Rào cản trong chăn nuôi lợn
Trong ba năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi lợn hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học”, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay: “Thành công của mô hình là gỡ được nút thắt trong chăn nuôi lợn để đi đến tăng trưởng hiệu quả, bền vững. Trên cơ sở thực tế, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con thực hiện ở các mô hình trang trại, gia trại”.
Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, nhưng hiện Quảng Bình đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, năm 2023 ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng phải đối mặt với nhiều biến động, khó khăn do dịch bệnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi ở các hộ nhỏ lẻ. Tổng đàn lợn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 255.000 con, đạt 94% so với kế hoạch.
Ngoài ra, theo ông Trần Công Tám còn thêm nguyên nhân như giá lợn giống, thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá lợn hơi liên tục sụt giảm đã khiến nhiều người chăn nuôi lợn bỏ chuồng hoặc nuôi cầm chừng chứ không dám mở rộng quy mô sản xuất.
“Đặc biệt, việc phát triển đàn lợn với quy mô dưới vài trăm con gần như đã bị đảo chiều. Có nhiều thôn, làng có hàng trăm hộ dân nhưng chỉ còn lại vài chục hộ nuôi lợn, phần lớn là bỏ chuồng. Việc này dẫn đến lãng phí về sản phẩm nông nghiệp và bà con mất thu nhập từ chăn nuôi”, ông Tám nhìn nhận.
Gia đình bà Lê Thị Hồng (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) đã thực hiện chăn nuôi lợn theo quy mô nhỏ lẻ từ nhiều năm qua. Mỗi năm, gia đình bà xuất chuồng hơn 30 con lợn thịt, thu nhập từ đàn lợn cũng khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do hai năm qua bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao nên gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn.
“Gia đình tôi hiện chỉ duy trì nuôi 2 lợn nái và 9 lợn thịt. Mặc dù đã đầu tư xây dựng 7 chuồng trại theo quy mô khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng không dám tái đàn vì sợ lỗ”, bà Hồng cho hay.
Hiệu quả mở ra triển vọng từ chăn nuôi lợn hữu cơ trên đệm lót
Từ năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình triển khai thực hiện đề án “Nuôi lợn hữu cơ áp dụng đệm lót sinh học” với khởi đầu là 3 mô hình nông hộ với tổng đàn từ 50-100 con/mô hình.
Bà Cao Thị Hải, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay, đây là các mô hình áp dụng chăn nuôi hữu cơ với nguồn thức ăn chính là các sản phẩm nông nghiệp như rau xanh, bột cám, ngô, các loại bã sắn, đậu… được ủ men theo quy trình và là thức ăn chính cho đàn lợn. Đối với đệm lót sinh học dùng các loại như trấu, mùn cưa phối trộn với tỷ lệ men vi sinh.
Chúng tôi đi thực tế nhiều mô hình nuôi lợn của đề án này và thấy rõ tính hiệu quả, thực tiễn khi áp dụng cũng như tính phổ thông cho các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại ở vùng nông thôn.
Đến gia đình chị Nguyễn Thị Anh (ở xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới), có nhiều năm nuôi lợn theo kiểu truyền thống. Chuồng được làm cách xa nhà ở để khỏi ảnh hưởng đến mọi người. Tuy nhiên, dù đã dội, xịt nước tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày nhưng chuồng lợn vẫn rất nặng mùi. Sau đó, chị được hỗ trợ làm mô hình nuôi lợn hữu cơ đệm lót sinh học.
Gia đình chị Anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi lợn và nuôi 100 con. Khi chúng tôi đến thăm đàn lợn, chị Anh đưa ra phía sau nhà, mọi người đi qua vùng đệm tiếp xúc có rải vôi bột để khử khuẩn rồi vào khu vực chăn nuôi. Đàn lợn đang nằm, nghe tiếng người chen nhau dậy, nghếch mõm kêu đòi ăn. Chị Anh mang ủng vào chuồng lợn dùng cào xới lớp đệm lót sinh học đều lên.
“Nuôi lợn theo cách này rất tốt và đảm bảo môi trường, giảm được cả chi phí mua thức ăn chăn nuôi. Lợn chóng lớn. Khi xuất chuồng thương lái tranh nhau đặt cọc tiền chứ không chê lên chê xuống như trước đây”, chị Anh cho hay.
Sau khi đã thành công với nhiều lứa lợn, hiện chị Anh đã tăng đàn lên nuôi mỗi lứa 200 con. Chị khẳng định, dù giá lợn lên xuống thế nào mỗi lứa người nuôi theo hữu cơ và lót đệm sinh học cũng có lãi trên 800 ngàn đồng mỗi con.
Cùng là hàng xóm nên khi thấy gia định chị Anh nuôi lợn hữu cơ, chị Nguyễn Thị Tú cùng học làm theo. Trước đó, gia đình chị Tú cũng nuôi mỗi lứa khoảng 100 lợn thịt nhưng hiệu quả không cao và ô nhiễm môi trường nặng với mùi hôi lúc nào cũng bao quanh nhà.
Sau lần nuôi thử nghiệm đầu tiên với 50 lợn, thấy có hiệu quả, chị Tú tăng đàn lên gấp đôi. Đến nay, chị Tú đã có 5 lứa lợn nuôi hữu cơ lót đệm lót sinh học, tổng đàn luôn duy trì khoảng 200 con.
Hỏi sao không tăng đàn lên, chị Tú cho hay: “Với số lượng như thế là vừa sức lao động của hai vợ chồng. Đồng thời, nguồn thức ăn tận dụng và sản phẩm nông nghiệp, cây chuối, rau khoai, rau môn… của gia đình tự trồng cũng vừa đủ. Như vậy hợp với từng hộ gia đình nuôi”.
Khi chúng tôi ghé lại thăm, gia đình chị Tú vừa bán lứa lợn cách đó vài ngày và đang cào hết hỗn hợp làm đệm lót đưa ra phía sân để ủ làm phân hữu cơ. Dù chuồng đã nuôi đến 5 lứa lợn, nhưng khi chúng tôi vào xem tận nơi cũng không ngửi thấy mùi hôi. “Chắc là sau lứa này, tôi nuôi thêm chục lợn nái nữa để chủ động nguồn lợn giống nhằm giảm thêm giá thành”, chị Tú bộc bạch.
Đối với gia đình anh Bùi Văn Truyền (thôn Lệ Kỳ 2, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh), cũng có sự thay đổi lớn. Vốn là người nuôi lợn thâm niên hàng chục năm và có trang trại lợn với với hàng chục lợn nái sinh sản, mỗi lứa nuôi gần ngàn lợn thịt nên khi nói nuôi lợn hữu cơ lót đệm sinh học anh Truyền cũng không mấy tin.
Phải sau khi đi tham quan một số mô hình về, anh Truyền cải tạo chuồng và đầu tư nuôi thử nghiệm lứa đầu với 200 lợn thịt. Sau bốn tháng nuôi, trung bình lợn của anh Truyền xuất chuồng đạt trọng lượng 110 kg/con.
“Thương lái đến mua hết sạch trong ngày đầu với giá cao hơn bình thường. Chốt lại, sau khi tính toán, mỗi con lợn cho lãi tiền triệu đó", anh tự tin Truyền khoe.
Lứa lợn tiếp theo, anh Tuyền tăng đàn lên 300 con. Có thương lái đánh tiếng đặt cọc trước cho anh lứa lợn 500 con, nhưng anh không nhận lời. Anh lý giải: “Không phải cứ thấy có lãi là ham. Mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cũng phải từ từ. Cứ mỗi năm, tôi cải tạo lại hệ thống chuồng để tăng thêm 100 con mà thôi. Vài năm nữa tổng đàn cũng lên cả ngàn con là bình thường”.
Với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học, thức ăn cho lợn chủ yếu là các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, được lên men bằng công nghệ vi sinh, không sử dụng các loại kháng sinh, chất độc hại nên an toàn, giá trị dinh dưỡng được nâng cao.
Chất thải được xử lý tốt, cung cấp một lượng lớn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, giảm thiểu khí độc nhờ sử dụng đệm lót sinh học, không phải dội chuồng trong suốt thời gian nuôi, không xả nước thải ra môi trường. Đặc biệt, sau khi thực hiện hiện quả mô hình, người chăn nuôi đã tiếp tục tái sản xuất theo quy trình và nhiều hộ chăn nuôi khác cũng học hỏi làm theo để phát triển chăn nuôi lợn nông hộ.
Theo bà Cao Thị Hải, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, sau 3 năm thực hiện hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho 20 hộ, trang trại tại 7 huyện, thành phố, thị xã nuôi lợn thương phẩm theo hướng hữu cơ, hiện tổng đàn lợn nuôi thoe hướng này của Quảng Bình đạt 1.200 con. Lợi nhuận bình quân thu của các cơ sở cao hơn cách nuôi trước đây khoảng 450 nghìn - 1,3 triệu đồng/con (tính theo giá thị trường tại cùng thời điểm).