Tàu ngầm USS Halibut (SSGN-587) phóng tên lửa SSM-N-8 Regulus. Ảnh: US Navy. |
Chứng kiến sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân đối với các loại tàu chiến mặt nước sau loạt thử nghiệm bom nguyên tử tại quần đảo Bikini vào năm 1946, hải quân Mỹ vào thập niên 1950 đề ra một số phương án thay thế vai trò của tàu sân bay nhằm đề phòng chiến tranh hạt nhân nổ ra. Một đề xuất được đưa ra là chế tạo mẫu tàu sân bay có thể lặn sâu dưới nước để tránh tác động của bom hạt nhân, theo Popular Mechanics.
Hải quân Mỹ có dự định chế tạo tàu ngầm sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với định danh AN-1, có khả năng phóng 8 máy bay phản lực trong vòng chưa đầy 8 phút. AN-1 được thiết kế dựa trên cơ sở tàu ngầm Halibut, lớp tàu ngầm có kích thước lớn nhất thời kỳ này và có thể mang theo 5 tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân SSM-N-8 Regulus.
Tàu ngầm Halibu sử dụng các ray phóng gắn bên ngoài thân tàu để khai hỏa tên lửa Regulus được chứa bên trong thân. Tên lửa này có kích cỡ tương tự một tiêm kích phản lực cỡ nhỏ, khiến các kỹ sư Mỹ nảy sinh ý tưởng phóng tiêm kích từ tàu ngầm như phóng tên lửa.
Theo thiết kế, tàu ngầm AN-1 có chiều dài hơn 152 m, chiều ngang gần 13,5 m, tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ, có khả năng di chuyển tới bất cứ vùng biển nào trên thế giới nhờ lò phản ứng hạt nhân 15.000 mã lực. AN-1 được trang bị 8 ống ngư lôi ở phần mũi và đuôi tàu.
Các tiêm kích trên AN-1 có thiết kế giống chiếc phi tiêu, được dựng thẳng đứng trên ray phóng phía trên mặt tàu trước khi xuất kích. Sau khi kích hoạt ba động cơ phản lực Wright SE-105, tiêm kích sẽ vọt lên không trung, sau đó hai động cơ tách ra và được thu hồi để tái sử dụng. Theo bản thiết kế do hãng Boeing đề xuất, mẫu tiêm kích này có thể đạt tốc độ tới Mach 3.
Đồ họa tàu ngầm sân bay AN-1 và tiêm kích trên tàu do Boeing phát triển. Ảnh: H.I. Sutton. |
"Thách thức lớn nhất là làm cách nào để các tiêm kích này hạ cánh. Boeing đề xuất chế tạo máy bay phản lực hạ cánh theo chiều dọc với động cơ hướng xuống dưới, giải pháp này khả thi nhưng việc điều khiển rất khó", chuyên gia tàu ngầm H.I. Sutton cho biết.
Quân đội Mỹ lúc đó đánh giá tàu ngầm sân bay AN-1 sẽ có vai trò lớn nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra. Dù AN-1 không đủ khả năng triển khai một không đoàn chiến đấu cơ lớn, tàu ngầm này có thể tiếp cận bờ biển Liên Xô hoặc Trung Quốc và tung ra đòn tập kích bất ngờ bằng tiêm kích mang vũ khí hạt nhân.
Các chiến lược gia Mỹ tính toán rằng tàu ngầm AN-1 có thể đồn trú tại các căn cứ ở châu Á và châu Âu, thiết lập vành đai phòng thủ tiền tiêu ngăn chặn oanh tạc cơ mang vũ khí hạt nhân trước khi chúng tiếp cận lãnh thổ Mỹ. Việc không thể biết chắc vị trí của các tàu ngầm sân bay buộc đối phương phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện dự án này được cho là vô cùng lớn, trong khi tính khả thi không cao, nên hải quân Mỹ dần mất hứng thú với việc chế tạo tàu ngầm có thể mang máy bay. Dự án AN-1 chỉ dừng lại ở trên giấy và không bao giờ được đưa vào thực tế.
Mặc dù không được chế tạo, AN-1 được đánh giá là ý tưởng vượt thời đại vào những năm 1950. Ngày nay, các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ đang bị đe dọa bởi nhiều loại vũ khí tối tân, trong đó có vũ khí siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo chống hạm, điều này có thể khiến hải quân Mỹ nghiên cứu lại ý tưởng tàu ngầm sân bay từ hơn 60 năm trước.
Mỹ đã làm chủ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân có kích thước lớn hơn AN-1, đồng thời máy bay không người lái (UAV) hiện được sử dụng phổ biến trong nhiều chiến dịch quân sự. Hải quân Mỹ có thể kết hợp tàu ngầm và UAV trong tương lai, hình thành lực lượng tác chiến kiểu mới, theo bình luận viên Kyle Mizokami.