| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh bùng phát bệnh khảm lá trên khoai mì với tốc độ chóng mặt

Thứ Hai 14/08/2017 , 09:09 (GMT+7)

Người trồng khoai mì (sắn) ở Tây Ninh đang mất ăn mất ngủ vì bùng phát dịch khảm lá với tốc độ lây lan chóng mặt. Việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn…

15-09-07_1
Triệu chứng của bệnh khảm lá trên cây khoai mì

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tính đến ngày 30/7 toàn tỉnh đã trồng được 35.680,3ha khoai mì, trong đó đã thu hoạch 6.544,4ha, còn lại diện tích chưa thu hoạch là 29.135ha. Các giống được trồng chủ yếu là KM 419, KM 140, HLS 11. Dịch bệnh khảm lá bắt đầu từ đầu tháng 7/2017 với diện tích từ vài ha từ huyện Tân Châu cho đến ngày công bố dịch là ngày 20/7 đã lên đến 1.581,3ha, đến ngày 30/7 diện tích bị bệnh đã tăng nhanh trên diện rộng với 3.867,95ha, chủ yếu trên hai loại giống KM 419 và HLS 11.

Trong đó, khoai mì với độ nhiễm dưới 30% là 2.624,84ha, nhiễm từ 30 - 70% là 1.061,22ha, nhiễm nặng trên 70% là 181,89ha. Các huyện bị nặng nhất là Tân Châu 3.143,48ha, Tân Biên 501,05ha, Châu Thành 221,22ha… Có 4 địa phương đã công bố dịch là Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, TP Tây Ninh. Dịch đang có dấu hiệu bị lây lan qua các huyện Hòa Thành và Gò Dầu.

15-09-07_2
Người dân tiêu hủy khoai mì nhiễm bệnh

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Tây Ninh đã khẩn trương chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng chống dịch hại khẩn cấp, xem xét đưa các huyện có dấu hiệu bị lây nhiễm vào danh sách có dịch. Tổ chức phun thuốc ngay trên địa bàn nhiễm bệnh để tránh lây lan. Tổ chức các lớp tập huấn cho người dân tại các xã, huyện có dịch về dấu hiệu, cách phòng tránh và trừ bệnh cho cây khoai mì đúng liều lượng, đúng kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh cho biết, tính đến ngày 30/7 đã tổ chức phun thuốc toàn diện ở các huyện có công bố dịch. Tuy nhiên tiến độ phun thuốc còn chậm, cụ thể huyện Tân Châu và huyện Tân Biên mới phun được 40% diện tích bị nhiễm, huyện Châu Thành là 24%...

15-09-07_3
Nhiều diện tích bị nhiễm nặng được dùng máy cày xới, ủi đồng loạt

Theo ông Hồng, dịch này đã có ở Campuchia và chưa có thuốc đặc trị, nguyên nhân dịch bùng phát do vi rút khảm lá bám vào con bọ phấn trắng khi đậu vào cây mì khác cùng các tác nhân phù hợp nên chúng dễ thích nghi và lây lan nhanh. Để phòng trừ loại sâu này phải sử dụng thuốc phun, gồm 2 loại: Ikuzu 20WP với liều lượng 320g/ha và Longanchess 750WP liều lượng 300g/ha phun 400 lít/ha, phun ướt đều toàn bộ tán khoai mì. Ngoài phun thuốc thì công tác tiêu hủy cây khoai mì nhiễm bệnh cũng được áp dụng. Song việc tiêu hủy khá chậm không mang lại hiệu quả cao.

Diện tích bị nhiễm bệnh dịch được nhà nước hỗ trợ với nhiều mức khác nhau. Phun thuốc diệt bọ phấn – môi giới truyền bệnh khảm lá được hỗ trợ thuốc trị bệnh phòng trừ và công phun thuốc 500.000 đồng. Chi phí tiêu hủy cây mì nhiễm bệnh khảm lá được hỗ trợ tùy vào mức độ nhiễm.

Cụ thể, diện tích khoai mì có tỷ lệ nhiễm dưới 30% nông dân tự bỏ chi phí nhổ, đốt cây nhiễm bệnh. Diện tích có tỷ lệ nhiễm từ 30 - 70%, Nhà nước hỗ trợ 5.220.000 đồng/ha. Diện tích nhiễm trên 70% được hỗ trợ 1.400.000 đồng/ha (do chỉ có công cày, phun thuốc, nước).

Ngoài hỗ trợ công tác tiêu hủy nông dân còn được hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng khoai mì có tỷ lệ thiệt hại do tiêu hủy từ 30 - 70% được hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha. Với diện tích tiêu hủy trên 70% được hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết: Bệnh khảm lá do vi rút từ con bọ phấn truyền vào cây làm khoai mì có biểu hiện lá xoăn, trên lá có các đốm khảm làm cây yếu, năng suất chất lượng rất kém (thậm chí còn mất trắng hoàn toàn với cây nhiễm bệnh từ nhỏ). Các cây giống dù khỏe mạnh nhưng trồng lại đều bị khảm lá ngay từ khi ra chồi. Vì vậy muốn cho vụ sau cây không bị bệnh phải cày ải thật kỹ, tiêu hủy các giống cũ, khử trùng đất bằng nhiều cách như vãi vôi, chọn giống kháng bệnh cao, phun thuốc phòng trừ từ đầu…
Người dân được cấp thuốc làm theo chỉ dẫn phòng bệnh
Phun thuốc đồng loạt theo khuyến cáo

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.