Một bệnh nhân từng giành được giải vô địch bơi lội quốc gia khi còn trẻ đã không gặp may. Khi chờ ghép thận, các bác sĩ ở thị trấn Brescia phía Bắc Italia phát hiện ông bị bệnh tim và nhiễm virus Corona. Nhưng điều cuối cùng gây ra chết của ông lại là quyết định trao máy thở cho một bệnh nhân mắc Covid-19 trẻ hơn, do người này có cơ hội sống sót lớn hơn.
Bác sĩ Marco Metra, Trưởng khoa tim mạch tại Bệnh viện University and City thuộc thành phố ở Brescia cho biết: “Bệnh nhân không còn trẻ đã qua đời vào ngày hôm sau”.
Ông nói thêm: “Nếu một bệnh nhân ít có cơ hội cứu chữa, chúng tôi không thể nhận điều trị và trả họ về nhà. Đây cũng là điều tôi thấy hàng ngày”.
Đây là ác mộng đối với các bác sĩ trên khắp các thành phố phía Bắc Italia, vùng đang bị đại dịch hoành hành và hoàn toàn "vỡ trận".
Tại Brescia, vào hôm thứ Bảy tuần trước, báo cáo ít nhất 350 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Từ 10-15% bác sĩ và y tá không làm việc do nhiễm virus.
Đa số bệnh nhân cần trung bình vài tuần mới có thể chữa lành. Vì vậy, các trường hợp nhiễm mới, ngay cả khi có số lượng giảm đi, vẫn tiếp tục lấp đầy vào một hệ thống bị nghẽn cổ chai đã hết công suất.
Và vì những bệnh nhân nhiễm virus nghiêm trọng nhất cần phải nhập viện ít nhất hai tuần, nên thực tế "những bệnh nhân duy nhất rời khỏi viện là những người đã chết", theo bác sĩ Metra. "Đôi khi, bệnh viện buộc phải lựa chọn các bệnh nhân có cơ hội sống sót do các nguồn lực hạn chế của mình, chủ yếu là máy thở và các y tá được đào tạo để chạy chúng 24 giờ mỗi ngày".
Ông nói: “Chúng tôi cố gắng hết sức trong lựa chọn”, và bổ sung thêm "những người có cơ hội sống sót thấp được tiêm morphine trực tiếp".
Hai tuần sau khi chính phủ Italia thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, vào đầu tuần này, các quan chức tuyên bố có ngày thứ hai liên tiếp giảm cả về số lượng ca nhiễm mới lẫn người chết.
Số bệnh nhân tại các bệnh viện ở vùng Bologna, khu vực ảnh hưởng virus nặng nề nhất Italia, cũng đã giảm từ 9.439 xuống còn 9.266.
Giulio Gallera, quan chức y tế hàng đầu của vùng Lombardy, cho biết “hôm nay là ngày đầu tiên có dấu hiệu tích cực” và “hiện vẫn chưa phải là thời điểm để hát bài ca chiến thắng, nhưng rốt cục chúng ta cũng thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Sự thận trọng của ông Gallera không phải không có lý, các bệnh viện ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn còn "tràn ngập bệnh nhân" và chờ đợi trở lại bình thường.
Nhiều người trong số những nạn nhân bị virus đoạt mạng đã bị nhiễm bệnh từ nhiều tuần trước, trước khi các biện pháp hạn chế được đưa ra.
Một số bệnh nhân được khuyến khích ở nhà, trong khi số khác cần chăm sóc đặc biệt được máy bay quân sự đưa đi khu vực hoặc quốc gia khác.
Cả bác sĩ ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hay những quan chức quốc gia khác, đều cho rằng đường đi ngày càng thu hẹp với những lựa chọn "ngày càng đau đớn".
Vào thứ Sáu tuần trước, Fernando Simón, Giám đốc trung tâm cấp cứu y tế quốc gia Tây Ban Nha, cho biết một số cơ sở chữa trị phải áp dụng các hạn chế trong tiếp nhận bệnh nhân, vì khả năng của họ đã bão hòa.
Hôm thứ Hai, thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio, đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng tương tự, dự đoán rằng nếu các bệnh viện không có thêm máy thở trong tuần này, "số người chết sẽ tăng đột biến".
Ở châu Âu, việc thiếu máy hô hấp đã gây ra thảm kịch. Vào Chủ nhật, điều phối viên cho một đội đua xe mô tô Honda, Oscar Haro, đưa ra một đoạn video nói rằng cha mình đã chết do không được sử dụng máy thở. Cả cha mẹ của ông Haro đều có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng chỉ cha của ông được đưa đến bệnh viện, còn mẹ ông bị cách ly tại nhà.
Haro nói: “Tôi không thể hiểu làm thế nào một người như cha tôi, người đã làm việc từ khi 15 tuổi, trả tiền cho hệ thống y tế, chết vì không có máy thở, và vì họ không điều trị cho ông". Ông đổ lỗi cho chính quyền Tây Ban Nha vì đã không chuẩn bị đầy đủ, ngay cả sau khi chứng kiến đại dịch hoành hành ở Trung Quốc cũng như Italia. “Tây Ban Nha đang để một thế hệ xây dựng đất nước này đi tới cái chết”.
Miền Bắc nước Ý đã chiến đấu trong nhiều tuần.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine cuối tuần qua, một số bác sĩ từ một bệnh viện Bergamo viết rằng 70% giường bệnh của họ được dành riêng cho bệnh nhân nhiễm virus Corona “Có cơ hội sống sót”. Trong khi đó, những bệnh nhân lớn tuổi hơn, không được cấp cứu và thiệt mạng.
Nhiều bệnh viện gần như sụp đổ, sự thiếu hụt của máy thở, oxy cũng như thiết bị bảo vệ cá nhân, khiến nhiều bác sĩ hối thúc bệnh nhân tránh xa bệnh viện.
Họ cho rằng bệnh viện quá tải chính là nguồn lây nhiễm. "Nhân viên cứu thương bị nhiễm bệnh nhưng chưa có triệu chứng lại được gửi đến cứu chữa bệnh nhân tại nhà đang thực sự làm virus lây lan mạnh hơn", các bác sĩ nói.
Trong những ngày gần đây, tại khu vực xung quanh Bergamo, gia đình bệnh nhân được xe cứu thương đến khám cho biết nhân viên y tế hối thúc họ ở nhà mặc dù có các triệu chứng xấu.
Dù mọi người đang được cách ly, ở những khu vực bị lây nhiễm nặng như Bergamo, "về cơ bản không cần phải xét nghiệm cũng có thể biết người dân đều nhiễm bệnh", những nhân viên y tế thạo với tình hình cho biết.
Theo ông Roberto Burioni, chuyên gia nghiên cứu virus nổi tiếng tại Đại học San Raffaele ở Milan, ở vùng Lombardy bây giờ, tình trạng lây lan lan rộng đến mức chúng ta "có thể coi ai cũng bị nhiễm virus"
Pier Luigi Lopalco, một nhà dịch tễ học tại Đại học Siena, ước tính rằng tổng số người mắc bệnh cao hơn 10 lần so với báo cáo chính phủ đưa ra vào lúc 6 giờ chiều mỗi ngày.
Luca Zaia, Chủ tịch của Veneto, một khu vực phía Bắc khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ dịch, cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào phải đối mặt với tình trạng bùng nổ cần phải sẵn sang chuẩn bị, và cho rằng người Mỹ nên “mua tất cả các máy hô hấp khi có thể để cứu sống bệnh nhân”.
Ông nói rằng kinh nghiệm đã dạy cho quốc gia Địa Trung Hải rằng bệnh nhân mắc Covid-19 là những người tiêu thụ lượng oxy khổng lồ khiến nguồn cung khí này nhanh chóng cạn kiệt. "Bạn có thể có một bệnh viện đầy giường bệnh, nhưng nếu không có ôxy, mọi thứ là vô nghĩa", ông Zaia phân tích.
Tại bệnh viện Papa Giovani XXIII ở Bergamo, bác sĩ Ivano Riva cho biết, đến thời điểm này, ông và các đồng nghiệp cố gắng không tước quyền chăm sóc cho bất kỳ ai, để mọi bệnh nhân đều được chữa bệnh. Ông nói: “Điều quan trọng là chưa tới mức đó, và không ai muốn quyết định ai sống hay chết như Chúa trời”.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày thứ Sáu, bác sĩ Metra kể về trường hợp, một bệnh nhân nhiễm virus Corona từng bị đau tim 15 năm trước đáp ứng đủ tiêu chí cho máy thở. Nhưng đến 7 giờ tối, do thiếu máy nên người này buộc phải sử dụng biện pháp hỗ trợ thở đơn giản khác.
“Chúng tôi không đủ khả năng. Khi tất cả các máy thở trong bệnh viện đang được sử dụng, bạn phải đưa ra những lựa chọn này”, ông chua chát nói.
Các thủ tục theo quy định, chẳng hạn như lấy huyết áp bệnh nhân, mà trước đây chỉ mất một phút, bây giờ mất nửa giờ vì cần áp dụng biện pháp phòng ngừa. Và hậu quả của việc không thực hiện phòng ngừa, đặc biệt là giữa các bệnh nhân, có thể thấy rõ ràng.
Một số bệnh nhân tử vong chỉ vì giường bệnh của họ gần với giường bệnh nhân khác nhiễm virus Corona mà bác sĩ không biết.
Theo ông, “Có những bệnh nhân đến bệnh viện một tuần trước do bệnh khác, sau đó họ lây chéo và bây giờ họ bị bệnh. Đó là lý do vì sao mà đơn vị nào của chúng tôi cũng đều nhiễm Covid-19”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giacomo Grasselli, người điều phối các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn vùng Bologna, cho biết" số lượng lây nhiễm gia tăng sẽ yêu cầu các bác sĩ phải lựa chọn ưu tiên những người có cơ hội sống sót cao nhất". Đây là quyết định cơ bản mà bác sĩ thường đưa ra, ai có thể chữa trị và khi nào thì việc chữa trị trở nên vô ích.
Đầu tháng này, bác sĩ Marco Vergano, một bác sĩ gây mê 45 tuổi, là Chủ tịch Ủy ban Y đức, đã thức bốn đêm chỉ để soạn thảo các khuyến nghị khẩn cấp việc phân bổ giường khan hiếm khi khối lượng bệnh nhân quá tải.
Theo bác sĩ Vergano, việc thiếu máy thở và y tá buộc phải đưa ra những tính toán chết người. Ông nói: “Nhiều bệnh nhân nhập viện và bạn không thể xuất viện cho bất kỳ bệnh nhân nào”. Khi không còn giường bệnh nào trống, “bạn chỉ có thể nhận thêm bệnh nhân với điều kiện một bệnh nhân khác mất mạng”, nhưng “nếu một bệnh nhân sẽ chết trong vài ngày sắp tới, có lẽ đó là một bệnh nhân không đáng phải nhập viện. Bạn đang lãng phí tài nguyên rất khan hiếm và quý giá”.
Theo khuyến nghị trong bài viết của bác sĩ Bergamo trên tập chí New England Journal of Medicine, bác sĩ ở tâm dịch cần tập trung vào nhu cầu của toàn bộ cộng đồng.
Các khuyến nghị đã ngay lập tức bị các quan chức trong Hiệp hội y tế Italia công kích, nhiều người trong số họ không sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, những người này chỉ trích khuyến nghị là phân biệt đối xử với bệnh nhân lớn tuổi. Nhưng bác sĩ Vergano cho biết ông đã nhận được sự ủng hộ từ các bác sĩ ở tuyến đầu, cũng như yêu cầu tham khảo từ các bác sĩ ở các quốc gia khác.