Hổ có thể săn mồi cả đêm lẫn ngày, nhưng với những nơi có con người sinh sống, hổ thường mò đến ban đêm. Mắt hổ tinh gấp 6 lần mắt người, thính giác và khứu giác cũng rất tinh nhạy giúp cho hổ trong đêm tối có thể phát hiện nhanh chóng con mồi và định vị chính xác. Tiếng gầm của hổ với âm sắc đặc biệt có thể làm tê liệt thần kinh của nhiều loài thú khác.
Năm 1979, khi đi công tác biên giới Việt - Lào ở đồn biên phòng 67 phía tây Nghệ An, cứ nửa đêm, khi đàn chó sủa dồn là anh em lại thức dậy với đèn ba pin và súng đạn. Đàn chó đánh hơn hổ về bên kia khe. Cứ chó dồn về phía nào bên này là bờ bên kia hổ đang di chuyển theo hướng đó. Đèn pin lia loang loáng, có khi bắt được hai con mắt sáng lòe trong đêm. Đêm càng tối, hổ càng thường hay mò về.
Năm 1994, khi làm công tác biên giới Việt Nam - Campuchia, tôi thấy anh em bộ đội biên phòng gài bẫy hổ bằng lựu đạn. Hổ có tập tính kỳ lạ là trở về chỗ con mồi cũ. Khi nó vồ được một con bê, việc đầu tiên là moi bộ lòng bê ăn rồi tha con bê đi một đoạn về phía rừng. Đến đêm hôm sau, khoảng nửa đêm lại mò về ăn một ít thịt và lại tha đi một đoạn.
Biết tập tính đó, anh em liền gài lựu đạn xuống dưới xác bê để giết hổ. Lựu đạn của ta nổ chậm. Khi hổ kéo xác bê, nụ xòe nổ tép một cái, hổ liền chụm chân vọt lên rồi phi thẳng, mươi gây sau lựu đạn nổ thì nó đã chạy biến đi rồi. Hổ có tính hay quên chăng(?) nên đêm sau nó lại mò về. Có khi mất đến ba quả lựu đạn mà nó vẫn không sợ. Sau này biết vậy, anh em dùng lưu đạn Nga, gài chế độ nổ ngay mới trị được.
Có mấy điều mà ta có thể suy ra dựa trên tập tính này.
- Tục kiêng kỵ bằng cách “nói trại” với loài vật đã có lâu đời trong dân gian. Với những gì có thể gây hại, người ta thường nói trại đi để tránh rủi ro. Chuột hay cắn phá thì người ta không rủa thẳng nó, mà gọi đó là “chú chí”, sợ dễ gây hỏa hoạn nên họ kiêng chữ “cháy”.
Những người làm nghề gốm hay nghề rèn, rất ngại hỏa hoạn nên cháy nhà thì họ lại gọi là “ướt nhà” và giải thích là vì đã cháy thì phải dùng nước dập nên nó ướt. Bị sốt thì nói trại là “cháu nó ấm đầu”, bị bệnh tả thì gọi là “đi rào”, “đi sông”, “đi lỏng”… Hổ là con vật gây tai họa nên người ta nói tránh đi bằng nhiều tên khác. Ông Ba Mươi là một trong những cách nói trại đó.
- Trong một tháng thì đêm Ba Mươi âm lịch là đêm tối trời nhất. “Tối như đêm Ba Mươi” là vì vậy. Trong một năm thì đêm giao thừa là đêm tối nhất cả năm. Từ đó mà “đêm Ba Mươi” được biểu ý để gọi cái đêm tối trời, tối đất.. Hổ là “ông Ba Mươi” vì ông thường về vào đêm tối trời theo tập tính.
Đêm Ba Mươi Tết, người ta thường bày mâm cúng đón giao thừa, lạy thần thánh thổ địa bốn phương, tống khứ những rủi ro để đón một năm mới nhiều may mắn. Nguyễn Trãi (1380-1442) thế kỷ XV viết về đêm giao thừa “Đốt trúc khua na đắng lỗ tai” (Đốt pháo trúc xua tà ma nghe đắng cả lỗ tai). Tục người Mường và người Việt vùng chân núi xưa, người ta nổi chiêng cồng để xua hổ dữ vào đêm đó.
- Tập tính là về đêm, hổ thường hay trở lại chỗ con mồi cũ, đã được truyền thuyết hóa thành chuyện Ma trành và đã được Phạm Đình Hổ (1768-1839) ghi lại rằng: những người bị hổ vồ chết ăn thịt, hồn không siêu thoát được nên nhập luôn vào con hổ đó, đến đêm Ba Mươi hồn đó lại dẫn hổ về nhà để bắt tiếp những người khác nên phái cúng tế hồn, sự đó gọi là “ma trành”.
Chữ “MA” vốn là một từ Hán - Việt dùng phiên âm Phạm ngữ, Pali ngữ “mara” với dịch nghĩa là: sát mệnh, đoạt mệnh, năng đoạt mệnh, chướng ngại. Nghĩa của nó là: chỉ cho loài ác quỷ ác thần chuyên cướp lấy mạng sống con người và làm trở ngại các việc thiện. Chữ TRÀNH là một từ Hán - Việt, từ điển cũng ghi là: Còn có âm đọc là XƯƠNG, chỉ ma cọp, tinh hùm, ngày xưa tin rằng hồn người bị cọp bắt, không biết trú vào đâu, nhập vào hổ, lại đưa hổ về bắt người. Chuyện hổ về tức là tập tính nó về lại nơi bắt mồi cũ.
Sách "Lĩnh Nam chích quái" có truyện "Mộc tinh" là tinh của cây chiên đàn cao ngàn nhẫn, có tên goi là quỷ Xương cuồng (cũng như “trành”, nghĩa là tinh hổ điên) chuyên môn hại người, đến đời nhà Đinh mới diệt được. Cốt chuyện này thật giống truyện Chặt cây chu đồng của người Mường khi cây Chu đồng bị chặt liền hóa thành con Moong lồ, tức là hổ lớn cuồng dại, vào đến cả “Đồng kỳ Tam quan Kẻ chợ” để ăn thịt người. Đó cũng chính là hổ thành tinh vậy.
Giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984) trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (1949-1961) có ghi chuyện Phạm Nhĩ hay sự tích ông ba mươi kể về một thiên tướng là Phạm Nhĩ, sức mạnh phi thường, vì phạm lỗi với Ngọc hoàng mà bị Đức Phật hóa phép đày xuống trần gian làm kiếp hổ là chúa sơn lâm.
Chuyện kể là: “Tại sao lại gọi là Ông Ba Mươi? Đó là vì khi có người nào săn được hổ thì nhà vua có lệ thưởng cho ba mươi quan tiền vì đã trừ được cho loài người một con thú hung ác. Nhưng vua cũng bắt người đó chịu ba mươi hèo để cho vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa”.
Câu chuyện là sáng tác dân gian nhưng trong đó vẫn lưu giữ yếu tố dân tộc học là: con người khi phạm phải điều kiêng kỵ thì thường tự sám hối, dùng “khổ kế” để né tránh những điều rủi ro khi thánh thần hoặc lực lượng tự nhiên đem lại.
Quê tôi trước đây có nhiều phường săn, mỗi khi săn về được thú như cầy, mang, nhím, cáo, lợn rừng… họ thường ra miếu đầu rừng thắp hương tạ ơn và xin lỗi. Câu khấn đầu tiên thường là: “Chúng con là… vì đã “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nên có cây hương chén nước, lạy…”.
Cách ứng xử người xưa với tự nhiên, khi họ chưa thấu hiểu hoàn toàn thế giới khách quan, luôn luôn có những giữ gìn, kiêng khem như vậy để bảo toàn cuộc sống.