| Hotline: 0983.970.780

Thăm 'nhà máy' 200m2 nuôi dúi khổng lồ, lãi 600 - 700 triệu đồng/năm

Thứ Năm 12/10/2023 , 09:39 (GMT+7)

Gọi là nhà máy bởi nó vận hành theo trình tự, sạch sẽ, ngăn nắp và luôn phát ra những tiếng cót két đều đặn từ gần 500 bộ răng của loài dúi khổng lồ…

Anh Hà Văn An đang bế con dúi má đào nặng khoảng 5 kg. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hà Văn An đang bế con dúi má đào nặng khoảng 5 kg. Ảnh: Dương Đình Tường.

Răng sắc nhưng hiền như thú cưng

Khi ông Hà Văn Khởi - trưởng tiểu khu 19/5 toàn người Thái ở xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La dẫn tôi đến thì anh Hà Văn An đang bận cưa cây tre thành từng khúc để chuẩn bị bữa ăn tối cho dúi.

Anh tiếc rẻ: “Anh không báo trước cho em để đãi nhà báo một bữa thịt dúi má đào của Lào xem có ngon hơn thịt dúi mốc của Việt Nam không. Gì chứ, dúi em nuôi được, thích thịt lúc nào cũng được”.

Nói thì nói vậy nhưng anh vẫn không thể dừng tay được bởi như một dây chuyền sản xuất trong nhà máy, không thể ngưng lại, dù chỉ là một phút, một giây.

Từng thanh tre thả vào ô chuồng này, nghe cộc một tiếng là ô chuồng bên những con dúi khác cũng khịt khịt đòi ăn, hệt như lợn đánh hơi thấy mùi cám. Cót két, cọt kẹt. Những âm thanh đều đặn phát ra từ gần 500 bộ răng của loài dúi khổng lồ.

Dúi ban ngày ngủ, ban đêm ăn, phát ra những tiếng cót két, cọt kẹt. Bố của anh An đến chơi, nghe tiếng ấy không quen, cả đêm không ngủ được, nhưng kỳ thực ra ngoài lúc ăn, chúng chẳng phát ra âm thanh gì.

Anh An từng trải qua nhiều nghề: làm ruộng, chạy xe, chăn trâu, bò nhưng nghề thì đủ ăn, nghề thì thảm bại, như đợt nuôi 15 con trâu thì chết mất 11 con, lỗ gần 200 triệu.

Trong lúc nếm mùi thất bại cay đắng đó, anh chợt nghĩ tới những năm 80 của thế kỷ trước, khi vào rừng đào dúi mốc (dúi xám của Việt Nam) về nuôi. Chúng sinh đẻ tốt, đủ làm thức ăn để cải thiện cho gia đình nhưng do nuôi bằng lồng gỗ nên một dịp dúi cắn thủng, bỏ đi bằng hết.

Trẻ che cho dúi ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trẻ che cho dúi ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tìm hiểu trên mạng internet, anh lại mua dúi mốc rừng về nuôi nhưng do chưa thuần, tỷ lệ chết nhiều, khi sinh sản lại hay cắn con thành ra thất bại. Nghe nói về dúi má đào thu lợi cao, anh tìm mua 8 cặp người ta bắt trong rừng về nuôi, sau 3 tháng chết mất 12 con, lỗ ngay vài chục triệu.

Anh mổ những con chết, thấy nội tạng thâm tím hết. Hóa ra thợ săn đào hang rồi dùng thòng lọng để lôi chúng ra nên con nào cũng bị chấn thương. Những con ốm yếu chết, con nào khỏe hơn sống cũng khó thuần, tỷ lệ nuôi chỉ đạt 50%, khi đẻ hay ăn con.

Có người mách, anh mới đi xe máy sang tỉnh Hủa Phăn của Lào để mua 8 cặp dúi má đào thuần, mỗi cặp giá 6,5 triệu đồng về nuôi trong những cái chuồng được quây lại bằng gạch men kích cỡ 60x60cm.

Cả 8 cặp sau 8 tháng nuôi đều sinh sản, mỗi năm trung bình 3 lứa, mỗi lứa trung bình 4-5 con, nhưng để đảm bảo sức khỏe cho dúi mẹ nên mỗi năm anh để chỉ 2 lứa.

Dúi mốc rừng của Việt Nam cũng đẻ mỗi năm 2-3 lứa nhưng mỗi lứa chỉ 2-3 con, mỗi con trưởng thành nặng chỉ hơn 1 kg, nhiều mỡ thành ra giá bán chỉ 500.000đ/kg, lợi nhuận thấp.

Còn dúi má đào thuần của Lào ngoài sinh sản khỏe, trọng lượng trưởng thành lên tới 5-6 kg, thịt thơm ngon, ít mỡ thành ra bán mỗi kg 650-700.000đ, giống 3,5-4 triệu đồng/cặp lúc chúng khoảng 1 kg.  

Mỗi chuồng thả một thanh tre. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Mỗi chuồng thả một thanh tre. Ảnh: Dương Đình Tường. 

''Dúi là loài động vật gặm nhấm, thức ăn 70% là thân tre, còn lại bổ sung thêm 30% là ngô, sắn, chít. Tre chúng thích ăn loại già, thân dày từ 2 năm tuổi trở lên, chứ không thích loại mỏng, non, đắng, nhạt, nhiều nước. Ăn nhiều tre non dúi sẽ bị xù lông, tóp bụng và chết.

Đối với những con non mới tập ăn thì nên tước bỏ tinh tre (lớp vỏ cứng) bên ngoài đi rồi mới cho ăn. Đoạn nào cắt thừa thì cho vào tủ lạnh để bảo quản, giữ tươi được cả tháng, còn khúc nào to cứ dựng đứng, ngâm vào chậu nước, thỉnh thoảng thay nước là xong.

Mỗi con dúi nuôi như thế thức ăn mỗi ngày chỉ hết khoảng 200-300 đ. Dúi thương phẩm ngày cho ăn 2 bữa, còn dúi sinh sản ngày chỉ cho ăn 1 bữa.

Dúi ăn đêm ngủ ngày và ngủ rất say. Còn nuôi theo kiểu truyền miệng, cho ăn nhiều cám công nghiệp, tinh bột, đạm là dúi béo, ít sinh sản, hay bị bệnh đường ruột, đi ngoài ra máu rồi chết”. Anh An chia sẻ.

Trại có diện tích cỡ 200m2, đang nuôi 450 con dúi má đào và hơn 50 con dúi mốc. Dơ bàn tay, cánh tay với những vết sẹo sâu, anh An cười và bảo, dúi mốc rừng của Việt Nam không cầm được vì chúng cắn ngay, còn dúi má đào của Lào có thể nuôi thú cưng được. Mấy đứa cháu của tôi, có đứa mới chỉ 3 tuổi còn bế cả dúi lên giường chơi, ôm hôn, vuốt ve như chơi với chó mèo vậy, chưa bao giờ bị cắn cả.

Cận cảnh dúi má đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh dúi má đào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những lời khuyên thật lòng

Năm 2020 anh lãi 350 triệu, năm 2021 lãi hơn 600 triệu, năm 2022 lãi hơn 700 triệu, tỷ lệ 50% bán giống, 50% bán thịt. Mới 9 tháng của năm nay đàn dúi đã đẻ hơn 1.000 con, dự kiến lãi sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước. Giống anh bán đi khắp nơi nhưng dúi thịt chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Mộc Châu mà còn cung không đủ cầu.

“Dúi hiện đang đứng đầu bảng về lợi nhuận trong các vật nuôi, đầu tư 1 đồng, lãi 8-10 lần. Dúi chửa 2 tháng, nuôi con được 2 tháng tách ra, chỉ 10-15 ngày sau là mẹ lại động dục. 1 ô nuôi 4-5 con, khi nào thấy dúi đực “đạp” mà bị dúi cái cắn là phải bỏ ra vì chúng lúc đó đã chửa.

Nuôi 1 con dúi mẹ lãi bằng 1 con bò, tương đương 15-18 triệu đồng/năm mà bò phải chăn dắt còn dúi không. Nuôi dúi khi đẻ người không phải đỡ, không phải chăm sóc như bò mà chúng tự liếm, tự ủ rồi cho con bú. Lúc nào dúi mẹ cũng ấp con trong bụng, 1-2h lại cho bú. Nếu đẻ non, dúi không chăm con nữa thì đành phải chịu, không thể cứu được”. Anh thông tin.

Con vật này hầu như không có bệnh gì. Tất cả bệnh đều do chế độ cho ăn, nhiều tinh bột hoặc nhiều đạm quá. Dúi khi đau răng, mẻ răng do cắn vào thành chuồng phải giảm lượng thức ăn đi, cho ăn thứ khác mềm hơn như ngô, chít, mía để 4-5 ngày sau mọc lại răng. Mỗi hàm răng của dúi có 2 cái, dưới ăn, trên đỡ, nếu mẻ răng trên thì cũng rất nhanh mọc.

Răng của dúi to và khỏe thế, cắn cái đứt lìa khúc tre già nhưng khi con bò ra, mẹ dùng mồm ngậm lại nhẹ nhàng như không. Dúi giảm ăn mà cào chuồng là ghép đực vào, còn cào chuồng mà lùng sục thức ăn là đói.

Dúi má đào mới sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dúi má đào mới sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu nhiệt độ ngoài trời trên 32 độ C phải có hệ thống làm mát nhưng được cái khí hậu Mộc Châu luôn mát mẻ, có những năm như 2021 mùa đông còn -4 độ C, sương muối trắng trời nhưng dúi vẫn không bị sao. Lời khuyên của anh cho những ai muốn nuôi là ban đầu nên nuôi ít, 5-7 đôi thử xem có thành công không, 1-2 tháng sau, nếu được mới mở rộng.

1 con dúi nuôi mất 80-100.000đ tiền thức ăn mỗi năm, còn giống phải tự tạo mới chắc lãi, chứ mua giống về nuôi để bán thương phẩm lỗ ngay bởi giá mỗi cặp 1 kg/con đã 4 triệu rồi, không như nuôi lợn.  

Bản này cũng 6-7 nhà nuôi dúi, bận việc khác, không tâm huyết hay không dám đầu tư thất bại ngay. Đứa cháu của anh cũng là một trường hợp như thế. Nói chung làm gì cũng phải tâm huyết, chịu học hỏi.

Cây tre có mùi, bị kiến đục hay còn non là không cho dúi ăn. Cám công nghiệp nếu cho ăn chỉ bổ sung chút ít kiểu rắc mì chính, chứ cứ nghe quảng cáo trên mạng rằng cho ăn nhiều cám cò nhanh lớn, rồi cho uống sữa nọ, sữa kia cho nhanh lớn chẳng mấy chốc mà tan chuồng.

Mẹ con nhà dúi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mẹ con nhà dúi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiếng là trại nuôi tới 500 con con dúi nhưng chỉ cần cắt 3 cây tre là có thể ăn trong mấy ngày. Bởi thế anh An thường ngủ tới 9-10h sáng mới dậy, 4h30 chiều pha chế thức ăn, dọn phân đến khoảng 6h30 lại nhàn.

Ô nuôi nhiều dúi, ngày nào cũng phải dọn phân, phần để môi trường sạch, phần đề phòng phân đùn cao, dúi sẽ đạp lên để trốn. Trước anh toàn phải đi quanh bản để lùng mua tre nhưng nay đã trồng tre trên đồi thay cho mận.

Vợ có lần tiếc rẻ vẫn cặm cụi đi chăm mận, anh liền mắng cho: “Không biết gì về kỹ thuật, bà về dọn phân dúi thay cho tôi cũng được, mận rẻ, rụng xuống người ta còn không thèm nhặt nữa chăm làm gì?”.

"Dúi má đào thịt ngon, ít mỡ, chế biến hợp nhất là khi hơn 1 năm tuổi, trọng lượng 3,8-4kg, vừa đủ 1 mâm chứ không như nhím to quá phải mấy mâm. Vả lại thịt nhím nuôi hoi, không ngon bằng". Anh Hà Văn An.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.