| Hotline: 0983.970.780

Tết với nhà thơ Xuân Diệu

Chủ Nhật 03/02/2008 , 14:22 (GMT+7)

Xuân Diệu là nhà thơ lớn của Việt Nam chúng ta trong thế kỉ hai mươi . Thơ tình của ông là một "đặc sản" đối với các thế hệ thanh niên học sinh Việt Nam mấy chục năm qua. Ông là một tấm gương hết sức điển hình, hết sức tiêu biểu và hết sức độc đáo về mọi mặt của một nhà thơ suốt đời sống độc thân, không vợ con; chỉ toàn tâm toàn ý hiến dâng tất cả tài năng và sức lực cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Thơ - nói riêng, và văn học - nói chung đối với Xuân Diệu như là một thứ đạo, một thứ tôn giáo cao quí và thiêng liêng không gì sánh bằng. Bởi thế, Xuân Diệu quí từng giờ từng phút thời gian của cuộc đời mình; ông lao động văn học không biết mệt mỏi, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian, lúc nào cũng làm việc cật lực trên các trang văn. Càng những ngày lễ lạt, tết nhất; càng những ngày thiên hạ hội hè, thong thả rong chơi thì Xuân Diệu càng gồng mình lên làm việc cật lực, cho vơi bớt nỗi quạnh vắng của một kẻ sống độc thân.

Nếu tết cổ truyền là một dịp cho mọi người và mọi gia đình Việt Nam, dù giàu nghèo, dù sang hèn đều được nghỉ ngơi công việc thường nhật, để gói bánh chưng, mua sắm thức ăn dự trữ, sắm sanh cái này cái nọ - thì đối với Xuân Diệu hoàn toàn không có tết bao giờ.

Tết đối với ông chỉ khác ngày thường duy nhất có hai điểm: Thứ nhất, trong nhà có một cành đào thắm rất đẹp - đẹp vào hàng nhất nhì phiên chợ hoa hôm ông đi mua cành đào ấy. Thứ hai, trên chiếc bàn gỗ con con có một bao thuốc lá thơm và một đĩa kẹo ngon để tiếp khách ngày xuân. Còn thì tuyệt không có mâm ngũ quả, không có bánh chưng, giò chả hay bất cứ thức ăn nào khác ngày thường.

Thói thường của người đời là - những ngày gần tết, rồi áp tết ai ai cũng có một tâm trạng xốn xang; nghĩ nhiều, bàn nhiều đến cái tết. Rồi chạy đi chỗ này một tí, chạy tới chỗ kia một tí để mua thứ này, xem thứ kia, vv...Riêng đối với nhà thơ Xuân Diệu thì không bao giờ như thế. Hay ít ra, đúng một phần tư thế kỉ sống bên ông, tôi chưa từng thấy ông như thế bao giờ.

Trái lại, càng những ngày gần tết, áp tết và ngay cả trong những ngày 30 và mồng 1 tết, Xuân Diệu càng ngồi riết róng bên bàn viết hơn. Ông cố tình lặng lẽ lấy công việc để lấp đi cái khoảng trống thời gian đáng sợ nhất của một người sống độc thân, không vợ con trong những ngày tết nhất ấy.

Cứ đêm 30 tết hàng năm, ông một mình một bóng ngồi bên cái bàn lim cổ của thân phụ ông để lại, sau cái chao đèn thuỷ tinh mờ (của Pháp sản xuất), cặm cụi dồn hết tâm trí và nghị lực vào những trang văn; mặc kệ xung quanh nhà nhà quây quần vợ chồng, con cháu, hoan hỉ chuẩn bị đón xuân sang. Thỉnh thoảng ông lại ngừng viết hay ngừng đọc, ngồi thừ người, lặng ngắt sau cái quầng sáng mờ mờ của cái chao đèn bằng thuỷ tinh xanh, ngước mắt trân trân nhìn vào khoảng không vô định, rồi thở dài mấy tiếng trong nỗi cô đơn khôn cùng: "Chà chà chà !..." . Tự ông nghe lấy tiếng thở dài của mình. Nhiều khi quá mệt mỏi và quá đau óc , Xuân Diệu phải tự lấy quả tạ tay bằng gang đập đập lên vai, lên cổ và suốt dọc sống lưng ...

Mãi cho tới khi khắp Hà Nội tiếng pháo đón giao thừa nổ ran trời, ông mới lẳng lặng buông bút, miệng lại nho nhỏ "chà chà chà" nén tiếng thở dài, từ từ rời bàn viết, đến bên cái tủ li bằng gỗ tạp, lấy chai rượu ra, tự rót cho mình một li nhỏ. Đó là li rượu Xuân Diệu đón giao thừa; uống đứng, ngay bên cửa tủ. Lặng lẽ. Một mình !

Những ngày tết, Xuân Diệu thường chỉ rời bàn viết lúc đi ăn cơm. Vì sống cảnh độc thân nên tết nào nhà thơ cũng phải có một tờ giấy ghi lịch đi ăn cơm ở một số gia đình những người thân. Tại Hà Nội ông có hai người em ruột cùng cha khác mẹ (Xuân Diệu là con bà hai ) là chị Ngô Xuân Như và anh Ngô Xuân Huy. Cũng xin được nói rõ ở đây: tên khai sinh đầy đủ của nhà thơ là Ngô Xuân Diệu, người làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; quê má ở vạn Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thường thường bữa cơm tất niên chiều 30 tết ông ăn tại nhà người em gái là bà Xuân Như. Những bữa sau, vào các ngày mồng 1, mồng 2 tết ông ăn tại nhà người em trai là Xuân Huy, cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông còn ăn cơm tết tại nhà ông Ngô Nhật Quang ở phố Yên Thế, nhà ông Nguyễn Thượng Đạt ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Đây là hai người bạn chí cốt của Xuân Diệu từ trước năm 1945. Hai người này đều được Xuân Diệu thường xuyên tặng sách, mỗi khi có một tác phẩm mới ra đời. Tết nào hai gia đình này cũng nhất mực mời Xuân Diệu đến ăn một vài bữa rất trịnh trọng và thịnh soạn - nhưng ấm cúng, thân mật như thể đối với người ruột thịt.

Tất nhiên, trong những ngày Tết, năm nào gia đình nhà thơ Huy Cận cũng mời Xuân Diệu một bữa. Hai ông là bạn tâm giao, tri âm tri kỉ của nhau từ hồi còn học tại Trường Quốc học Huế trước năm 1945, và mãi cho đến sau này, suốt mấy chục năm cùng ở chung một biệt thự tại số nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Bữa cơm khách tại nhà Huy Cận đối với Xuân Diệu là nhẹ nhàng, thuận tiện hơn cả. Thường hôm ấy Xuân Diệu tập trung vào việc viết lách được nhiều nhất - so với những hôm phải đi ăn những chỗ khác; ông cặm cụi với công việc cho tới tận giây phút phải ngồi vào mâm cùng gia đình Huy Cận.

Ngoài khoảng thời gian rất ít ỏi dùng để đi chúc tết , thăm thú một số bạn bè, thì đối với Xuân Diệu - những ngày tết là những ngày ông làm việc bên bàn viết cật lực hơn bất cứ lúc nào. Ông tự căng sức ra mà làm việc. Ông cố tình lao động tập trung cao độ như thế để phần nào vơi bớt đi nỗi cô đơn, cô độc trong phòng văn vắng lặng của mình.

Nếu có ai đó xưa nay vẫn nghĩ rằng Xuân Diệu là một nhà thơ tiểu tư sản yếu đuối, thì đã hoàn toàn nhầm lẫn một cách tội nghiệp. Sự thật: Xuân Diệu là một thi sĩ cỡ lớn của nhân loại, luôn luôn là một người có tâm hồn, trí tuệ, ý chí và nghị lực phi thường. Ông sống, làm việc và lao động sáng tạo phi thường - bất chấp mệt mỏi, bất chấp đau khổ, bất chấp cô đơn.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.