| Hotline: 0983.970.780

Tết ‘bám dân, bám rừng’ ở đại ngàn Cúc Phương

Thứ Năm 19/01/2023 , 14:00 (GMT+7)

Sáng sớm 26 Tết, trời rét căm căm, mặc cho những cơn gió thổi buốt mặt, các kiểm lâm viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn băng rừng tuần tra.

Nối giữa những Trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cúc Phương là những con đường mòn nhỏ, trời nắng thì cơ động được bằng xe máy nhưng chỉ cần vài hạt mưa xuân là chỉ có thể đi bộ vì vừa dốc, vừa trơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nối giữa những Trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Cúc Phương là những con đường mòn nhỏ, trời nắng thì cơ động được bằng xe máy nhưng chỉ cần vài hạt mưa xuân là chỉ có thể đi bộ vì vừa dốc, vừa trơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Tết nơi lõi rừng

Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương hiện nay có 12 trạm cố định và 1 trạm di động, dù lực lượng kiểm lâm viên của mỗi trạm giao động từ 3 – 5 người nhưng diện tích phải quản lý lên đến 22.000 ha nên nhiệm vụ của họ hết sức nặng nề.

Để đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, dù đã sát Tết nhưng lực lượng kiểm lâm cơ động vẫn phối hợp với các trạm cố định tổ chức đi rừng, không để xảy ra các tình huống phức tạp trong quãng thời gian nhạy cảm này.

Sáng 26 Tết, tại Trạm Kiểm lâm số 3 của hạt, 2 tổ tuần tra, mỗi tổ 2 người được thành lập để bắt đầu nhiệm vụ tại khu vực xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Với biên chế 3 người nhưng Trạm trưởng Đinh Trung Thành đang bị thương nên chỉ còn 2 kiểm lâm của trạm kết hợp với 2 kiểm lâm cơ động đi chuyến tuần tra này.

“Trạm 3 của chúng tôi được phân công kiểm soát diện tích 2.100 ha nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 người, do đó, mỗi khi tuần tra trên diện rộng luôn cần đến sự bổ sung lực lượng của trạm cơ động. Như hôm nay, 4 anh em sẽ chia thành 2 tổ, đi tuần từ sáng đến chiều, mỗi chuyến có thể kéo dài từ 8 – 10 tiếng, đi bộ hoàn toàn”, Trạm trưởng Đinh Trung Thành chia sẻ sau khi chống nạng từ giường ra bàn tiếp khách.

Anh Thành vừa bị thương ở cổ chân trong một chuyến đi tuần, vì tính chất công việc vẫn phải di chuyển, khó kiêng cữ nên giờ cả bàn chân anh sưng húp, có lúc tím tái đi do phải ngồi hoặc đứng lâu, máu dồn xuống.

Trạm trưởng Đinh Trung Thành (bìa phải) và 2 tổ tuần tra chụp ảnh trước công trình mới của Trạm. Ảnh: Tùng Đinh.

Trạm trưởng Đinh Trung Thành (bìa phải) và 2 tổ tuần tra chụp ảnh trước công trình mới của Trạm. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng theo Trạm trưởng này, từ nay cho đến ngày làm việc cuối cùng theo quy định của Nhà nước trạm vẫn duy trì 100% quân số. Còn trong những ngày nghỉ Tết âm lịch, anh em sẽ cắt cử nhau trực để vừa đảm bảo nhiệm vụ vừa vui xuân cùng gia đình theo phương châm: “Năm nay người nay trực thì sang năm người khác, luân phiên, chia sẻ cho nhau”.

Cụ thể, ông Nguyễn Trường Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, trong thời gian nghỉ Tết, các trạm sẽ duy trì 50% quân số tuy nhiên các trạm có thể liên kết với nhau thành từng cụm từ 2 – 3 trạm để lập các tổ tuần tra, đảm bảo yêu cầu chuyên môn cũng như an toàn trong rừng.

“Hiện nay chúng tôi vẫn còn một số tuyến triển khai tuần tra trước Tết để nắm được thông tin chuyên môn. Trước đó, phía đường Hồ Chí Minh và phía Tây Bắc của rừng đã được các tổ đi tuần tra, nắm tình hình”, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Cũng theo Phó Hạt trưởng này, ra Tết các đơn vị lại tổ chức tuần tra khảo sát lại một lượt nữa để có số liệu đối chiếu với thời gian hiện tại, từ đó giúp lãnh đạo vườn có thể đưa ra định hướng, chỉ đạo hoạt động trong năm tới cho các trạm thực hiện.

Cải thiện đời sống kiểm lâm

Hiện nay, trong số 12 trạm cố định của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương thì Trạm số 3 là có cơ sở vật chất khang trang nhất do mới được đầu tư xây dựng lại. Những gian nhà kiên cố, rộng rãi vẫn còn phảng phất mùi sơn mới khiến những cán bộ kiểm lâm ở đây không giấu được sự vui mừng.

Trạm trưởng Đinh Trung Thành nhớ lại: “Tôi sang trạm từ 2020, nhà trạm khi đó rất xuống cấp vì xây từ năm 1992. Cửa sổ mối mọt đục thủng hết, anh em phải mua liếp với bạt về che chống gió. Còn phòng thì chật được có vài mét vuông kê giường với cái tủ nhỏ là hết lối đi”.

Ngồi dưới mái hiên công trình mới, mặc kệ cái chân đau đang sưng vù, anh Thành hồ hởi nói, giờ thì mỗi người một phòng, kiên cố, kín đáo, không sợ nóng, chẳng ngại lạnh nữa.

“Bản thân tôi và anh em trong trạm rất phấn khởi vì với sự quan tâm của Ban Giám đốc, đầu tư xây dựng trạm mới thế này thì chúng tôi rất yên tâm công tác, không còn phải lo về chỗ ăn, chỗ ở nữa”, Trạm trưởng chia sẻ thêm.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương băng rừng đi tuần tra trong những ngày cận Tết đầy giá rét. Ảnh: Tùng Đinh.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương băng rừng đi tuần tra trong những ngày cận Tết đầy giá rét. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặc dù nhà đã mới nhưng đồ trang, trang thiết bị thì vẫn là đồ cũ, cũng biết là thiếu nhưng các kiểm lâm viên Trạm 3 luôn xác định, phải khắc phục, thích nghi với mọi điều kiện để đảm bảo công tác chuyên môn còn việc nâng cấp, thay mới thì phụ thuộc vào việc bố trí chung của cả Vườn.

Chia sẻ chung hơn về vấn đề này, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Trường Sơn cho biết, mặc dù ngành kiểm lâm nói chung và Hạt nói riêng còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm từ cấp Bộ đến lãnh đạo vườn, tạo điều kiện với nhiều cơ chế, chính sách nên đời sống anh em cũng dần được cải thiện, công việc vì vậy cũng hiệu quả hơn.

“Bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, Vườn đã hợp tác, vận động được các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, giúp trang bị các thiết bị kỹ thuật cho kiểm lâm viên khi làm chuyên môn”, ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với chính quyền các địa phương của 14 xã thuộc 4 huyện của 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình cũng được Vườn triển khai, đẩy mạnh.

Với diện tích rộng, quân số không đông nên bên cạnh hỗ trợ về vật chất, phương tiện, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng chủ động phối hợp với 4 Hạt Kiểm lâm của các huyện trong khu vực để đảm bảo công tác chuyên môn, tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

Phút dừng chân trên đường tuần tra trong lõi rừng già của cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Phút dừng chân trên đường tuần tra trong lõi rừng già của cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Phần mềm Smart cho Kiểm lâm viên

Vườn Quốc gia Cúc Phương được biết đến là rừng đặc dụng và nguyên sinh lớn có diện tích trên 22.000 ha nhưng lực lượng kiểm lâm của rừng khá mỏng với trang thiết bị còn thiếu thốn và phải dàn trải trên một diện tích lớn rừng tự nhiên, địa hình phức tạp là một thách thức.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, Vườn đã triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Ban Quản lý vườn đã ứng dụng phần mềm Smart như một công cụ quản lý và giám sát việc thực thi nhiệm vụ, hoạt động tuần tra thực địa của lực lượng bảo vệ rừng.

Smart là viết tắt của tên bộ công cụ Quản lý dữ liệu và Báo cáo tuần tra, được xây dựng nhằm cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Thông qua đó, thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra thống nhất dùng chung trên phạm vi cả nước từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia.

Các tuyến tuần tra của các trạm đội bảo vệ rừng được GPS lưu trữ đầy đủ các thông tin như tọa độ, khoảng cách tuần tra, ngày tháng tuần tra; các thông tin thu thập được trong suốt tuyến tuần tra về bảo vệ rừng, ghi nhận đa dạng sinh học được điền vào phiếu tuần tra Smart.

Định kỳ 15 ngày 1 lần dữ liệu được nhập vào phần mềm Smart, từ đó có thể quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng như nắm bắt các thông tin kịp thời; đồng thời xây dựng báo cáo một cách khoa học, hợp lý. Hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng như việc xây dựng báo cáo được thực hiện một cách khoa học, hợp lý.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...