Năm 2018, mô hình được Trung tâm Khuyến nông triển khai thành công tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Can Lộc với quy mô 30 ha, 17 hộ tham gia; trong đó, tại xã Sơn Thọ - Vũ Quang có 10 ha, 5 hộ tham gia; xã Sơn Mai - Hương Khê có 10 ha, 3 hộ tham gia; xã Đồng Lộc - Can Lộc có 10 ha, 9 hộ tham gia.
Các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật sản xuất cam; được hướng dẫn làm theo VietGAP, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ NN-PTNT. Các hộ đã nắm được quy trình VietGAP cơ bản và ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất an toàn, sử dụng chủ yếu thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Trước khi nghe cán bộ kỹ thuật báo cáo kết quả thực hiện mô hình, đoàn được đi tham quan thực tế. Các vườn cam được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, các hệ thống tưới tiêu, phun thuốc, bón phân… được đồng bộ hóa và đặt đúng nơi quy định. Sau 1 năm thực hiện mô hình VietGAP, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất bình quân mô hình đạt trung bình 22,01 tấn/ha tại Đồng Lộc; 21,83 tấn/ha tại Sơn Mai; 15,58 tấn tại Sơn Thọ.
Kết thúc buổi hội thảo, đại diện tổ chức NHO - Tổ chức chứng nhận VietGAP- đã trao chứng nhận VietGAP cho các chủ vườn cam đạt tiêu chuẩn.