Trong suốt quá trình làm sưu tầm và biên soạn các sưu tập tác phẩm từng đăng báo của Phan Khôi, tôi (L.N.Â.) không hề có ý định trích tuyển công trình dịch thuật Kinh Thánh đưa vào một sưu tập các dịch phẩm của Phan Khôi.
Lý do đơn giản là: Phan Khôi cũng như những người tham gia nhóm dịch của hội Tin Lành Hà Nội 1920-1925 có tác quyền chung đối với toàn bộ những phần họ đã cùng nhau dịch thuật (toàn bộ Tân ước và 1/3 Cựu ước) nhưng không ai trong số họ có tác quyền riêng đối với bất cứ chương đoạn nào trong đó. Đây là điều chính Phan Khôi đã khẳng định trong không chỉ một bài viết đã công bố.
Năm 1930 ở Sài Gòn, nhân nhận được Thánh kinh báo số 1 do chủ nhiệm báo ấy là mục sư W. Cadman từ Hà Nội gửi tặng, Phan Khôi, trong lời giới thiệu và phê bình báo ấy với độc giả tờ Phụ nữ tân văn, chỉ có một câu ngắn về việc cũ: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà Mục sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh Thánh với ông trong 5 năm (1920-1925), biết ông là người yêu lẽ thật, nên thấy trái thì nói, tôi chẳng lấy làm ngại chút nào”.(1) Tuy ghi là 5 năm (1920-1925) song để chính xác thì phải tính từ 1921, vì suốt tám tháng trước ngày 31.12.1920, Phan Khôi còn làm việc cho hãng Bạch Thái ở Hải Phòng.
Năm 1935-1936, khi làm chủ bút Tràng An ở Huế, Phan Khôi có lúc đã kể (có lẽ là kể miệng) ít nhiều về quãng đời tự học và làm nghề của mình, nữ ký giả Phan Thị Nga dùng tài liệu đó viết loạt bài về lối tự học của các bậc đàn anh, trong đó có đoạn về việc Phan Khôi dịch Kinh Thánh: “… ông lại ra Bắc làm cho hội Tin Lành. Ông chuyên dịch Kinh Thánh chữ Nho ra Quốc ngữ. Cứ theo nguyên văn bên chữ Hán mà dịch, người mình xem kinh không thể hiểu được, vì lối chấm câu của chữ Hán không minh, ông sóng Kinh Thánh Tây với Kinh Thánh Tàu rồi dịch, chấm câu rất rành mạch”.(2)
Năm 1931, nhân góp ý kiến với những người đang quan tâm đến việc dịch các bộ kinh của Phật giáo ra tiếng Việt, Phan Khôi nói rõ hơn về việc ông tham gia dịch Kinh Thánh đạo Thiên Chúa: “Tôi đã từng dịch kinh điển đạo Cơ Đốc từ tiếng Pháp và tiếng Tàu ra tiếng Việt Nam. Hồi đó tôi làm việc ấy dưới quyền hai ông bà Mục sư W. Cadman. Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, vì bà biết đến 13 thứ tiếng, để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành”.(3)
Người ta biết, đạo Thiên Chúa (Christianisme, Christianity), còn gọi là Ki-tô giáo hoặc gọi theo âm chữ Hán là 基 督 教 Cơ Đốc giáo, gồm ba nhánh lớn là Công giáo, Chính thống giáo, và Kháng cách tức Tin Lành. Đạo Thiên Chúa được truyền vào Việt Nam khoảng từ thế kỷ XVI, chủ yếu là nhánh Công giáo (chữ Anh: Catholic Church; chữ Pháp: Église catholique), cũng tức là Giáo hội Công giáo Roma (Roman Catholic Church). Dịch thuật và phổ biến Kinh Thánh là việc được coi trọng trong truyền đạo; đã có nhiều nỗ lực phiên giải các phần của Kinh Thánh ra tiếng Việt, trong đó sớm nhất về phía người Việt có lẽ là Lữ Y Đoan (Louis Đoan, 1613-1678), với “Sấm truyền ca”, nỗ lực diễn Nôm một số phần Kinh Thánh Cựu Ước.(4)
Đạo Thiên Chúa ở nhánh Tin Lành mới chỉ xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ XVI sau việc Martin Luther (1483-1546) và Jean Calvin (1509-1564) đề xuất những cải cách bên trong giáo hội; những giáo hội mới được thành lập tách khỏi Giáo hội Công giáo Roma, được gọi chung là Kháng cách (Protestentismus) hoặc Tân giáo (để phân biệt với cựu giáo tức Công giáo) hoặc Tin lành (Evangelicalism).
Phong trào cải cách của Tin Lành châu Âu có thể đã ít nhiều được thông tin đến giáo dân, giáo chức ở Việt Nam, qua các mục sư tuyên úy hoặc tín đồ là thương nhân Anh, Pháp, Hà Lan ghé qua xứ này ngay đầu thế kỷ XVII. Đến cuối thế kỷ XIX, Giáo hội Tin Lành cải cách Pháp đã tăng cường truyền giáo ở các xứ thuộc địa, trong đó có Việt Nam, song nhìn chung ở đây Tin Lành Pháp đã thất bại, không để lại vết tích gì; một trong những nguyên nhân có thể là sự cạnh tranh ráo riết của Công giáo vốn đã có chỗ đứng ở đây từ vài thế kỷ trước. Trong khi đó, cũng từ cuối thế kỷ XIX, dòng truyền giáo của các giáo sĩ Mỹ, chủ yếu thuộc Hội truyền giáo phúc âm liên hiệp (Christian and Missionary Aliance, C&MA) được tiến hành tại Việt Nam, dần dần tạo được chỗ đứng vững chắc.(5)
Năm 1911 thường được kể là năm đánh dấu Kháng cách đến Việt Nam. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cho đến nay vẫn là giáo hội Kháng cách lâu đời nhất và có số tín hữu đông nhất tại Việt Nam. Năm 1916, những người chủ trì Hội Thánh Tin Lành đã khởi sự dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh ra chữ Quốc ngữ. Mục sư William Charles Cadman (1883-1948) và vợ là nhà truyền giáo Grace Hazenberg Cadman (1876-1946) bắt đầu công việc dịch thuật từ 1914; với sự trợ giúp của một học giả người Việt tên Nho, họ đã kịp hoàn thành bốn sách Phúc âm (Mathew, Mark, Luk, John), cũng như sách Công vụ các Sứ đồ, và Thư Roma trước khi Toàn quyền Đông Dương ra lệnh đóng cửa các cơ sở truyền giáo và trục xuất 5 nhà truyền giáo vào cuối năm 1915. Đến năm 1918, bản Quốc ngữ của các sách này được ấn hành tại Thượng Hải (Trung Quốc), trong khi bản chữ Nôm được ấn hành ở Hà Nội. Từ đầu 1921 đến cuối 1922, John Drange Olsen (1893-1954, Đốc học trường Kinh Thánh Tourane) đảm trách việc dịch thuật những sách còn lại của Tân Ước, với sự cộng tác của dịch giả Trần Văn Dõng, đưa in tại Thượng Hải và phát hành tại Việt Nam trong năm 1922, rồi được tái bản ngay trong năm sau. Năm 1919, ông bà Cadman trở lại với công việc dịch thuật Kinh Thánh, lần này có sự cộng tác của Phan Khôi. Đến năm 1925, họ hoàn tất bản dịch Cựu Ước. Sau khi được duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh được in tại Hà Nội năm 1926. Được Thánh Kinh Hội Anh quốc nhận tài trợ và xuất bản, bản Kinh Thánh Việt ngữ 1926 này được phổ biến rộng rãi, được yêu thích, và không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong tình cảm tôn giáo của tín hữu Tin Lành tại Việt Nam cho đến ngày nay, mà còn được xem là một tác phẩm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách hành văn Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX.
Bản dịch Kinh Thánh mà Hội Thánh Tin Lành Việt Nam mời Phan Khôi cộng tác thực hiện những năm 1921-1925, xuất bản năm 1926, nay gọi tắt là bản Kinh Thánh Việt ngữ 1926, được đánh giá là một bản dịch tốt, có tầm ảnh hưởng đáng kể trong tín hữu Tin Lành tại Việt Nam. Về mức độ ngôn từ dịch thuật mà Phan Khôi đóng góp, cần nhớ lời của chính Phan Khôi đã dẫn ở trên: “Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, vì bà biết đến 13 thứ tiếng, để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước thôi, song mất đến 5 năm mới thành”.
Vậy là, hậu sinh ngày nay hầu như không thể lấy dù chỉ một đoạn nào đó trong bộ Kinh Thánh Việt ngữ 1926 để đưa vào một tuyển tập các dịch phẩm của riêng Phan Khôi! Là bởi, dù ông có “tác quyền” chung đối với tất cả những tác phẩm ông có tham gia dịch thuật đó (bộ Tân Ước và 1/3 Cựu Ước) nhưng ông (cũng như các thành viên khác của nhóm dịch) lại không có “tác quyền” riêng đối với bất cứ dịch phẩm nào trong số đó! Đây thực sự là công trình của tập thể nhóm dịch giả.
Một điều rất đáng khích lệ là, từ thời gian đó (1926) đến nay, mặc dù đã xuất hiện thêm rất nhiều bản dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, của cả phía Công giáo Việt Nam lẫn phía Tin Lành Việt Nam, song, bản Kinh Thánh Việt ngữ 1926 vẫn được đánh giá tốt, được nhuận chính, hiệu đính để tái bản. Năm 1948, các mục sư J. D. Olsen và Ông Văn Huyên (1900-1999) tổ chức một nhóm học giả nhuận chính phần Tân Ước của bản này. Những năm 1999-2004, được sự bảo trợ của Liên hiệp Thánh kinh hội (UBS), việc hiệu đính phần Tân Ước được hoàn tất, đến cuối 2007, việc hiệu đính phần Cựu Ước được hoàn tất, qua các hội thảo những năm 2005, 2007, 2009, bản hiệu đính này đã được in và phát hành năm 2010.(6)
Riêng đối với Phan Khôi, việc ông có 5 năm liên tục cùng làm việc với một nhóm dịch giả thuộc những văn hóa khác nhau, lại là sự kiện chứa đựng những kết quả mở rộng sự tiếp nhận tri thức to lớn đối với chính ông; có thể xem đây như là khóa học lớn nhất ông được trải nghiệm kể từ sau các trường lớp Nho học thời trẻ.
Ta đã biết, năm 1911, sau khi ra tù, Phan Khôi có ra Huế học trường Pellerin là trường của Giáo hội Công giáo La Mã. Ông chỉ học tại đó mấy tháng rồi phải bỏ ngang vì nhà có tang, sau đó không trở lại học tiếp, và người ta hầu như ít thấy ấn tượng đậm nhạt gì mà nhà trường này hoặc Công giáo để lại trong hồi ức của ông. Sau đó mười năm, Phan Khôi lại nhận lời mời của vợ chồng mục sư W. Cadman tham gia nhóm dịch. Tuy Kinh Thánh là bộ sách dùng chung cho toàn bộ các nhánh đạo Thiên Chúa (Công Giáo, Tin Lành, Chính thống giáo), song phải chăng chính là với nhánh tôn giáo cải cách này Phan Khôi tỏ ra có thiện cảm hơn cả, dù ông chỉ là người ngoại đạo, đứng ngoài quan sát, chứ không bao giờ là tín đồ? Hoặc, cũng có thể hình dung khác đi: chính thời gian 5 năm cộng tác với Hội Tin Lành để dịch Kinh Thánh, do có dịp gần gũi lắng nghe các mục sư học giả Tin Lành, thiện cảm của Phan Khôi đã nghiêng hẳn về nhánh tôn giáo cải cách này?
Có thể thấy, những năm từ 1917 đến 1924, trong các bài viết đăng báo, Phan Khôi cũng đã viết về một vài nội dung của Nho giáo, song đó mới chỉ là những diễn giải thông thường của một nho sĩ, hầu như trong đó chưa xuất hiện cái nhìn phê phán đối với học thuyết của Khổng Tử và các môn đồ Nho giáo như ông sẽ bộc lộ bằng ngòi bút, từ 1929 trở đi. Phải chăng cái nhìn có phê phán đối với Nho giáo về sau đã nảy sinh ở Phan Khôi do những gợi ý nào đó từ sự xúc tiếp với tôn giáo cải cách này, xúc tiếp với các mục sư Tin Lành?
Tiện thể nói thêm, chính trong thời gian làm việc với nhóm dịch Kinh Thánh, tại Hà Nội, Phan Khôi còn được chứng kiến những xung đột về thái độ văn hóa xung quanh một kiệt tác văn chương đã đi vào đời sống cảm xúc của khá nhiều bộ phận cư dân Việt là Truyện Kiều. Ấy là việc Hội Khai trí Tiến đức, đứng đầu là học giả Phạm Quỳnh, tổ chức sự kiện tôn vinh Nguyễn Du và đề cao tiếng Việt, “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Chính sự kiện ấy đã khiến ông nghè Ngô Đức Kế, một “quốc sự phạm” vừa trải qua hơn chục năm ngồi tù, đang là chủ bút tạp chí Hữu thanh, đã lên tiếng trên tạp chí này, phê phán cả Truyện Kiều lẫn những người đề cao Truyện Kiều kia là “rồ dại điên cuồng, tà thuyết mê dân”. Phan Khôi lúc đó giao du với cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế, nhưng ông chỉ quan sát và giữ im lặng. Sau đó dăm bảy năm, khi đã là cây bút trưởng thành, Phan Khôi mới đề cập lại sự việc cũ ấy, nhân đấy thảo luận lại về những vấn đề “học phong sĩ tập” của giới kẻ sĩ nước nhà.
(1) Phan Khôi (1930): “Giới thiệu và phê bình Thánh Kinh Báo, cơ quan của Hội Tin Lành xuất bản tại Hà Nội”, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 74 (16.10.1930).
(2) Phan Thị Nga (1936): “Lối tự học của những bực đàn anh nước ta. Ông Phan Khôi học chữ Tây và làm quen với cô Luận Lý”, Hà Nội Báo, Hà Nội, số 10 (11.3.1936).
(3) Phan Khôi (1931): “Bàn về việc dịch kinh Phật”, [kỳ 1], Trung lập, Sài Gòn, số 6532 (Phụ trương văn chương số 19, thứ Bảy 5.9.1931).
(4) Xem: Lê Đình Bảng (2010): Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010, tr. 120-128.
(5) Những dữ kiện vắn tắt về việc Tin Lành truyền vào Việt Nam, tôi chủ yếu dựa vào: Đỗ Quang Hưng (2010): “Đạo Tin Lành ở Việt Nam, một cái nhìn khái quát”, trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1395/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_mot_cai_nhin_tong_quat.
(6) Theo Lê Hoàng Phu (2010): Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.
Lại Nguyên Ân
(Rút từ bản thảo "Tìm hiểu tác giả Phan Khôi", chuyên đề nghiên cứu, chưa in)