| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển cây dược liệu

Thứ Hai 05/11/2018 , 14:05 (GMT+7)

Là tỉnh miền núi, Thái Nguyên có các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây dược liệu.

Một số khu vực có hình thái tiểu khí hậu như sườn dãy núi Tam Đảo, núi Hồng (huyện Đại Từ); khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa, Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai); ATK Định Hóa (huyện Định Hóa)... là điều kiện lý tưởng cho việc SX một số loại dược liệu riêng có ở địa phương.

10-03-51_1
Cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển tại Thái Nguyên

Ông Nguyễn Vy Hồng (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên) cho biết, qua điều tra, khảo sát, trên địa bàn Thái Nguyên có nguồn dược liệu khá phong phú và đa dạng. Có nhiều loài dược liệu quý hiếm được tìm thấy tại các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Trong khi đó, thực tế sử dụng thuốc y học cổ truyền của các đơn vị y tế tổng hợp, có tới hơn 240 vị thuốc với trên 300 tấn được sử dụng hàng năm.

Các loài cây dược liệu tại Thái Nguyên đã tồn tại từ lâu và phân bố rộng rãi trên các diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên, trải qua quá trình canh tác sản xuất, cùng với việc một số diện tích bị thu hẹp, chuyển đổi đất lâm nghiệp nên nhiều loài dược liệu bị khai thác cạn kiệt.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, gây trồng và các chính sách cho phát triển còn hạn chế. Con số diện tích của Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên tổng hợp, chỉ có 16ha cây dược liệu được trồng. Ông Lê Thanh Sơn (Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ) cho biết, toàn huyện chỉ có 30ha cây dược liệu. Đáng chú ý, trong số đó có tới 20ha là mô hình trồng nghệ lấy bột do HTX Nông nghiệp Trung Na đầu tư sản xuất.

Ông Phạm Việt Tiến (Phó chủ tịch UBND huyện Võ Nhai) cho biết, Võ Nhai cũng có thế mạnh trồng cây dược liệu nhưng con số thống kê cả huyện chỉ có 60 ha, chủ yếu là quế (35 ha), ba kích (8 ha), đinh lăng (7,5 ha) và một số cây dược liệu được trồng phân tán trong vườn nhà như hà thủ ô, sâm cát, đàn hương...

Địa phương có diện tích cây dược liệu lớn nhất của Thái Nguyên là huyện Định Hóa. Từ việc phát triển cây quế của doanh nghiệp, năm 2015, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí để phát triển cây quế với mục tiêu mỗi năm trồng 500 ha quế trở lên. Đến nay, toàn huyện có 1860 ha quế được trồng với 2.722 hộ gia đình thực hiện.

Ông Phạm Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, chiến lược phát triển cây quế được thực hiện theo mô hình liên kết 4 nhà với chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm tăng thu nhập cho người dân. Mô hình đã khẳng định được tính hiệu quả, ổn định, cây quế được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Để tiếp tục mở rộng quy mô, huyện đề nghị Sở NN-PTNT bổ sung Đề án phát triển cây quế vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để xây dựng kế hoạch triển khai trong những năm tiếp theo.

Ông Đoàn Văn Tuấn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên) cho biết, thực tế, Thái Nguyên chưa có quy hoạch cho việc phát triển cây dược liệu. Trong khi đó, kinh phí đầu tư thực hiện trồng cây lớn, nhân dân chưa mạnh dạn đầu tư do thị trường không ổn định. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị khảo sát, điều tra để xác định các tiểu vùng, xác định địa điểm trồng với từng loại cây dược liệu...

PGS.TS Trần Thị Thu Hà (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp, ĐH Nông lâm Thái Nguyên) chia sẻ: Viện có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và cung cấp các dịch dịch vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng như dược liệu nói riêng. Viện đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ về nghiên cứu, phát triển dược liệu cho nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước. Từ đó, tiến tới hợp tác, Viện sẽ hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên nhiệm vụ quy hoạch, bảo tồn cây dược liệu; tư vấn, phối hợp xây dựng quy chế cho việc phát triển một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; xây dựng hệ thống nguồn giống cây dược liệu, cung ứng giống cây dược liệu phục vụ cho các chương trình, dự án...

"Tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất tại địa phương để có quỹ đất phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cây dược liệu từ trồng, chế biến đến quảng bá và tiêu thụ", ông Đoàn Văn Tuấn cho hay.

 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.