| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Sai phạm hàng loạt, xử phạt, rồi cấp phép

Thứ Ba 20/08/2019 , 08:43 (GMT+7)

Trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên xuất hiện hàng loạt dự án, công trình “khủng” sai phạm nghiêm trọng, và chỉ bị xử lý khi có phản ánh từ báo chí và người dân. Vậy trách nhiệm quản lý của Sở Xây dựng ở đâu khi để xảy ra tình trạng này?

Dự án khu chung cư TECCO Complex, do Tổng Cty đầu tư TECCO chi nhánh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Có vị trí mằm sát mặt đường Quang Trung, phường Thịnh Đán với quy mô tổng thể gồm 6 tòa nhà cao 32 tầng nổi và 3 tầng hầm. Được khởi công xây dựng từ 23/7/2017 nhưng đến tháng 5/2018 thì dự án ngàn tỷ này bị phanh phui việc vẫn chưa có giấy phép xây dựng, chưa có hồ sơ giao đất ngoài thực địa, thậm chí còn chưa được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư… đều là những sai phạm nghiêm trọng.

15-09-58_khoi_cong_tecco_dn
Khu chung cư cao cấp TECCO COMPLEX xây dựng được 1 năm mới bị phát hiện không phép.

Một dự án nhà ở tai tiếng khác là công trình xây dựng chung cư Green Pearl (tên đầy đủ là Công trình xây dựng nhà ở xã hội - Khu chung cư Đại Nam) tại tổ 27, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên do Cty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ năm 2016 trên tổng diện tích đất là 1.406m2.

Sau hai năm triển khai xây dựng, đơn vị này đã cho thi công được 1 tầng hầm, 7 tầng nổi và đang chuẩn bị hoàn tất tầng thứ 8 thì mới bị phát hiện sai phạm, chưa hoàn thiện thủ tục. Dự án bị phản ánh liên tục về sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng mới đến kiểm tra công khai, và chủ đầu tư không xuất trình được hồ sơ cấp phép xây dựng liên quan.

Sai phạm nghiêm trọng nhất, đó là Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu đầu tư theo hình thức BT, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. 

Ngày 25/12/2016, chủ đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 và UBND tỉnh Thái Nguyên tiến hành khởi công 2/9 dự án, sau gần 3 năm vẫn còn dang dở mất mỹ quan, gây lãng phí. Được biết, các dự án hiện đang chậm so với tiến độ khoảng 1 năm.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã bỏ ra 110 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án khoảng 200 tỷ đồng. Ngày 11/11/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 9 dự án thành phần (ĐTM chưa được phê duyệt, chưa ký hợp đồng BT).

Không lâu sau, UBND tỉnh Thái Nguyên phải điều chỉnh tổng thể các dự án cho phù hợp với quy hoạch. Trong đó, có quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016 (Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký).

15-09-58_du_n_10000_ty_song_cu
Sắt thép hoen rỉ ở dự án 10.000 tỷ “Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ, lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu”.

Năm ngày sau, ngày 25/12/2016, tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư đã khởi công 2/9 dự án khi chưa điều chỉnh xong quy hoạch tổng thể các dự án, trong đó có điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa ký hợp đồng BT, chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh), chưa được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án, và chưa có quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh.

Ngoài ra có thể kể đến hàng loạt dự án lớn khác như: Tổ hợp nhà máy Glonic (chưa đủ thủ tục pháp lý dù đã hoạt động hàng chục năm); Xây dựng trang trại nuôi bò sữa chuyển thành Khu du lịch sinh thái (cơ bản gần xong mới bị xử lý, hiện giờ cũng đang hoàn thiện giấy phép); Tổ hợp công trình Pomihoa (chuyển đổi sang bệnh viện, dù chưa được phê duyệt ĐTM và chưa xin phép, nhưng đã xây dựng thêm 3 toà nhà); Khách sạn 7 tầng và bến thuyền Thiên Nga - Khu du lịch Hồ Núi Cốc (làm gần xong mới cấp phép).

Danh sách các dự án nêu trên là những công trình nổi bật đang được dư luận ở Thái Nguyên quan tâm hiện nay. Có một điểm chung là, tất cả những sai phạm nêu trên đều chỉ bị xử lý khi có dư luận và báo chí phản ánh. Rồi sau đó, Sở Xây dựng kiểm tra, xử phạt và rồi chính đơn vị này chủ trì làm việc với doanh nghiệp hướng dẫn đơn vị vi phạm hợp lý hoá hồ sơ cho công trình.

Việc làm dễ dãi cấp phép cho công trình sai phạm của Sở Xây dựng Thái Nguyên mà không quan tâm tới hậu quả, hay phá vỡ quy hoạch chung.

Ví dụ cụ thể như công trình Pomihoa chỉ cấp phép 1 toà nhà thương mại, nay tự ý xây thêm 3 toà bên cạnh và chuyển đổi công năng sang làm bệnh viện là không phù hợp quy hoạch ban đầu. Không đảm bảo môi trường do chất thải y tế khi đi vào hoạt động; Cty TNHH Thái Việt thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng nông trại chăn nuôi bò sữa, tại xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên, với diện tích 133.265m2 đất, thời hạn thuê đất là 50 năm nhưng lại chuyển sang làm khu du lịch sinh thái, làm phá vỡ quy hoạch sản xuất đất nông nghiệp, môi trường và dòng chảy thoát lũ (nằm bên hành lang thoát lũ sông Cầu).

15-09-58_pomiho_1
Toà nhà Pomihoa nằm ngay trục đường Phan Đình Phùng.

Nhiều người cho rằng chính sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bật đèn xanh của ngành chức năng mới dẫn đến tình trạng này. Vì hầu hết các công trình này đều nằm trên những đường lớn, ở ngay địa bàn TP. Thái Nguyên và được xây dựng quy mô lớn có diện tích mặt bằng từ vài ngàn mét vuông, cho tới vài héc-ta nên không thể nói là không biết việc vi phạm xảy ra. Mà nhất lại là những vấn đề liên quan tới chuyên môn, chức trách, nhiệm vụ.

Vậy trách nhiệm quản lý Nhà nước, giám sát của Sở Xây dựng ở đâu khi để xảy ra hàng loạt dự án, công trình sai phạm nghiêm trọng như vậy? Vì sao ngay từ ban đầu không tạo điều kiện và hỗ trợ thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp để đúng luật, đúng quy hoạch mà phải để kiểu sự việc đã rồi, xong xử phạt kiểu "nhẹ như lông hồng" và cấp phép.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.