| Hotline: 0983.970.780

Techcombank cảnh báo cách thức lừa đảo đánh cắp tài khoản ngân hàng và chứng khoán

Thứ Hai 15/04/2024 , 17:03 (GMT+7)

Khi điện thoại đã bị cài mã độc, những kẻ lừa đảo sẽ chiếm quyền quản lý toàn bộ các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán có trên thiết bị.

Các vụ lừa đảo trực tuyến lấy mất của người Việt 16 tỷ USD

Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo, có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là vùng trũng trong nhận thức thông tin và sử dụng mạng.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong 11 tháng đầu năm 2023 cho thấy có gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng, trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Nội dung và hình thức lừa đảo trực tuyến không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Đó là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em. Lý do những kẻ lừa đảo nhắm vào các đối tượng này là vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng thiếu kỹ năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo.

Điển hình hồi tháng 3, ông M.C tại Hà Nội đã cài link độc do kẻ giả mạo công an hướng dẫn, từ đó bị chiếm quyền điện thoại và các tài khoản giao dịch chứng khoán và ngân hàng cài trên thiết bị di động này. Theo chia sẻ của nạn nhân, kẻ giả mạo tự xưng là bên công an đã gọi điện đến số điện thoại của ông là 091xxxxx82, yêu cầu xác thực định danh thông tin cá nhân.

Do đã lớn tuổi, không quen với công nghệ và tin vào kẻ mạo danh, nạn nhân đã chuyển điện thoại cho người thứ ba để nhờ người này làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, từ đó tải và cài ứng dụng có mã độc “dichvucong.apk” trên điện thoại của ông. 

Phần mềm lừa đảo có chứa mã độc 'DichVuCong.apk'. Ảnh: Huy Bình.

Phần mềm lừa đảo có chứa mã độc “DichVuCong.apk”. Ảnh: Huy Bình.

Cùng với việc cài phần mềm có chứa mã độc “DichVuCong.apk”, nạn nhân đã vô tình cho phép kẻ lừa đảo được chiếm toàn bộ quyền quản lý, điều khiển như nhắn tin, gọi điện, nghe điện thoại trên chính điện thoại khách hàng, và sử dụng các thông tin bảo mật được ngân hàng và công ty chứng khoán cung cấp dành riêng cho khách hàng cho các giao dịch trên tài khoản ngân hàng điện tử và tài khoản chứng khoán (bao gồm: tên truy cập, mật khẩu truy cập tài khoản, các mã xác thực SMS OTP kích hoạt tài khoản và tính năng giao dịch, kích hoạt Smart OTP và xác thực giao dịch tài chính...).

Từ đó, đối tượng lừa đảo đã thực hiện các hành vi bán cổ phiếu trên tài khoản chứng khoán, chuyển tiền sang tài khoản ngân hàng và rút tiền, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Sẽ có “nhiều cuộc tấn công mạng hơn nữa” cả trên Android và iOS

Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Các chuyên gia công nghệ cho biết, ngoài những thủ đoạn lừa đảo như cuộc gọi video deepfake; giả danh cơ quan thuế, công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử…, gần đây nở rộ hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng (Accessibility) trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.

Các chuyên gia cảnh báo sẽ có nhiều cuộc tấn công mạng hơn nữa. Ảnh: minh họa.

Các chuyên gia cảnh báo sẽ có nhiều cuộc tấn công mạng hơn nữa. Ảnh: minh họa.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Tổng công ty Công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam cho rằng, sẽ có “nhiều cuộc tấn công hơn nữa” trên iOS trong tương lai gần. “Hacker hiện được trang bị các kỹ năng và công cụ tốt hơn”, ông cho hay.

Ông Sơn cho biết, trên quy mô toàn cầu, số lượng các cuộc tấn công mạng trên iOS đang bắt kịp với số lượng của Android. Những cuộc tấn công trên iOS trông có vẻ ngấm ngầm hơn. Thậm chí có những cuộc tấn công không nhấp (zero – click).

Theo đó nạn nhân không cần nhấp vào bất kỳ liên kết nào nhưng những kẻ lừa đảo vẫn có thể tấn công và chiếm lấy điện thoại từ xa. Những kẻ lừa đảo đã âm thầm xâm nhập vào thiết bị qua email, tin nhắn văn bản và cuộc gọi điện thoại. Ví dụ, ngay cả cuộc gọi WhatsApp bị nhỡ cũng có thể kích hoạt cài đặt phần mềm mã độc.

Techcombank và TCBS nâng cao mức cảnh báo về nguy cơ lừa đảo giao dịch trực tuyến

Đầu tháng 4, Techcombank tiếp tục nâng cấp cảnh báo về phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo cài đặt các ứng dụng giả mạo. Theo Techcombank, hiện nay, các đối tượng lừa đảo đang tận dụng tâm lý thiếu cảnh giác của những người dùng thiết bị di động, để thực hiện các hành vi giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án,…), cơ quan hành chính nhà nước (Cán bộ thuế/ địa chính/ tài nguyên môi trường,…), nhân viên hỗ trợ (ngân hàng,…).

Techcombank và TechcomSecurities nâng cao mức cảnh báo về nguy cơ lừa đảo giao dịch trực tuyến. Ảnh: ST.

Techcombank và TechcomSecurities nâng cao mức cảnh báo về nguy cơ lừa đảo giao dịch trực tuyến. Ảnh: ST.

Mục đích cuối cùng của những thủ đoạn này chính là khiến người dùng tin và cài đặt phần mềm chứa mã độc. Các phần mềm chứa mã độc này sẽ giúp đối tượng lừa đảo vượt qua hầu hết các biện pháp xác thực và bảo vệ của thiết bị di động. Qua đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền và tài sản của nạn nhân.

Vì vậy, để bảo vệ an toàn giao dịch tài khoản, Techcombank và Cty Chứng khoán Kỹ thương(TCBS) đã gửi cảnh báo nâng cao đến tất cả các khách hàng. Theo đó, khuyến nghị các khách hàng NÊN: (i) Cảnh giác và tìm cách kiểm chứng thông tin của bất kỳ đối tượng nào chủ động liên lạc và tự xưng là công an, cán bộ hành chính, cán bộ hỗ trợ dịch vụ công, nhân viên ngân hàng,…bằng cách gọi tới tổng đài hỗ trợ được công bố chính thức của các cơ quan, đơn vị (ii) Chỉ nên cài đặt phần mềm được tìm thấy trực tiếp trên App Store (với thiết bị hệ điều hành iOS)/CH Play (với thiết bị hệ điều hành Android); (iii) Chia sẻ thông tin cảnh giác đến bạn bè, người thân là người cao tuổi hoặc người ít am hiểu về công nghệ.

Theo khuyến nghị này, người dùng tuyệt đối (i) Không cài đặt/ tải trực tiếp bất kỳ ứng dụng nào từ đường link do bất kỳ ai gửi trên tin nhắn SMS, nội dung chat trên các nền tảng xã hội, ứng dụng nhắn tin; hoặc từ các trang web do các đối tượng cung cấp đường link; (ii) Không tin và thực hiện theo hoặc liên hệ với với các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Telegram,..) về các giải pháp “nhanh” cho bất kỳ dịch vụ công nào.

Từ ngày 1/4/2024, Techcombank chủ động thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học để triển khai Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, nhằm tăng cường an toàn giao dịch trực tuyến cho khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quy định từ ngày 1/7, khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng). Mục tiêu quan trọng của Quyết định 2345 QĐ/NHNN là để bảo vệ khách hàng trên nền tảng giao dịch số.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm