| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia: Nhiều lợi ích cả kinh tế và môi trường

Thứ Năm 04/07/2024 , 08:24 (GMT+7)

Không chỉ thuận lợi hơn trong xuất khẩu, những diện tích có chứng chỉ rừng quốc gia còn giúp nâng cao chất lượng, năng suất rừng do sản xuất khoa học, đúng tiêu chuẩn.

Ở Việt Nam hiện nay, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) là đơn vị xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn, thủ tục, hướng dẫn về thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Cụ thể là các tiêu chuẩn đang áp dụng trong thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) PEFC; các quy định về sử dụng nhãn VFCS và PEFC.

Nhiều lợi ích 

Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về VFCS/PEFC, lợi ích mà chủ rừng nhận được sẽ là tính hợp pháp, khả năng phát triển bền vững và quan trọng nhất là thân thiện và bảo vệ toàn vẹn môi trường.

Trong đó, về mặt pháp lý, diện tích rừng được cấp VFCS/PEFC sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của Việt Nam và quy định quốc tế, bao gồm vấn đề quản lý, sử dụng đất và rừng theo pháp luật Việt Nam.

Khi đáp ứng các tiêu chuẩn VFCS/PEFC, lợi nhuận mà người trồng rừng thu được sẽ tăng lên. Ảnh: Tùng Đinh.

Khi đáp ứng các tiêu chuẩn VFCS/PEFC, lợi nhuận mà người trồng rừng thu được sẽ tăng lên. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Từ đó, đáp ứng được những yêu cầu về kê khai, minh bạch nguồn gốc lâm sản của các nhà nhập khẩu, ví dụ như đáp ứng được yêu cầu của VPA/FLEGT và EUDR.

Về phát triển bền vững, chủ rừng sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm từ rừng và cây ngoài rừng. Ngoài ra, những tiêu chuẩn này sẽ được bên thứ ba độc lập đánh giá và chứng nhận.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến việc đóng góp cho mục tiêu chung về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia. Ví dụ, khi trồng rừng theo các tiêu chuẩn VFCS/PEFC, sẽ nâng cao được dịch vụ hệ sinh thái, giảm nhẹ ảnh hưởng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển cộng đồng địa phương.

Quan trọng, theo đánh giá của các chuyên gia, khi đáp ứng các tiêu chuẩn VFCS/PEFC, lợi nhuận mà người trồng rừng thu được sẽ tăng lên.

Trước đây, đa phần người dân thường trồng rừng với hạt giống hoặc mua cây giống bán trôi nổi trên thị trường. Sau mùa thu hoạch rừng, chủ rừng đa phần dùng phương pháp đốt thực bì và phụ phẩm vì rất nhanh và tiện lợi. Tuy nhiên, để đáp ứng được các tiêu chuẩn của VFCS/PEFC, những thói quen này sẽ phải thay đổi.

Ông Trần Cao Bằng ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết, sau khi được tập huấn các nội dung liên quan VFCS/PEFC, gia đình ông đã duy trì thực bì, không đốt nữa, qua đó đem lại hiệu quả. "Rừng không đốt thực bì sẽ có độ ẩm tốt, giúp cây phát triển nhanh", ông Bằng cho biết.

Sau hơn 1 năm áp dụng các tiêu chuẩn của VFCS/PEFC vào trồng rừng, những cây keo của nhà ông Bằng đã cao đến 4 - 5m, thân thẳng, gốc to, đường kính nhiều cây đã lên đến 10cm. Theo ông Bằng, thân cây trồng theo tiêu chuẩn này sau 1 năm đã to gấp đôi so với cách đốt thực bì truyền thống.

Những cây keo được trồng đáp ứng chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Những cây keo được trồng đáp ứng chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho rằng, việc áp dụng các tiêu chuẩn sẽ vừa có hiệu quả về kinh tế, vừa có hiệu quả về môi trường.

"Về kinh tế, các tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao chất lượng và năng suất rừng. Theo thí nghiệm đánh giá của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nếu quản lý lập địa không đốt thực bì sau khai thác rừng thì có thể nâng cao năng suất rừng đến 10%", ông Tiệp cho hay.

Ngoài việc không đốt thực bì, người dân còn được hướng dẫn trồng cây theo đúng mật độ và phù hợp với điều kiện lập địa. Ngoài ra, do đáp ứng được các yêu cầu của nhiều nhà nhập khẩu quốc tế, các diện tích rừng có chứng chỉ VFCS/PEFC thường được chủ rừng hướng đến trồng gỗ lớn, không bán dăm như trước đây nên giá trị kinh tế cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, với chất lượng, và đặc biệt là với chứng nhận rừng được quản lý bền vững theo VFCS/PEFC, các chủ rừng còn được các công ty xuất khẩu bao tiêu sản phẩm, không còn tình trạng bấp bênh khi giao dịch với thương lái như trước đây.

Ngoài việc nâng cao chất lượng rừng và thu nhập của chủ rừng, trồng rừng có chứng chỉ VFCS/PEFC cũng mang đến lợi ích khi gia tăng được uy tín và mở rộng khả năng tiếp cận của các sản phẩm sản xuất từ rừng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Có thể nói, chứng chỉ rừng quốc gia đang giúp đảm bảo lợi ích của các bên liên quan trong trồng rừng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí này còn cho thấy trồng rừng không chỉ là việc tạo ra nguồn tài nguyên gỗ quý giá mà còn là sự cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Từ đó, giúp các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Một trong những tiêu chí đánh giá VFCS/PEFC là giống cây trồng, Chỉ số 4.2.3 Bộ tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003:2019 yêu cầu “Sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc giống theo quy định của pháp luật”; Đây chính là cụ thể hóa các quy định của Chính phủ và Bộ NN-PTNT về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Những nỗ lực ấn tượng

Theo thông tin từ VFCO, đến nay, kết quả phát triển năng lực và mở rộng hợp tác của Văn phòng rất ấn tượng. Cụ thể, về tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, VFCO đã đào tạo được 78 đánh giá viên và nâng cao năng lực cho 161 cán bộ liên quan khác, về tiêu chuẩn CoC là 69 đánh giá viên và 85 cán bộ khác.

Hiện nay, có 100 đơn vị đang sử dụng nhãn VFCS/PEFC để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Văn phòng VFCO cũng liên tục thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như sản xuất video clip tuyên truyền để quảng bá về hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia hay xuất bản các tài liệu truyền thông khác.

Ngoài cấp chứng chỉ, Văn phòng VFCO cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài cấp chứng chỉ, Văn phòng VFCO cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh việc quản lý, giám sát hoạt động cấp chứng chỉ, Văn phòng VFCO cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối thị trường, hiện nay là các sản phẩm keo và cao su.

Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén giải trình về tính hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và sự minh bạch của hệ thống VFCS/PEFC với các đối tác nhập khẩu.

VFCO cũng đang chủ động phối hợp với Hệ thống Chứng chỉ rừng Nhật Bản (SGEC) để tháo gỡ các vướng mắc về yêu cầu đối với viên nén nhập khẩu (FIT) để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, với lợi thế của hệ thống, VFCO cũng hợp tác chặt chẽ với PEFC và các hệ thống chứng chỉ quốc gia thành viên PEFC trong kết nối doanh nghiệp, thương mại.

Việc trồng rừng theo VFCS/PEFC ngoài đem lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng còn giúp cải thiện và bảo vệ môi trường, chống xói mòn, phát triển dịch vụ hệ sinh thái. Cụ thể, với tiêu chí bắt buộc về bảo vệ hành lang sông, suối của VFCS/PEFC, người dân sẽ không chỉ đáp ứng các yêu cầu của chứng chỉ mà còn thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.