| Hotline: 0983.970.780

Thách thức trong phát triển rừng gỗ lớn ở Thừa Thiên – Huế

Thứ Năm 01/08/2024 , 06:03 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Nhiều chủ rừng chưa nhận thức hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ việc được cấp chứng chỉ rừng, đồng thời lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ rừng.

Nhiều chủ rừng gỗ lớn lo ngại về đầu ra của sản phẩm. Ảnh: Nhật Quang.

Nhiều chủ rừng gỗ lớn lo ngại về đầu ra của sản phẩm. Ảnh: Nhật Quang.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn ở địa phương khoảng hơn 12.400ha, gồm diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Diện tích trên chỉ đạt khoảng 24% so với tổng diện tích 50.000ha rừng trồng quy hoạch sản xuất.

Đây là tiềm năng rất lớn trong việc mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Tuy nhiên, việc phát triển rừng trồng gỗ lớn, đặc biệt là rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC đang gặp nhiều trở ngại.

Được thành lập từ năm 2016, Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một trong những thành viên của Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên - Huế hoạt động khá tích cực. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của Chi hội đạt hơn 730ha với 80 hội viên tham gia.

Những năm qua, Chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia nhưng đến nay diện tích rừng gỗ lớn của Chi hội vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Ông Lê Trọng Dũng, thành viên Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững Phú Sơn cho biết: Khó khăn trong việc mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện nay là phần lớn các chủ rừng tham gia vào trồng rừng chưa nhận thức hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ việc được cấp chứng chỉ rừng, và còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ rừng.

"Giá thu mua gỗ dăm diễn biến thất thường, dao động từ khoảng 1,1 - 1,5 triệu đồng/tấn nên nhiều chủ rừng chưa quyết tâm để trồng rừng gỗ lớn. Trong khi đó, đa phần chủ rừng không mặn mà với trồng rừng sản xuất gỗ lớn vì nguy cơ gãy đổ khi gặp bão, lốc ảnh hưởng đến khai thác", ông Dũng cho hay.

Thực tế hiện nay, các hộ gia đình ở Thừa Thiên - Huế đều có diện tích rừng nhỏ, manh mún, với nhiều hình thức canh tác và chu kỳ kinh doanh khác nhau. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tổ chức hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung có diện tích đủ lớn nhằm tạo điều kiện cho việc liên doanh, liên kết và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa có doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ nhỏ có chứng chỉ. Ảnh: Công Điền.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa có doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ nhỏ có chứng chỉ. Ảnh: Công Điền.

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững Phú Sơn, một trong những khó khăn hiện nay là việc tìm kiếm và liên kết các doanh nghiệp thu mua sản phẩm từ gỗ có chứng chỉ rừng FSC còn hạn chế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ nhỏ có chứng chỉ (dăm giấy, viên nén…)

Cùng với đó, năng lực của chủ rừng còn hạn chế, phần lớn phải thuê tư vấn và chi phí tư vấn và cấp chứng chỉ khá cao, trong khi đó diện tích của chủ rừng có nhu cầu cấp chứng chỉ không tập trung, thường nhỏ lẻ, manh mún gây chi phí cao. 

Trước thực trạng đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác cấp huyện tổ chức vận động, tuyên truyền, tập huấn cho các chủ rừng là hợp tác xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 15.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loại. Ảnh: Công Điền.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 15.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loại. Ảnh: Công Điền.

Tuyên truyền, vận động các chủ rừng hạn chế khai thác rừng non và thực hiện kinh doanh rừng trồng gỗ lớn (trên 10 năm) để nâng cao thu nhập. Liên kết thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận với thị trường ổn định, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 15.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loại; trong đó khoảng 12.500 ha rừng trồng sản xuất là của hộ gia đình, cá nhân, còn là của chủ rừng nhà nước quản lý.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.