| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Đàn trâu bò sụt giảm

Thứ Ba 21/05/2013 , 10:16 (GMT+7)

Việc sụt giảm tổng đàn không chỉ đơn thuần là trâu bò bị chết do bệnh dịch, do đói rét mà nguyên nhân quan trọng là do tâm lý các chủ hộ đã bán tống bán tháo, rồi lo lắng nên không dám đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Trên cơ sở đối chiếu về diễn biến tổng đàn trâu bò tại tỉnh Thái Nguyên qua các năm, nhiều người giật mình bởi sự sụt giảm quá nhanh của các số liệu thống kê. Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2020 của tỉnh đã chọn phương án giữ ổn định quy mô tổng đàn, nâng cao sản lượng và giá trị chăn nuôi trâu, bò.

Quy luật không thể khắc phục

Từ trước năm 2006, đàn trâu của Thái Nguyên có gần 150.000 con. Đến năm 2012, tổng đàn trâu chỉ còn 71.000 con. Tương tự, đàn bò từ trước năm 2006 có 54.000 con thì chỉ còn 30.000 con vào năm 2012. Đáng lưu ý là trong đợt rét đậm, rét hại 2010 - 2011, đàn trâu bị giảm tới 20.000 con, đàn bò bị giảm 12.000 con.


Chăm sóc trâu bị bệnh lở mồm long móng.

Như vậy là trong chưa đầy 10 năm thì tổng đàn trâu bò của tỉnh Thái Nguyên đã sụt giảm gần 50% số lượng. Không hề bất ngờ với những số liệu thống kê trên, ông Phạm Gia Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Thái Nguyên khẳng định, thực tế đó là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường và không thể khắc phục được.

Ông Huỳnh phân tích, nuôi trâu bò để tận dụng sức kéo đã không còn được đề cao do thực tế cơ khí hóa nông nghiệp diễn ra nhanh chóng. Hiện nay, trâu bò chủ yếu được chăn nuôi để lấy thịt. Trong khi đó, thịt trâu bò chỉ chiếm từ 5 - 9 % tổng nhu cầu sử dụng của một quốc gia. Mặt khác, để đáp ứng mục tiêu sản lượng thì giống trâu bò nuôi lấy thịt ngày càng được cải thiện về tầm vóc.

Chính quy luật kinh tế thị trường đó đã điều chỉnh quy mô tổng đàn theo chiều hướng sụt giảm một cách mạnh mẽ. Một số điều kiện khách quan khác cũng có tác động như quá trình đô thị hóa đã thu hẹp diện tích các đồng cỏ, các bãi chăn thả tự nhiên; diễn biến dịch bệnh cũng như thời tiết phức tạp làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của bà con.

Là huyện từng có những trang trại chăn nuôi trâu bò với quy mô lớn nhất của Thái Nguyên nhưng đến nay, huyện Định Hóa không còn một trang trại nào đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ NN-PTNT. Ông Phùng Đức Tuân, Phó phòng NN-PTNT huyện Định Hóa cho biết, đợt rét đậm rét hại 2010 - 2011 kèm theo dịch bệnh lở mồm long móng đã làm cho đàn trâu bò của địa phương giảm hơn 5.000 con, từ 13.700 con xuống còn 8.600 con.

Bà Lê Thị Thanh Tân, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, việc bình chọn, phân loại, cải tạo nâng cao tầm vóc, thể trạng đàn trâu bò đã được tỉnh thực hiện đạt kết quả tốt trong nhiều năm qua. Với nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích về giống, xây dựng đồng cỏ, hỗ trợ hạn chế chăn nuôi thả rông, xử lý môi trường… tiếp tục được thực hiện thì chắc chắn tỉnh Thái Nguyên sẽ xây dựng được một đàn trâu bò cho giá trị sản lượng cao trong thời gian tới.

Việc sụt giảm tổng đàn không chỉ đơn thuần là trâu bò bị chết do bệnh dịch, do đói rét mà nguyên nhân quan trọng là do tâm lý các chủ hộ đã bán tống bán tháo, rồi lo lắng nên không dám đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện đã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi và dùng ngân sách để hỗ trợ lãi suất tín dụng từ ngân hàng chính sách, khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng trang trại, gia trại.

Gắn với xây dựng NTM

Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 - 2020 đã xác định phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, SX hàng hóa gắn với xây dựng NTM. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng NTM, diện tích quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn Thái Nguyên có 2.600 ha.

Việc quy hoạch sẽ được tính toán lâu dài, ổn định đất đai để phục vụ chăn nuôi đến tận huyện, xã; chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả nhất là tại các vùng trung du, gò, đồi sang phát triển chăn nuôi trang trại.

Mục tiêu cụ thể của đề án chăn nuôi xác định tổng đàn trâu của Thái Nguyên sẽ là 68.000 con, đàn bò là 32.000 con vào năm 2015. Như vậy, tổng đàn gần như không thay đổi so với hiện nay. Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên khẳng định, tổng đàn có thể không tăng, thậm chí còn giảm song cốt lõi là hiệu quả SX, giá trị sản lượng, tỷ lệ cơ cấu trong nội ngành phải tăng.

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục việc bình tuyển, nâng cao tầm vóc của đàn trâu bò, lai cải tạo đàn giống tốt của địa phương với những giống cao sản, chất lượng tốt như trâu Murrah, Zebu hóa đàn bò. Song song với chương trình đó là các giải pháp về thú y, môi trường, quản lý Nhà nước cũng như giải pháp về thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất