Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương” được Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (trung tâm SRD) thực hiện trên địa bàn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Ban Quản lý phòng hộ Tam Giang của tỉnh Cà Mau.
Dự án có mục tiêu tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển rừng ngập mặn góp phần thúc đẩy quá trình hấp thụ Carbon, tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu, đảm bảo sinh kế bền vững và hoà nhập xã hội cho các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương ở ĐBSCL từ năm 2021 đến nay.
Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đánh giá cao và chúc mừng thành công của dự án, với các kết quả đã đạt được trong năm 2 của dự án. Sự ủng hộ và phối hợp tốt của Sở NN-PTNT cùng các đối tác địa phương và người dân địa phương trong suốt thời gian vừa qua, dự án đã mang lại nhiều tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển sinh kế người dân tại vưởn quốc gia, ban quản lý rừng phòng hộ.
Ông Lý Minh Kha, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẻ: “Tôi đánh giá hiệu quả các hoạt động của dự án trong năm thứ 2 đã tốt hơn rất nhiều, hỗ trợ Vườn quốc gia U Minh Hạ trong công tác tuyên truyền, phối hợp quản lý bảo vệ rừng, sinh kế của người dân được cải thiện. Đặc biệt như mô hình tôm 2 giai đoạn được đông đảo người dân hưởng ứng, nhân rộng bước đầu cho các kết quả tích cực."
Để đạt được các kết quả trên, ông Kha đánh giá rất cao các nỗ lực của cán bộ dựa án trung tâm SRD, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau trong quá trình triển khai tại địa phương. Trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ tiếp tục cùng với các đơn vị để có các đánh giá, điều chỉnh các hạn chế, sẵn sàng phối hợp triển khai các hoạt động có ý nghĩa, đáp ứng được tiến độ dự án, cũng như trách nhiệm với người dân.
Ông Nguyễn Quang Khải, Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Tam Giang, cho rằng: Các hoạt động của dự án đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của thành viên 7 tổ lâm nghiệp, người dân địa phương trong lâm trường. Trong năm 2022, dự án đã hỗ trợ ban quản lý trồng mới 5ha và trồng bổ sung hơn 27ha rừng ngập mặn. Các diện tích này sẽ đóng góp và có ý nghĩa rất lớn với công tác phục hồi, phát triển rừng.
Sau 2 năm thực hiện dự án, trách nhiệm của người dân trong phối hợp, quản lý bảo vệ rừng ngập mặn được nâng cao rõ rệt, các mô hình sinh kế dưới tán rừng mở ra một số định hướng mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tuy còn một số mô hình sinh kế vẫn chưa mang lại hiệu quả cao do tình hình thời tiết ngày càng thất thường, dẫn đến rủi ro trong quá trình thí điểm các mô hình sinh kế. Nhưng dự án hỗ trợ và góp phần nâng cao nhận thức và tìm giải phát sinh kế bền vững để hỗ trợ người dân có điều kiện phát triển kinh tế dưới tán rừng ngập mặn.
Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc trung tâm SRD nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì và phát triển các kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến bảo vệ phát triển rừng, tăng cường trữ lượng carbon rừng ngập mặn, vận động chính sách bên cạnh các mục tiêu về sinh kế.
Các kết quả đã đạt được là điều kiện rất lớn để dự án có thể tiếp tục đề xuất nhà tài trợ hỗ trợ để triển khai các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo của dự án.