| Hotline: 0983.970.780

Tây Yên A quyết tâm hoàn thành xã nông mới nâng cao

Thứ Tư 20/09/2023 , 14:06 (GMT+7)

Kiên Giang Là xã được huyện An Biên chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, nhưng chính quyền và nhân dân xã Tây Yên A quyết tâm hoàn thành trong năm 2023.

Giao thông mở đường phát triển

Từ quốc lộ 63, chúng tôi qua cầu treo vượt kênh xáng Xẻo Rô hướng ra phía biển Tây để đến xã nông thôn mới Tây Yên A. Tuyến đường vào trung tâm xã đã được nhựa hóa, hai bên với hàng rào cây xanh, từng nhà dân với khoảnh sân trước rộng rãi, liền ngay phía sau là đồng ruộng sản xuất, hiện lên một làng quê thanh bình yên ả.

Cán bộ, đoàn thể xã Tây Yên A thường phối hợp vệ sinh môi trường công sở, nơi công cộng, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, hướng đến mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ, đoàn thể xã Tây Yên A thường phối hợp vệ sinh môi trường công sở, nơi công cộng, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, hướng đến mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Tây Yên A đang bứt tốc về đích xã nông thôn mới nâng cao nên còn một số việc cần đầy nhanh tiến độ. Chủ tịch UBND xã Tây Yên A Nguyễn Hoàng Đấu dẫn chúng tôi cùng đi kiểm tra công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông nông tại ấp Mương Chùa để đạt chuẩn nâng cao. Những bao xi măng được xếp hàng dài, vỉ sắt đã được cột sẵn, ốp cốt pha, máy móc, công nhân làm việc tích cực, người vác cát, đá, người đổ xi măng, cho nước vào máy trộn. Từng mẻ hồ bê tông được đổ ra nhanh chóng được những thợ lành nghề san gạt.

Công việc cứ thể trôi chảy. Con đường mới rộng rãi dần hiện ra. Chủ tịch UBND xã Tây Yên A Nguyễn Hoàng Đấu nhắc nhở: “Nhà thầu, đơn vị thi công không chỉ làm đúng tiến độ mà phải đảm bảo chất lượng, đúng với thiết kế, để tuyến đường được sử dụng lâu dài”.

Chủ tịch UBND xã Tây Yên A Nguyễn Hoàng Đấu (thứ 3 từ trái qua) đi kiểm tra công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông nông tại ấp Mương Chùa để đạt chuẩn nâng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Chủ tịch UBND xã Tây Yên A Nguyễn Hoàng Đấu (thứ 3 từ trái qua) đi kiểm tra công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông nông tại ấp Mương Chùa để đạt chuẩn nâng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Đấu vui mừng cho biết, xây dựng nông thôn mới đã có nền tảng tốt từ giai đoạn đầu nên công tác vận động có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhân dân đã nhận thức được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới và tích cực tham gia thực hiện tốt. Tiêu biểu như phong trào nhân dân hiến đất, hoa màu để làm đường, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện, là nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, đời sống dân sinh được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững.

Đòn bẩy phát triển sản xuất

Kiểm tra xong tuyến đường, chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất lúa - tôm. Nông dân đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa với niềm vui trúng mùa, trúng giá nên rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Phát (ấp Rẫy Mới, xã Tây Yên A) cho biết: Chuyển đổi sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã đã chuyển từ chuyên canh lúa sang luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (mô hình lúa – tôm) khoảng 10 năm nay, cho thu nhập cao hơn hẳn. Những năm qua, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, cả năng suất lúa và tôm đều tăng, giá bán cũng cao hơn nên mang lại thu nhập tốt hơn.  

Đặc biệt, hợp tác xã Thuận Phát đã chuyển dịch từ sản xuất bằng phân bón, thuốc hóa học sang hướng hữu cơ, vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị sản phẩm. Để đảm bảo đầu ra cho xã viên, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, với 2 giống lúa ST24 và ST25.

Chuyển đổi sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới ở Tây Yên A. Ảnh: Trung Chánh. 

Chuyển đổi sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới ở Tây Yên A. Ảnh: Trung Chánh. 

Giám đốc Bảo vui mừng cho biết, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, giá đã có sự thay đổi tăng lên từng năm cùng với chất lượng lúa được nâng lên. Nếu như cách đây 3 năm, giá lúa ST25 ký được hợp đồng 7.200 đồng/kg đã là cao thì năm nay Công ty chốt giá với hợp tác xã thu mua lúa ST25 giá 9.700 đồng/kg, đạt các chỉ tiêu theo hướng hữu cơ. Đây là mức giá rất tốt, dự kiến năng suất lúa vụ này đạt khoảng 6-6,5 tấn/ha, mỗi ha xã viên cầm chắc lợi nhuận đạt từ 35-40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Chủ tịch UBND xã Tây Yên A Nguyễn Hoàng Đấu cho biết, nhằm tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, địa phương đã từng bước thực hiện hình thành cánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, thực hiện thành công cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời có giải pháp thúc đẩy hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phát triển làm bệ đỡ cho hộ sản xuất nông nghiệp, tạo mối liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị.

Thực hiện Chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã xác định lấy phát triển sản xuất là gốc để nâng cao giá trị sản xuất và phát huy thế mạnh của địa phương, nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân đã được từng bước nâng cao rõ nét, tăng hộ khá giàu, giảm hộ nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là trên 54 triệu đồng thì đến cuối năm 2023 đã bứt tốc tăng lên hơn 70 triệu đồng/người/năm.

Xã Tây Yên A được UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Từ đó, tạo động lực để xã tích cực triển khai chương trình mục xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, với các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương và đi vào chiều sâu. Đồng thời, gắn với các giải pháp phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Các tiêu chí nông thôn mới nâng cao được hình thành rõ nét, thực chất hơn, bộ mặt nông thôn thay đổi đồng bộ hiện đại theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.