| Hotline: 0983.970.780

Thảm cảnh làng dệt 500 tuổi

Thứ Năm 13/10/2011 , 10:32 (GMT+7)

Rời Quế Minh (huyện Quế Sơn), cái nghèo vẫn còn ảm ảnh thì lại hay tin hàng ngàn hộ dân ở làng dệt nức tiếng Duy Xuyên phải cứu đói khiến chúng tôi thực sự xót xa.

Rời Quế Minh (huyện Quế Sơn), cái nghèo vẫn còn ảm ảnh thì lại hay tin hàng ngàn hộ dân ở làng dệt nức tiếng Duy Xuyên phải cứu đói khiến chúng tôi thực sự xót xa.

>> Có một Quảng Nam nghèo

Cả làng phải cứu đói

Làng dệt Duy Xuyên đâu phải non trẻ gì, đã có hơn 500 năm tuổi. Nghề dệt từng là “đầu cơ nghiệp” của hàng ngàn hộ dân Duy Xuyên, từng là niềm tự hào của người dân Quảng Nam. Căn cớ gì bây giờ lâm thảm cảnh cùng cực này?

Thực trạng ở thôn Châu Hiệp thuộc thị trấn Nam Phước đã cho tôi câu trả lời. Châu Hiệp có 726 hộ dân thì dệt là nghề cha truyền con nối của 450 hộ. Những ai đã làm nghề dệt ở đây hầu hết đều không có đất sản xuất, cuộc sống của họ gắn liền với khung cửi, sợi tơ. Cơm, áo, gạo, tiền đều trông vào những thước vải dệt ra hàng ngày. Người có vốn thì mua tơ về dệt ra vải rồi cung ứng cho các đại lý. Người không có vốn thì nhận tơ từ các đại lý về dệt lấy công. Nhà nào có khung dệt là sẽ có của ăn, của để. Nhà càng nhiều khung dệt thì càng có cơ hội làm giàu. Bởi khi ấy mặt hàng vải tổng hợp được thị trường "ăn" mạnh, sản xuất không kịp cung ứng. Thế nhưng chuyện ấy đã là... chuyện ngày xưa.

Anh Đức bên những khung cửi đã “chết”

Cùng tôi dạo quanh làng dệt Châu Hiệp, ông Nguyễn Viết Đông, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Duy Duyên nhớ lại: “Nghề dệt ở Duy Xuyên trải qua nhiều thăng trầm, chết đi sống lại nhiều lần, đến năm 2000 nghề dệt mới thực sự hồi sinh. Thế nhưng thời gian hưng thịnh chỉ kéo dài vài ba năm, sau đó suy yếu dần, đến năm 2011 thì “chết” hẳn”.

Một người đàn ông trung niên quần áo bám đầy mạt cưa đang đi trên đường, nghe chúng tôi bàn tán về nghề dệt bỗng đứng lại góp chuyện: “Trước đây, các ông vừa bước vào làng Châu Hiệp đã nghe các khung cửi rì rầm vang vang từ đầu làng đến cuối làng, cả ngày lẫn đêm. Bây giờ thì lặng như tờ. Hàng ngàn khung cửi của bà con đang được “đắp chiếu”. Nghề dệt của tụi tui chết rồi mấy ông à”.

Nói xong, không cần biết chúng tôi tiếp nhận câu chuyện thế nào, người ông kia liền tất tả rảo bước về phía cuối làng. “Đó là ông Võ Qúy, ở tổ 7 thôn này. Trước đây gia đình ông ta làm ăn rất khấm khá nhờ vào 5 khung dệt. Bây giờ thất nghiệp, tướng ốm o vậy mà phải đi làm thợ mộc dạo kiếm tiền mua gạo nuôi mấy đứa con ăn học”, một người làng giới thiệu về nhân vật vừa rồi với chúng tôi.

Thôn trưởng Châu Hiệp Lương Văn Minh tiếp chuyện: “Đầu những năm 2000, nghề dệt trong thôn mỗi năm sản xuất được 10 triệu mét vải tổng hợp các loại. Năm nay, đến giờ này mới chỉ sản xuất được khoảng 3 triệu mét, một triệu mét còn nằm kho, 2 triệu mét đã được bán nhưng không thu được tiền”.

"Châu Hiệp có 726 hộ dân thì hiện có đến 597 hộ với 3.826 nhân khẩu vừa được nhận gạo cứu trợ. Giá như họ có một vài sào ruộng thì bây giờ không đến nỗi phải sống nhờ vào hạt gạo cứu đói”, thôn trưởng Lương Văn Minh chua xót cho biết. “Vì sao những hộ làm nghề dệt không có đất sản xuất?”, tôi hỏi. “Vì đất ruộng ở địa phương ít quá nên lúc ấy không chia cho những hộ có nghề dệt. Khi đó họ cũng không ý kiến gì vì cả ngày đêm bám khung dệt, không có thời gian nghĩ đến chuyện ruộng nương. Bây giờ rời nghề không có lấy hạt lúa mà ăn".

Có nhìn thấy những khung dệt “vang bóng một thời” giờ đang nằm im lìm mặc cho lũ nhện giăng tơ mới cảm nhận hết nỗi đau của người dân làng nghề. Các khung cửi im hơi lặng tiếng đồng nghĩa với dân làm nghề dệt không còn nguồn thu nhập.

Mấy năm liền phải trốn đám cưới

Hộ anh Trần Đức là một trường hợp phải cứu đói. Khi chúng tôi ghé nhà, gia đình gồm 4 người nhà anh Đức đang quây quần bên mâm cơm dưới mức đạm bạc. Một chén (bát) mắm và một tô canh toàn rau với nước. Mới chỉ 47 tuổi mà trông anh Đức như một ông cụ ốm o, lụ khụ. Vợ chồng anh Đức có 2 đứa con nhưng không được cấp sào ruộng nào, trước nay sống nhờ vào thu nhập từ 4 khung dệt. Từ năm 2011 trở về trước, mặc dù nghề dệt không còn hưng thịnh nhưng gia đình anh vẫn còn sống tạm nhờ nhận dệt gia công cho các đại lý. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, món thu nhập ít ỏi cũng giảm dần vì đại lý ngừng giao tơ.  

Gia đình anh Đức bên mâm cơm không để “đạm bạc” hơn

"Suốt 9 tháng qua, bình quân mỗi tháng vợ chồng tui chỉ được đại lý giao cho một trục tơ, dệt ra được 2.500m vải ka - tê. Mỗi mét vải được trả công 650đ, vị chi mỗi tháng vợ chồng tui thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Sau khi trả chi phí tiền điện (500.000đ/tháng), trong 30 ngày, 4 nhân khẩu trong gia đình tui phải sống chiu chắt trong một triệu đồng với cảnh gạo chợ nước sông”, anh Đức buồn bã cho biết. Có lẽ đây là lần đầu tiên đứa con trai học lớp 10 của anh Đức nghe ba mình “công khai tài chính” nên gương mặt thông minh của cháu bỗng đượm buồn, đôi đũa dường như hết muốn và cơm.

Để kiếm thêm tiền mua gạo nuôi con ăn học, những hôm nhận được tơ của đại lý, sau khi giúp chồng khởi động 4 khung dệt, vợ anh Đức đi mắc cửi thuê cho các khung dệt khác trong làng để kiếm thêm 20.000đ/ngày. Vợ anh Đức nói như khóc: “Ông nhà tui đang mang trong mình đủ thứ bệnh nhưng phải cáng đáng cả 4 khung dệt. Tui phải làm để kiếm thêm tiền chứ bấy nhiêu thu nhập làm sao đủ cho mọi khoản chi phí. Vừa rồi, mới vô năm học mới tui phải nộp cho thằng vào lớp 10 số tiền ứng trước là 500.000đ. Tội nghiệp nó, từ nhỏ đến lớn nó chỉ biết học sách mượn, quần áo ai cho gì mặc nấy. Từ lớp 1 đến lớp 10 mà vợ chồng tui mới chỉ may được cho nó có 2 bộ đồ mới. Vậy mà năm nào nó cũng đạt học sinh giỏi”.

"Nói xấu hổ, mấy năm nay vợ chồng tui trốn hết những cái đám cưới của bà con trong làng. Biết làm như thế là không phải nhưng trong nhà không bao giờ có đến 100.000đ thì biết phải làm sao?”, anh Đức trút lòng.

Lúc tìm ra nhà anh Võ Qúy, nhân vật góp chuyện với chúng tôi với bộ quần áo bám đầy mạt cưa khi nãy là đã quá 12 giờ trưa. Anh Qúy đang bắc thang lên sửa lại mấy miếng ngói trên mái nhà. “Lâu quá không sửa sang, ngói mục hết trơn, trời mưa nặng hạt là ở trong nhà chẳng khác gì đang ở ngoài trời, phải đội nón”, anh Qúy đứng trên thang vừa ngửa cổ sửa ngói, vừa chào khách bằng một lời than. Nhìn mâm cơm còn để nguyên trên bàn, biết gia đình anh Qúy chưa ăn cơm, tôi thấy áy náy vì sự ghé thăm đường đột này. “Anh về nhà khi nãy mà đến giờ vẫn chưa ăn cơm à”, tôi bắt chuyện. “Những ngày không được đại lý giao tơ, bà vợ tui phải đi mắc cửi thuê kiếm ngày vài chục. Nhiều hôm làm đến 11 giờ đêm mới về. Ngồi vào mâm cơm 1 mình nuốt cũng không nổi. Với lại đã quá bữa, cái miệng đắng nghét cũng không còn muốn ăn”, anh Qúy trả lời.

Khi chỉ còn mặc chiếc quần cộc, trông anh Qúy gầy gò, hốc hác chẳng kém anh Đức. “Hồi trẻ tui có nghề thợ mộc, từ ngày bước vào làm dệt là quên luôn cái đục, cái bào. Mấy tháng nay thất nghiệp dài dài, tui mày mò làm lại nghề cũ kiếm tiền mua gạo. Mắt mũi bây giờ đã kém, tay nghề cũng không còn tinh nên khách hàng chỉ gọi sửa đồ cũ. Hôm nào có đồ làm, kiếm được dăm ba chục ngàn là cả nhà vui như Tết”.

Trước khi chia tay, ông thôn trưởng thôn Châu Hiệp Lương Văn Minh với giọng buồn buồn: "Khi nghề dệt bế tắc, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn tăng cái vụt. Hiện trong 726 hộ dân đã có đến 137 hộ nghèo và 120 hộ cận nghèo”. Trên đường về, tôi ghé vào HTX Làng nghề tơ lụa Mã Châu. Ông Trần Hữu Phương, Chủ nhiệm HTX, giải thích nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của nghề dệt: “Có một thời làng dệt Duy Xuyên bỏ hẳn nghề truyền thống là ươm tơ dệt lụa để ào ạt phát triển theo hướng công nghiệp, cải tiến khung dệt gỗ qua khung dệt máy để chạy theo những mặt hàng vải tổng hợp đang được thị trường ăn mạnh. Thế nhưng sự phát triển này chỉ tới đó là hết. Sau khi hội nhập, những máy dệt từng được cho là hiện đại kia làm ra sản phẩm không đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường, không đủ tiêu chuẩn cạnh tranh nên lập tức lâm vào bế tắc”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…