| Hotline: 0983.970.780

Dịch vụ môi trường rừng giúp cải thiện sinh kế cho người giữ rừng

Thứ Ba 04/04/2023 , 15:02 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Bình Thuận đã góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng.

25 đơn vị và 2.000 hộ hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước nhằm huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng đối với những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng.

Tỉnh Bình Thuận có 25 đơn vị và 2.000 hộ hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Tỉnh Bình Thuận có 25 đơn vị và 2.000 hộ hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Chính sách này còn góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, cũng như nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng.

Các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ cho chủ rừng có các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng, thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong đó, chi trả trực tiếp là bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Còn chi trả gián tiếp là bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Theo ông Hồ Thiện Đang, tại tỉnh Bình Thuận hiện tổng diện tích rừng đưa vào thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 164.771 ha/336.357 ha theo quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, tỉ lệ là 49%.

nhờ dịch vụ môi trường rừng mà giúp nhiều hộ gia đình cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Kim Sơ.

nhờ dịch vụ môi trường rừng mà giúp nhiều hộ gia đình cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Ảnh: Kim Sơ.

Đến nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả cho 25 đơn vị chủ rừng gồm: 14 đơn vị là Ban quản lý rừng phòng hộ; 2 đơn vị là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên; 2 Công ty Lâm nghiệp; 2 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, 1 UBND xã và 4 đơn vị chủ rừng là tổ chức không thuộc nhà nước.

Ngoài ra, quỹ còn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho hơn 2.000 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, trong đó khoảng 90% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi. Mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ 30-70 ha, với mức chi trả dao động từ 300 - 600 ngàn đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 24 triệu đồng/năm.

“Sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước đi vào cuộc sống, tạo lập nên một nguồn tài chính mới, ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Đang khẳng định.

Giảm 60-70% số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp

Ghi nhận chúng tôi tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông hiện quản lý với diện tích khoảng 24.300 ha trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Trong đó, 8.000 ha rừng của đơn vị này được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, cho biết, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đơn vị giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, cho biết, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đơn vị giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, cho biết, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, đơn vị thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 157 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo…ở các địa phương sống ven, gần rừng của Khu bảo tồn. Hiện trung bình mỗi hộ được đơn vị giao khoán quản lý rừng với diện tích từ 40-60 ha, với số tiền chi trả 300 ngàn/ha/năm và cứ hàng quý được chi trả một lần.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp đơn vị giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm rừng.

“Trước đây những hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của đơn vị rất khó khăn, thậm chí có hộ từng phá rừng. Tuy nhiên từ năm 2015, đơn vị đưa những hộ này vào thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng đã giúp bà con giải quyết khó khăn hàng ngày, cũng như nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, diện tích rừng của đơn vị quản lý đã giảm 60-70% số vụ việc vi phạm Luật lâm nghiệp so với trước đây”, ông Dũng bày tỏ.

Việc giao khoán rừng cho các hộ gia đình được bảo vệ tốt, ít xảy ra phá rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Việc giao khoán rừng cho các hộ gia đình được bảo vệ tốt, ít xảy ra phá rừng. Ảnh: Kim Sơ.

Tương tự, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), hiện có hơn 18.719 ha/19.665 ha rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ có nguồn tiền này đơn vị đã thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống ven rừng tại 3 xã Đa Mi, Đông Tiến và La Dạ. Từ đó nhiều năm qua đơn vị cũng đã giảm được áp lực trong việc quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng đã giao khoán.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm thuận – Đa Mi, cho biết, hiện đơn vị giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 450 hộ, với tổng diện tích hơn 15.637 ha. Đối với diện tích rừng đơn vị giao khoán đã góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nhận khoán. Đặc biệt, thời gian qua diện tích rừng đã nhận khoán được người dân quản lý, bảo vệ rừng tốt, ít xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận: "Để chính sách dịch vụ môi trường rừng ngày càng hiệu quả, các chủ rừng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay trong việc quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng. Đối với ngành lâm nghiệp tỉnh sẽ tăng cường biện pháp yêu cầu thu đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp phí đúng hạn và nộp đủ theo quy định cũng như khuyến khích các chủ rừng thực hiện quản lý bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư. Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các đối tượng đúng quy định".

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.