến hơn 14.426 m2 đất. Riêng năm 2013, xây dựng được hơn 116 km, vượt 45,25% kế hoạch.

Các địa phương huy động sức dân tham gia đóng góp công, tiền của lớn, tiến độ làm đường nhanh là các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây và thị trấn Phú Thứ, với tổng giá trị đóng góp của dân lên đến hơn 14,7 tỉ đồng. Trong đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân đóng góp từ 18 - 50 triệu đồng. 

Năm 2014, Tây Hòa đã đăng ký bê tông hóa hơn 145 km đường bê tông nông thôn, hiện đã thực hiện được hơn 50 km. Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân huyện Tây Hòa không giấu nổi niềm vui cho biết, các nhà báo về các vùng nông thôn của huyện hôm nay mới thấy hết được sự đổi thay toàn diện của người dân, đặc biệt là trong đời sống kinh tế.

Rõ nét nhất là nhiều ngôi nhà mới đã và đang ngày càng mọc lên san sát bên những con đường bê tông sạch, đẹp, rộng từ 2,5 m trở trên, kết nối thông thoáng giữa các thôn. Trong từng cụm dân cư, đường bê tông nội vùng rộng trên dưới 2 m cũng được đan dày như bàn cờ, chấm dứt tình trạng nắng bụi, mưa sình như trước đây.

Với thành tích đạt được, năm 2013, xã Hòa Đồng được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen vì đã làm tốt công tác bê tông hóa đường GTNT; huyện Tây Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ dẫn đầu toàn tỉnh trong phong trào thi đua công tác này.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm