| Hotline: 0983.970.780

ThaiGroup nổ mìn khai thác đá, hàng chục hộ dân bất an

Thứ Sáu 12/04/2024 , 07:30 (GMT+7)

Chứng kiến rung chấn sau nổ mìn, đá lăn xuống đè sập nhà, hàng chục hộ dân sống ngay dưới chân núi không khỏi lo lắng cho tính mạng và tài sản.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở thôn Thạnh Mỹ 2 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) đang vô cùng lo lắng trước tình trạng Công ty CP Tập đoàn ThaiGroup (ThaiGroup) nổ mìn khai thác đá để phục vụ Nhà máy xi măng Xuân Thành ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.

Khu vực khai thác đá nằm ngay sát phía sau khu dân cư ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam). Ảnh: L.K.

Khu vực khai thác đá nằm ngay sát phía sau khu dân cư ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam). Ảnh: L.K.

Vấn đề này cách đây vài năm đã từng gây bức xúc khi mỗi lần công ty thực hiện nổ mìn đã gây rung chuyển nền đất, vật dụng trong nhà, rạn nứt các công trình xây dựng; một số trường hợp đất đá trên đỉnh đồi văng xuống làm hư hại cây cối, vườn tược của người dân trong thôn. Do địa điểm khai thác đá ngay phía sau ngọn đồi, cách khu dân cư chỉ vài trăm mét nên mỗi lần như thế, nhiều người không dám ở trong nhà vì lo sợ cho tính mạng.

Qua 1 thời gian, người dân thôn Thạnh Mỹ 2 đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi đến chính quyền địa phương đề nghị được giải quyết. Sau đó, huyện Nam Giang và doanh nghiệp đã xây dựng các đường rãnh, bờ kè cắt ngang sườn núi để chặn đá lăn xuống. Thế nhưng, mới đây, ThaiGroup nổ mìn đã khiến một tảng đá lớn dài khoảng 2,5m, rộng 2m, cao 1m, ước chừng nặng khoảng 3 - 4 tấn lăn xuống, đè sập nhà một hộ dân. Rất may thời điểm này không có người ở trong nhà.

Bà Nguyễn Thị Tâm (trú tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ) nhớ lại: “Hôm đó tôi đang ở nhà, nghe tiếng nổ mìn lớn hơn bình thường. Sau khi nổ mìn, tôi nghe có tiếng động lớn từ trên núi rồi hốt hoảng khi nhìn thấy một tảng đá to đang lăn xuống, khói bụi mù mịt. Sau khi lăn xuống, tảng đá đó đè vào nhà anh Sơn, ngay phía sau nhà tôi, quá nguy hiểm. Bây giờ lo nhất là đến mùa mưa, nước từ phía trên đỉnh núi chảy mạnh xuống thì đất đá sạt xuống lúc nào chẳng hay, cả gia đình không dám ở nhà”.

Không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà hoạt động nổ mìn khai thác đá của ThaiGroup cũng khiến cho một số hộ gia đình không dám đầu tư phát triển kinh tế ngay trên đất đai của mình. Theo ông Trần Tuấn (trú tổ 4, thị trấn Thạnh Mỹ), gia đình ông có mảnh vườn phía dưới chân núi, cạnh mỏ khai thác đá. Thế nhưng, mấy năm nay, ông không dám xây dựng trang trại vì lo sợ đá lăn xuống đe dọa tính mạng người lao động cũng như hư hại tài sản.

Tảng đá lớn lăn xuống đề sập một phần nhà dân sau khi doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá. Ảnh: L.K.

Tảng đá lớn lăn xuống đề sập một phần nhà dân sau khi doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá. Ảnh: L.K.

“Đất của mình mà đầu tư không được, bán cũng không ai mua. Việc doanh nghiệp hoạt động và đóng thuế cho nhà nước thì chúng tôi cũng ủng hộ. Nhưng quan trọng là phải ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Sống ở đây quá bất an. Rất mong chính quyền, cơ quan chức năng sớm có phương án để giải quyết tình trạng này để người dân an tâm sinh sống, làm ăn”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Giang cho biết, sau khi xảy ra vụ đá lăn, đơn vị cùng các ngành chức năng của huyện đã đến kiểm tra hiện trường. Phía doanh nghiệp cũng đã cử công nhân đến sửa nhà, lợp lại mái ngói và hỗ trợ, đền bù cho hộ dân bị thiệt hại.

Cũng theo ông Bình, trước đây doanh nghiệp có mời địa phương đo rung chấn nổ mìn, kết quả đảm bảo trong mức độ cho phép. Tuy nhiên, người dân lại phản ánh khi đo thì nhà máy nổ mìn lưu lượng thấp, khi không đo thì họ lại nổ lưu lượng lớn hơn. Do đó, địa phương đề nghị Sở Công thương tỉnh giám sát việc này.

“Trước đây, đá lăn xuống rẫy của người dân, địa phương đề nghị thì doanh nghiệp đầu tư các đường rãnh cắt ngang sườn núi chắn đá. Nhưng đến nay đá lăn xa hơn, tới nhà dân, địa phương không chấp nhận bởi quá nguy hiểm. “Làm gì thì làm, phải hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Việc hoạt động mà làm ảnh hưởng đến người dân thì không được”, ông Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho hay sau sự cố nổ mìn khiến đá lớn lăn xuống đè sập nhà dân, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh cử các sở, ngành lên kiểm tra vụ việc, trong đó có nội dung yêu cầu doanh nghiệp dừng việc nổ mìn.

“Về lâu dài, để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân, huyện sẽ kiến nghị tỉnh có phương pháp đo độ rung chấn trong quá trình nổ mìn của doanh nghiệp khiến đất đá rung, lắc như thế nào. Cụ thể đo xem độ rung chấn bao nhiêu sẽ không ảnh hưởng đến người dân sống dưới chân đồi. Từ đó có hướng cấp phép lượng mìn trong quá trình hoạt động. Vì việc cấp phép cho doanh nghiệp nổ mìn khai thác là từ Bộ Tài nguyên và Môi trường nên huyện không có thẩm quyền và chỉ kiến nghị”, ông Chương nói.

Tháng 3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định cho phép Công ty CP Tập đoàn ThaiGroup khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) với diện tích 31ha, trữ lượng khai thác hơn 44 triệu tấn, công suất hơn 1,5 triệu tấn/năm, thời hạn 29 năm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.