| Hotline: 0983.970.780

Tháng ba ngược đèo Lũng Lô

Thứ Hai 22/03/2021 , 09:54 (GMT+7)

Lũng Lô là con đèo huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trở lại đèo Lũng Lô tháng 3 năm nay, tôi tình cờ gặp những người viết tiếp bản hùng ca năm xưa…

Đèo Lũng Lô. Ảnh: Thái Sinh.

Đèo Lũng Lô. Ảnh: Thái Sinh.

Đèo Lũng Lô nối hai huyện Phù Yên thuộc tỉnh Sơn La và Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái. Cách đây 67, năm đèo Lũng Lô là trọng điểm bắn phá dữ dội của máy bay Pháp hòng ngăn chặn con đường vận chuyển lương thực và đạn dược cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Thượng Bằng La, tháng 11/1953 nhân dân xã Thượng Bằng La đã đón trên 5.000 bộ đội, dân công từ khắp nơi về mở đường 13 qua đèo Lũng Lô. Đoạn đường từ bến phà Âu Lâu tới đèo Lũng Lô suốt hơn 200 ngày đêm không ngày nào ngớt tiếng bom, giặc Pháp đã trút xuống đây 11.778 quả bom các loại.

Nhân dân xã Thượng Bằng La đã chặt cả chục ngàn cây gỗ và tre nứa, nhiều gia đình góp cột nhà để lót đường, bắc cầu cho xe vượt đoạn đường chạy qua khe Thắm và đồng Mỏ dài 3km tới chân đèo Lũng Lô. Không chỉ vậy, xã còn tổ chức 3 đại đội dân quân, mỗi đại đội từ 85 - 140 người túc trực suốt ngày đêm để san lấp mặt đường sau khi bị bom đạn cày xới.

Trên đèo Lũng Lô có 4 hang đá lớn, hai hang nằm ở địa phận xã Thượng Bằng La, đó là hang Thương Binh và hang Thẩm Thoóng. Trên đường hành quân chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghỉ đêm tại hang Thẩm Thoóng. Tháng 5/1959 trên đường lên thăm Điện Biên Phủ, đại tướng đã ghé thăm xã Thượng Bằng La, thăm lại đồng bào từng giúp đỡ bộ đội suốt những ngày chiến dịch.

Cửa hang chứa vũ khí trong chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở xã Mường Cơi. Ảnh: Thái Sinh.

Cửa hang chứa vũ khí trong chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở xã Mường Cơi. Ảnh: Thái Sinh.

Phía xã Mường Cơi có 2 hang làm kho chứa đạn dược, tôi đã đặt chân vào 3 hang nằm quanh khu vực đèo Lũng Lô, hang thứ 4 nằm cách đỉnh đèo chừng 1km, do lối đi cây cối rậm rạp rất nguy hiểm nên tôi không vào được. Mùa mưa lũ năm 2005 đã cắt đứt đoạn đèo Lũng Lô phía xã Mường Cơi, người ta phải mở đoạn đường tránh điểm sạt lở cách đỉnh đèo chừng một cây số, thành thử đoạn đèo cũ trở thành hoang vắng, cây cối um tùm.

Tháng 7/2014 tôi có mặt trong đoàn tìm mộ của tỉnh đội Yên Bái phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khai quật những nấm mộ trên hang Thương Binh để tìm hài cốt liệt sĩ đưa từ mặt trận Điên Biên Phủ về cứu chữa, nhưng nhiều người đã mất tại đây. Sau 60 năm thịt xương các liệt sĩ đã tan vào trong đất, không tìm thấy bất cứ một thứ gì dù chỉ là mẩu xương hay chiếc cúc áo, cửa hang cũng đã bị đất đá vùi lấp gần hết không còn nhận ra nơi đây từng cứu chữa hàng trăm thương binh.

Tháng ba năm nay tôi trở lại đèo Lũng Lô, con đèo sau nhiều lần nâng cấp nay đã dễ đi hơn trước, cây rừng không còn nhiều như xưa nhưng vẫn hoang vắng lắm, điều đó khiến tôi liên tưởng 67 năm trước trên chính con đèo này hàng ngàn bộ đội, dân công cùng từng đoàn xe pháo rầm rập ra mặt trận, bom nổ mù trời.

Tôi có cảm giác con đèo như bị lãng quên và chỉ được nhắc đến mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Một điều tôi không thể ngờ trong sự lặng lẽ tưởng như hoang vắng của con đèo, nhưng đã có những con người đang viết tiếp bản hùng ca bất tử trên đèo Lũng Lô.

Bên kia đèo Lũng Lô, xã Mường Cơi đã thành lập hợp tác xã trồng cam Nghĩa Hưng, cây cam mọc suốt từ lưng đèo lên tới đỉnh đèo với diện tích 20ha. Đây là khu vực trồng cam theo phương pháp VietGAP mỗi năm thu 300 - 400 tấn cam sạch, nhiều hộ xây nhà 2 - 3 tầng, nhìn thị tứ Mường Cơi đủ thấy sự sung túc của một vùng đất dưới chân đèo Lũng Lô. Tháng 3 đang là mùa hoa cam nở, con đèo thơm nức trong hoang vắng.

Ông Nguyễn Dũng Đoạt (trái) trao đổi với ông Sa Văn Túy (phải) về độ sinh trưởng của cây ích mẫu. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Nguyễn Dũng Đoạt (trái) trao đổi với ông Sa Văn Túy (phải) về độ sinh trưởng của cây ích mẫu. Ảnh: Thái Sinh.

Bên này đèo Lũng Lô, năm 2018 Hợp tác xã Lũng Lô được thành lập với 12 thành viên, nằm ở lưng đèo cách Quốc lộ 37 chừng 500m trên vùng đất khá bằng phẳng. Nơi đây vốn là nương rẫy trồng ngô, lúa của người dân xã Thượng Bằng La thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Trong một lần tình cờ theo một người bạn lên đèo, Đỗ Bảo Long - Phó giám đốc Công ty Dược Yên Bái thấy vùng đất quanh năm mát mẻ, không khí trong lành rất hợp cho việc trồng các loại cây dược liệu, anh bàn với Sầm Sơn là người quê ở Thượng Bằng La, hai người quyết định thành lập hợp tác xã dược liệu lấy tên Hợp tác xã Lũng Lô.

Để có đất, Sầm Sơn về vận động em trai là Sầm Văn Nưa cùng anh rể Sa Văn Túy và các hộ có đất làm thành viên hợp tác xã, rồi mua thêm đất của các hộ khác để tạo thành một khu vực trồng dược liệu với tổng diện tích 13ha.

Những ngày đầu thành lập hợp tác xã không mấy dễ dàng, để vận động những hộ gia đình góp đất là câu chuyện rất dài. Bởi những người xưa nay chỉ biết trồng ngô, lúa nay chuyển sang trồng dược liệu theo công nghệ cao là điều xa lạ. Sau nhiều lần thuyết phục mọi người cũng đã hiểu ra, họ không chỉ góp đất mà còn góp tiền, người nhiều 1,5 tỷ, người ít 200 triệu. Với vốn liếng ban đầu chỉ 10 tỷ đồng là thách thức lớn đối với một hợp tác xã dược liệu khi muốn xây dựng cơ sở trồng và chế biến hiện đại, tiên tiến.

Phó giám đốc Sa Văn Nưa dẫn tôi thăm cơ sở trồng dược liệu của hợp tác xã trên lưng chừng núi, anh phải gọi điện cho anh rể Sa Văn Túy lấy xe máy đón tôi lên, bởi con đường dốc như mặt ngựa lại lầy lội sau trận mưa đêm qua. Tôi quá bất ngờ trước một vùng đất khá bằng phẳng rộng chừng 3ha, lúc đó khoảng 10 giờ sáng nhưng vẫn còn mù mịt sương, trời lạnh giá không khác gì Sa Pa.

Phó giám đốc Nguyễn Dũng Đoạt, vốn là cán bộ của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, sau khi nghỉ hưu được hợp tác xã mời phụ trách sản xuất, kỹ thuật, cho hay: Hiện nay hợp tác xã đang trồng 6 loại cây dược liệu là đương quy, hoài sơn, cà gai leo, mạch môn, hi thiên, ích mẫu. Cây hoài sơn ngoài diện tích của hợp tác xã còn vận động bà con trong vùng trồng, hợp tác xã thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Năm đầu tiên trồng được 12ha, năng suất trung bình 18 tấn/ha, tính ra đã thu hoạch trên 200 tấn. Vụ thu hoạch đã hết, chỉ còn lại một số ít do trồng muộn củ nhỏ nên anh quyết định để lại vụ sau.

Ông Sầm Văn Nưa giới thiệu cây mạch môn. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Sầm Văn Nưa giới thiệu cây mạch môn. Ảnh: Thái Sinh.

Sầm Văn Nưa dẫn tôi lên ngang lưng núi nơi trồng cây mạch môn, anh nhổ thử một bụi, cây mới trồng được một năm nhưng củ đã chi chít. Anh cho biết: Cây mạch môn càng để lâu càng nhiều củ, cây nhiều rễ nên chống được sói mòn cho đất. Tất cả chỗ nào đất dốc chúng tôi đều trồng cây mạch môn…

Khu vực trồng cây đương quy. Ảnh: Thái Sinh.

Khu vực trồng cây đương quy. Ảnh: Thái Sinh.

Do mới thành lập nên diện tích cây đương quy chỉ trồng được 1ha bằng hạt giống của Nhật do Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cung cấp. Diện tích trồng năm 2019 thì đã được thu hoạch, ông Đoạt bảo: Cây đương quy làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, ngoài cung cấp cho các công ty dược, chúng tôi còn ngâm rượu. Mới ngâm được gần 2.000 bình, nhưng đã giao cho các cơ sở vài trăm bình rồi, số còn lại đều được các cơ sở thu mua đăng ký…

Trao đối với chị Hoàng Thị Y ở thôn Du là thành viên của hợp tác xã, chị cho biết: Gia đình tôi có hơn 2.000m2 ruộng, mỗi vụ chỉ làm vài ngày là hết việc, nay góp đất vào hợp tác xã chúng tôi trở thành công nhân, lương bình quân 5 triệu đồng mỗi tháng lại được đóng bảo hiểm và có việc quanh năm không phải đi làm thuê như những năm trước, nên cũng có tiền nuôi con ăn học...

Dưới chân đèo Lũng Lô còn có trang trại nuôi thỏ rộng 30ha của Công ty Nippon Zoki Việt Nam thuộc Tập đoàn Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản. Trang trại được xây dựng năm 2016, có tổng số vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất 25.000 con thỏ/ngày, sản phẩm đầu ra 2.500 con/ngày.

Chuyện về con đèo còn dài, chúng tôi hẹn một dịp khác sẽ kể tiếp về những con người đang viết tiếp bản hùng ca trên đèo Lũng Lô huyền thoại mà cha ông họ cách nay gần 70 năm đã trải qua.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.