Môi trường đầu tư thông thoáng
Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đặc biệt, tỉnh có quỹ đất rộng để phát triển cùng với hệ thống giao thông dần hoàn thiện theo hướng thông minh, hiện đại, hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh. Tất cả những điều này là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, chuyên nghiệp, thân thiện, có tính cạnh tranh cao, đưa địa phương trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo đó, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, đồng bộ, công khai, minh bạch, qua đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến tin cậy để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, các dự án công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ và các dự án chuỗi giá trị nông nghiệp; trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng các chuỗi ngành trồng trọt - chăn nuôi có lợi thế.
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của UBND tỉnh cho thấy có nhiều điểm sáng thể hiện qua sự tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực đạt tăng trưởng hai con số.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện gần 29.800 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ, tăng so với kế hoạch năm. Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17% - 47% - 31,5%.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư trong nước tăng 97,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 7,6%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 57,4% dự toán, tăng 14,9% so cùng kỳ... Đây là những điểm sáng nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Tây Ninh.
“Tỉnh Tây Ninh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh Kiều Công Minh nhấn mạnh.
Gam sáng ngành nông nghiệp
Là tỉnh có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, để đạt kết quả trên có vai trò đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đã thu hút được 160,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì sự hợp tác liên doanh giữa 2 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và Hà Lan là Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus đã rót số vốn 2.500 tỷ đồng vào dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN. Dự án đã chính thức khởi công ngày 19/5 tại Tây Ninh. Được biết đây là chuỗi tổ hợp nông nghiệp áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nói về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu De Heus, đánh giá Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước sức hút của ngành nông nghiệp, mới đây, đoàn công tác của Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư về lĩnh vực chăn nuôi tại tỉnh Tây Ninh. Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, tổng đàn gia cầm có 9.900.000 con. Ước tổng sản lượng thịt gia cầm đạt 62.460 tấn/năm; sản lượng trứng đạt 900 triệu quả/năm.
Toàn tỉnh hiện có 2 huyện Dương Minh Châu, Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Ngoài ra, có 49 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận ATDB.
Dự kiến đến tháng 12 năm 2024, Tây Ninh có thêm 2 vùng ATDB cấp huyện (Tân Biên, Gò Dầu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. “Đây là cơ sở để Tây Ninh trở thành điểm đến lý tưởng với các doanh nghiệp ngành chăn nuôi nói chung, nông nghiệp nói riêng tìm kiếm cơ hội mới đầu tư tại Tây Ninh”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.
Tiến sĩ Abdul Jalil Abdul Kader - Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật nuôi, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm của tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, ông Abdul Jalil Abdul Kader bày tỏ mong muốn, sau chuyến đi, sẽ thúc đẩy sự hợp tác thương mại và kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi như: trứng, thịt…
Vượt thách thức, bứt phá, tăng tốc
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, năm 2024 được tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, như tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai…
Vừa qua, địa phương cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, quy hoạch đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Tây Ninh. “Tỉnh Tây Ninh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn”, ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, “Tây Ninh hội đủ 3 yếu tố 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Với các nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn trên tinh thần 'ba cùng' giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cụ thể là cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển của tỉnh”, Thủ tướng lưu ý.