| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên có lợi thế phát triển kinh tế rừng nhưng còn nhiều vướng mắc

Thứ Ba 04/04/2023 , 18:39 (GMT+7)

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên lớn, đất đai màu mỡ phù hợp với phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững gắn với quản lý bảo vệ rừng.

Nhận diện khó khăn, vướng mắc

Ngày 4/4, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tại hội thảo, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn còn nhiều tồn tại, khó khăn.

Cụ thể là việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, tổ chức quản lý rừng chưa bền vững và các hoạt động kinh tế rừng mới ở giai đoạn sơ khai, kết quả đạt được chưa rõ nét.

Theo ông Mười, nguyên nhân là do một số cơ sở pháp lý còn bị chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh còn nhiều hạn chế nên chưa đủ sức hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Quy hoạch đất đai, lâm nghiệp và các ngành, lĩnh vực chưa tốt, đặc biệt đối với quy hoạch lâm nghiệp thường xuyên bị thay đổi.

Diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cơ bản bị người dân lấn chiếm để sản xuất, trồng các loại cây; việc cưỡng chế, giải tỏa gặp nhiều khó khăn… Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng thấp; đặc biệt đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

z4237426256075_69d9ce30dc2e13db022bd9d6ffb11757

Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững gắn với quản lý bảo vệ rừng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Quang Yên.

“Nhằm phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, tăng nguồn thu cho các chủ rừng, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị tiếp tục duy trình chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát huy thế mạnh của rừng thông qua hoạt động cho thuê môi trường rừng. Các cấp cần từng bước tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hành lang phát lý để tiếp cận và tham gia thị trường carbon”, ông Mười chia sẻ.

Tương tự, ông Y Biêr Niê, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, toàn diện dựa trên 4 trụ cột tăng trưởng chính.

Trong đó, Đắk Lắk phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và năng xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; Dịch vụ logistic - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và lợi thế thì tỉnh Đắk Lắk cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế nông lâm nghiệp xanh, bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng.

Cụ thể, biến đổi khí hậu gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sản xuất nông, lâm nghiệp; Việc bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; Tình trạng xâm hại rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho tài nguyên rừng và môi trường; Sự suy thoái và mất cân bằng sinh thái làm giảm năng suất và chất lượng của các sản phẩm nông, lâm nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của người dân; Sự cạnh tranh gây gắt trong thị trường nông sản, sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý và nghiên cứu khoa học của địa phương phần nào còn hạn chế, khó khăn trong quản lý đất nông, lâm trường.

IMG_0933

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Do đó, Đắk Lắk mong muốn cơ quan Trung ương, chuyên gia, tổ chức cá nhân đánh giá đúng về thực trạng, nhận định rõ các khó khăn, vướng mắc của tỉnh nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Từ đó đưa ra định hướng, chính sách để giải quyết những vấn đề còn tồn tại lâu nay của cả khu vực liên quan đến công tác phát triển kinh tế liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều tiềm năng chờ khai thác

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, khu vực Tây Nguyên có hơn 2,5 triệu ha rừng (chiếm 17,45% diện tích rừng cả nước). Đây là khu vực có diện tích rừng đầu nguồn đứng thứ 2 cả nước với nguồn thu bình quân từ Dịch vụ môi trường rừng hàng năm đạt 912 tỷ/năm.

Theo ông Bảo, tiềm năng đối với Dịch vụ môi trường rừng tại khu vực Tây Nguyên là rất lớn. Nhiều tiềm năng dịch vụ của rừng nhưng chưa được khai thác, như dịch vụ phòng chống thiên tai, chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng; giảm lũ ống, lũ quét bảo vệ công trình thủy lợi vùng đầu nguồn. Những chức năng này của rừng cần được nghiên cứu lượng hóa thành tiền làm cơ sở xây dựng chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng.

z4237281594102_9f92fe7c583ec77bdf2a3787ca65ee39

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng Tây Nguyên có nhiều lợi thế tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon. Ảnh: Quang Yên.

“Khu vực Tây Nguyên như một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng là nơi sinh sống, phát triển của nhiều loài động, thực vật hoang dã đặc hữu. Tây Nguyên được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp có tiềm năng mở rộng các loại hình du lịch sinh thái ngoài phạm vi khu rừng nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra”, ông Bảo thông tin.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam đã ký Thỏa thuận các hiệp ước về Biến đổi khí hậu. Do đó, để giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết trên có nhiều biện pháp khác nhau, trong đó tăng cường khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng thông qua bảo vệ rừng, phục hồi rừng, trồng rừng và quản lý rừng bền vững là giải pháp quan trọng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây cũng là tiềm năng trong việc thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.

Cùng với đó, ngành Lâm nghiệp đang tích cực huy động, hưởng ứng các sáng kiến quốc tế, kết nối, gia nhập thị trường mua bán tín chỉ carbon quốc tế thông qua các chương trình, dự án “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng”.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu các địa phương, các ngành thực hiện 4 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, các ngành, địa phương rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai. Việc này nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, khắc phục những mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017.

Thứ 2, cần nâng cao hiệu quả chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững Dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam. Quy định, hướng dẫn chi tiết để mở rộng các nguồn thu các dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi và các cơ chế, chính sách để thực thi các thoả thuận về trao đổi kết quả giảm phát thải giữa các đối tác với địa phương.

IMG_0905

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Thứ ba, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng. Nâng cao vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phát triển lâm nghiệp, nhất là hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đảm bảo an sinh xã hội gắn với công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần quan tâm nghiên cứu đến trình độ phát triển của từng khu vực, có sự tham gia và hưởng lợi đối với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, khai thác tiềm năng Tây nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh nghiệm chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; Phát triển Dịch vụ - logistic - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, tình trạng suy giảm diện tích rừng tại Tây Nguyên đang diễn ra ở mức độ cao, việc khai thác, chặt phá diễn ra thường xuyên, gây hậu quả nghiêm trọng; việc phá rừng để lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; công tác quản lý, lập hồ sơ theo dõi diễn biến rừng chưa được thực hiện nghiêm.

Song song với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy giảm chất lượng, nhất là rừng tự nhiên. Tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên có trữ lượng trung bình, rừng giàu còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,40% tương ứng với diện tích 0,403 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến 81,60% tương ứng với diện tích 1,788 triệu ha. Những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng.

Xem thêm
Chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ khi triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.