| Hotline: 0983.970.780

Lực lượng nòng cốt giữ vành đai rừng phòng hộ ven biển Vĩnh Châu

Thứ Hai 03/04/2023 , 08:54 (GMT+7)

Tổ bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt của Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, có vai trò tuần tra, bảo vệ, phát triển rừng non mới trồng, giữ vững đai rừng phòng hộ.

Ảnh 1

Rừng phòng hộ ven biển bảo vệ tuyến đê biển TX Vĩnh Châu khỏi nguy cơ sạt lở. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đê biển TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là một trong những khu vực trọng yếu, đảm bảo che chắn cho người dân trong vùng. Theo người dân sinh sống lâu năm nơi đây, nếu không có hệ thống rừng phòng hộ ven biển bao bọc tuyến đê, nguy cơ sóng đánh vỡ đê luôn hiện hữu.

Từ khi tỉnh Sóc Trăng có chủ trương giao rừng cho các tổ cộng đồng bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, người dân trên địa bàn Vĩnh Châu đã thấy được lợi ích, quyền lợi, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Lâm Đa Rít, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, Vĩnh Châu đã hơn 20 năm tham gia vào tổ bảo vệ rừng. Ông Rít nhớ lại, giai đoạn trước khu vực đê biển Vĩnh Châu thường xuyên hứng chịu những con sóng biển đánh gây nên sạt lở, tràn đê. Với những gia đình sống gần khu vực đê, sóng biển đánh làm rung đất. Nếu không có rừng phòng hộ, đê biển Vĩnh Châu không đủ sức để chống chịu.

Ảnh 2

Một trong những nhiệm vụ của tổ bảo vệ rừng là kiểm tra cây rừng, trồng lại những cây bị chết, chỉnh sửa lại những cây rừng bị yếu. Ảnh: Văn Vũ.

Mỗi tổ bảo vệ rừng gồm 5 - 6 thành viên, đảm nhận công việc hàng ngày là tuần tra dọc đê biển, kiểm tra cây rừng, trồng lại những cây bị chết, cây yếu chỉnh sửa lại. Công việc này được thực hiện đều đặn 2-3 lần/tuần. Rừng được trồng tới đâu, tổ sẽ thực hiện quản lý, chăm sóc và bảo vệ tới đó.

“Có rừng mới bảo vệ được đê biển, che chở được phần nào cuộc sống của người dân trong đê. Không có rừng, đê biển ở đây chịu không nổi, một năm tính ra sạt lở khoảng hơn nửa công đất”, ông Rít bộc bạch.

Từ khi tham gia vào tổ bảo vệ rừng, ông Rít cũng như nhiều bà con nông dân trong vùng ý thức rất nhiều về vai trò cây rừng mang đến, vừa phòng chống sạt lở, vừa tạo điều kiện cho người dân phát triển sinh kế nuôi trồng, khai thác thủy sản dưới tán rừng.

Ảnh 3

Các tổ bảo vệ rừng đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp lực lượng kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền các chính sách pháp luật về lâm nghiệp đến toàn thể người dân. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian qua, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 19 tổ bảo vệ rừng trên 11, xã, phường, thị trấn với tổng số 209 thành viên. Các tổ này đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp lực lượng kiểm lâm tỉnh tuyên truyền các chính sách pháp luật về lâm nghiệp đến toàn thể người dân.

Đồng thời là tai, mắt của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương trong việc phát hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến rừng. Từ đó, diện tích rừng phòng hộ ven biển được quản lý bảo vệ tốt hơn, các hành vi gây hại đến rừng được phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo bà Phan Thị Trúc Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có trên 10.200ha rừng, trong đó rừng phòng hộ ven biển chiếm 6.814 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Cù lao Dung, Trần Đề và TX Vĩnh Châu. Hàng năm, trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh có nguồn kinh phí về khoán bảo vệ rừng, để hỗ trợ cho các tổ bảo vệ rừng tham gia tích cực trong công tác bảo vệ rừng hàng năm.

Các tổ bảo vệ rừng chủ yếu là người dân địa phương sống dưới tán rừng, trực tiếp bảo vệ cùng phát triển vì sự phát triển bền vững của cây rừng. Theo bà Giang, ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng, phát triển rừng non mới trồng, các thành viên trong tổ bảo vệ rừng cũng tích cực trong công tác trồng rừng tại địa phương, đảm bảo đai rừng phòng hộ phát triển một cách vững chắc.

Ảnh 4

Các tổ bảo vệ rừng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tuần tra dọc đê biển. Ảnh: Văn Vũ.

Đặc biệt, thông qua các chương trình dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng phối hợp với một số đơn vị liên quan triển khai các mô hình sinh kế dưới tán rừng để bà con sống trực tiếp dưới tán rừng vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia vào các tổ bảo vệ rừng.

Hiện, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đang triển khai thí điểm 5 mô hình ở huyện Cù Lao Dung do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổ chức Bánh mì thế giới hỗ trợ cho người dân bằng hình thức bao lưới, thả con giống thủy sản cho sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Điểm nhấn của mô hình là tạo sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng nhưng không làm suy giảm diện tích rừng, khai thác một phần giá trị từ rừng.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 6] Lối đi nào cho chăn nuôi nông hộ?

Lựa chọn khôn ngoan của các nông hộ nhỏ là xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, gắn với các giống bản địa, đặc sản để khai thác thị trường ngách.

Bệnh dại bùng phát trái mùa, đã có người ở Lào Cai tử vong

Khác với chu kỳ nhiều năm, thời điểm này bệnh dại đã xảy ra ở một số địa phương tại Lào Cai. Có trường hợp không phát hiện kịp thời đã dẫn tới tử vong.

Dự báo độ mặn trên các sông khu vực Nam Trung bộ

Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên tính toán, trong tuần tới từ ngày 28/3 –3/4, các chỉ tiêu tại 6 vị trí quan trắc đều đảm bảo yêu cầu chất lượng nước tưới cho nông nghiệp, độ mặn tại các vị trí có xu hướng giảm nhẹ.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Cơ hội từ Nghị quyết 57: Phải giữ được người tài

Với Nghị quyết 57, cơ hội phát triển đang rộng mở với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học. Nhưng trước hết, các viện, trường phải giữ chân được người tài.

Hơn 185 chuyên gia, nhà nghiên cứu dự hội thảo quốc tế về công nghệ biển

KHÁNH HÒA Hội thảo quốc tế về khoa học, công nghệ biển và thủy sản lần thứ 5 thu hút hơn 185 đại biểu tham gia, trong đó có hơn 35 đại biểu quốc tế.